Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng quí 3 vẫn sáng

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Công bố lợi nhuận tăng trưởng khả quan, nhưng giá cổ phiếu nhiều ngân hàng thì không lạc quan như thế.

LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 4.800 tỉ đồng sau chín tháng, tăng mạnh 71% so với cùng kỳ năm trước.

Bức tranh lợi nhuận tích cực

Ngân hàng TMCP Quốc Dân báo cáo lỗ trước thuế gần 199 tỉ đồng trong quí 3-2022, trong khi cùng kỳ lãi gần 80 tỉ đồng. Theo lý giải từ ngân hàng này, lợi nhuận giảm do ngân hàng thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thực hiện trích lập dự phòng theo Phương án cơ cấu lại, đồng thời ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hiện tượng thua lỗ của Quốc Dân, hay sụt giảm lợi nhuận của ABBank chỉ mang tính đơn lẻ, khi mẫu số chung các ngân hàng đã công bố lợi nhuận quí 3 đều cho thấy tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Như Ngân hàng ACB báo lợi nhuận trước thuế (LNTT) chín tháng hơn 13.503 tỉ đồng, tăng mạnh 51% so với cùng kỳ năm trước và đã đạt 90% kế hoạch năm, riêng quí 3 lãi 4.475 tỉ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ.

VPBank đạt LNTT chín tháng gần 19.837 tỉ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước, riêng quí 3 lãi 4.514 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.

Hiện tượng thua lỗ của ngân hàng quốc dân, hay sụt giảm lợi nhuận như ABBank chỉ mang tính đơn lẻ, khi mẫu số chung các ngân hàng đã công bố lợi nhuận quí 3 đều cho thấy tiếp tục tăng trưởng tích cực.

TPBank đạt LNTT 5.926 tỉ đồng sau chín tháng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, riêng quí 3 lãi 2.137 tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ.

LienVietPostBank đạt LNTT hơn 4.800 tỉ đồng sau chín tháng, tăng mạnh 71% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quí 3 lãi 1.234 tỉ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ.

Trước đó, VIB cũng ước LNTT chín tháng 7.800 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, riêng quí 3 đạt 2,780 tỉ đồng, gấp đôi so với quí 3-2021.

SeABank cũng ước LNTT đạt hơn 4.000 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm trước. Còn báo cáo tài chính quí 3 của Techcombank cho thấy LNTT chín tháng đạt hơn 20.800 tỉ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ, riêng quí 3 đạt 6.715 tỉ đồng, tăng 21%.

Hay như Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam công bố LNTT chín tháng đạt 4.824 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, riêng quí 3 đạt 1.489 tỉ đồng, tăng hơn 47% so với cùng kỳ.

Tại VietBank, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ lên gần 209 tỉ đồng, nhưng ngân hàng này vẫn đạt LNTT gần 536 tỉ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, riêng quí 3 lãi 148 tỉ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ.

PGBank cũng chứng kiến trích lập dự phòng gần 220 tỉ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ, nhưng vẫn báo LNTT chín tháng hơn 387 tỉ đồng, tăng 42%, riêng quý 3 lãi gần 142 tỉ đồng, tăng 46%.

Động lực tăng trưởng

Yếu tố đầu tiên tác động tích cực lên lợi nhuận của các ngân hàng đến từ quy mô kinh doanh tiếp tục mở rộng. Dù tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại trong quí 3, nhưng so với cùng kỳ năm 2021 quy mô dư nợ của nhiều ngân hàng đã lớn hơn đáng kể nhờ dư nợ đã tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm nay, theo đó các ngân hàng tiếp tục hưởng quả ngọt từ xu hướng này.

Như tại ACB và TPBank, dư nợ cho vay khách hàng đều tăng đến 11% so với đầu năm, lần lượt đạt hơn 402.000 tỉ đồng và 156.000 tỉ đồng. Tại Techcombank, dư nợ cho vay thậm chí tăng hơn 18% so với đầu năm, đạt hơn 410.500 tỉ đồng; còn VPBank tăng 13%, đạt hơn 402.600 tỉ đồng. VietBank cũng ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tăng 14%, trong khi LienVietPostBank ghi nhận tốc độ khiêm tốn hơn nhưng cũng tăng trưởng trên 9%.

Yếu tố thứ hai là các nguồn thu ngoài lãi tiếp tục được đẩy mạnh, từ việc bán chéo sản phẩm cho đến công tác thu hồi, xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Như ACB ghi nhận lãi từ dịch vụ chín tháng tăng 21% so với cùng kỳ, đạt gần 2.600 tỉ đồng; còn lãi từ hoạt động khác gấp 12 lần, lên 849 tỉ đồng.

Tại VPBank, lãi từ hoạt động khác gấp 4,4 lần cùng kỳ, thu về gần 9.686 tỉ đồng, nhờ tăng thu từ các công cụ tài chính phái sinh khác (tăng 58%, đạt 2.084 tỉ đồng), thu nhập khác (gấp 26 lần, đạt 5.885 tỉ đồng) và phát sinh thêm 342 tỉ đồng thu từ hoạt động bán nợ.

Lãi từ hoạt động khác của TPBank cũng gấp 4,2 lần cùng kỳ, thu được hơn 593 tỉ đồng, nhờ thu từ các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng nguồn rủi ro gấp ba lần, đạt hơn 503 tỉ đồng.

VietBank cũng chứng kiến lãi thuần từ hoạt động khác tăng 71%, thu được gần 198 tỉ đồng, nhờ thu nhập từ đặt cọc chuyển nhượng bất động sản và thu hồi các khoản nợ đã được xử lý rủi ro.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng không còn chịu áp lực phải miễn, giảm lãi, hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 như cùng kỳ năm trước. Cần nhớ rằng trong năm 2021, một số ngân hàng đã phải giảm, miễn lãi lên đến hàng ngàn tỉ đồng để hỗ trợ khách hàng, còn từ đầu năm đến nay, nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã giảm mạnh tại nhiều tổ chức khi khách hàng hoạt động trở lại bình thường, trong khi chính sách tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng đã kết thúc từ cuối tháng 6 năm nay.

Những khó khăn

Đáng lưu ý, dù lãi suất tiền gửi đã tăng khá mạnh so với đầu năm nay, nhưng tốc độ tăng nhanh chỉ mới diễn ra trong hai tháng gần đây, đặc biệt sau khi NHNN quyết định tăng lãi suất điều hành.

Do đó, mức độ tác động lên chi phí vốn vẫn chưa đáng kể, khi mà nhiều ngân hàng thời gian qua đã tăng cường huy động vốn trung và dài hạn nên đã phần nào hạn chế được rủi ro lãi suất tăng. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng lên chi phí vốn sẽ bắt đầu gia tăng kể từ đầu năm sau, khi các khoản tiền gửi trung và dài hạn dần tất toán và được hưởng lãi suất cao theo khung lãi suất mới.

Các ngân hàng cũng đang chịu sức ép ở hoạt động huy động vốn, khi thanh khoản bị thắt chặt còn tăng trưởng tiền gửi không theo kịp huy động vốn suốt từ đầu năm đến nay. Như tại ACB, trong khi cho vay khách hàng tăng 11% thì tiền gửi khách hàng chỉ tăng 3%, dẫn đến dư nợ cho vay cuối quí 3 là hơn 402.000 tỉ đồng, vượt quy mô tiền gửi là 392.000 tỉ đồng. Diễn biến tại ACB cũng là xu hướng chung của các ngân hàng từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, dù lợi nhuận quí 3 có sự tăng trưởng tích cực so với quí 3-2021, nhưng nếu so với quí 2-2022, thậm chí là quí 1-2022, không ít ngân hàng bị suy giảm, do hoạt động cho vay đã bị chững lại trong quí 3 vừa qua, biên lãi ròng (hệ số NIM) đang thu hẹp dần, đồng thời nợ xấu có xu hướng gia tăng lại làm tăng áp lực trích lập thêm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Có thể kể đến LNTT trong quí 3-2022 của ABBank giảm đến 92% so với quí 2-2022, VietBank giảm 46%, LienVietPostBank giảm 31%, SaigonBank giảm 22%, ACB giảm 9%, Techcombank giảm 8%, TPBank giảm 1%. Riêng LienVietPostBank so với quí 1-2022 giảm hơn 31%, Techcombank cũng giảm hơn 1%.

1 BÌNH LUẬN

  1. Lợi nhuận năm nay không phản ánh hết tình hình thời cuộc kinh doanh của hệ thống ngân hàng. Mọi thứ đang rất khó khăn. Mọi thứ dồn tích, lũy kế sẽ được phản ánh rõ hơn vào năm sau. Chính vì vậy, sự ổn định của vĩ mô toàn cầu và trong nước năm 2023 mới là nhân tố quyết định đến cục diện cuộc chơi tài chính – ngân hàng lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới