Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài năm 2009

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài năm 2009

Các nhà đầu tư nước ngoài trong một chuyến khảo sát cơ hội đầu tư ở Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM vào năm 2008. Năm 2009, cùng với FDI thì việc thu hút nguồn vốn FPI cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Hoạt động đầu tư nước ngoài bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI – Foreign Direct Investment) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI – Foreign Portfolio Investment). Mấy năm qua, Việt Nam thu được kết quả khả quan trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là năm 2008 với con số kỷ lục FDI đạt 64 tỉ đô la vốn đăng ký và 11,5 tỉ đô la vốn giải ngân.

Hoạt động đầu tư nước ngoài trên thế giới năm 2009 sẽ co lại đáng kể do tác động của khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ và suy thoái kinh tế toàn cầu. Việt Nam dù vẫn được coi là địa bàn đầu tư hấp dẫn và cứ cho rằng ta có thêm những cố gắng mới thì thu hút đầu tư nước ngoài của ta cũng không thể đi ngược xu thế chung.

FDI giảm so với năm 2008

Theo dự báo, vốn đăng ký FDI năm 2009 có thể chỉ bằng non một nửa so với năm 2008, tức khoảng 20 tỉ đô la. Sự sụt giảm này có nguyên nhân của suy thoái kinh tế toàn cầu, mặt khác những dự án lớn như lọc dầu, sản xuất thép, khu du lịch sinh thái với quy mô vài tỉ đô la/dự án như năm 2008 sẽ ít đi.

Vốn thực hiện năm 2009 sẽ ở mức nào? Để có căn cứ xác định được con số này tương đối chính xác, cần làm rõ thêm nội hàm của những con số mà chúng ta thường công bố về thu hút FDI.

Vốn đăng ký (committed capital), là tổng vốn đầu tư mà các bên (cả nước ngoài và Việt Nam) cam kết, hay hứa sẽ bỏ ra để thực hiện dự án được cấp phép. Vốn thực hiện FDI mà ta thường công bố là vốn thực hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIEs), bao gồm cả vốn của bên nước ngoài và bên Việt Nam. Vốn mà các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam, trên thế giới gọi là vốn nước ngoài giải ngân (disbursed capital), là bao nhiêu để thực hiện dự án mới thực sự có ý nghĩa đối với nền kinh tế, đối với các cân đối kinh tế vĩ mô.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (http://mpi.gov.vn), qua 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài từ 1988-2007, bên nước ngoài (cả vốn góp và vốn vay) đã giải ngân 37,9 tỉ đô la, bằng 45% so với 83 tỉ đô la tổng vốn đăng ký cùng kỳ.

Vốn nước ngoài giải ngân thực hiện dự án bằng khoảng một nửa vốn đăng ký là bình thường, lý giải được. Trước hết, một số dự án được cấp phép, nhưng vì nhiều lý do không triển khai được, bị rút giấy phép với số vốn chiếm khoảng 10% tổng vốn đăng ký.

Thứ hai, trong vốn đăng ký có phần góp vốn của bên Việt Nam trong liên doanh, thường khoảng 30%, tính cả các dự án 100% vốn nước ngoài (20% tổng vốn đăng ký) thì vốn góp của bên Việt Nam còn chiếm 24% tổng vốn đăng ký.

Thứ ba, vốn pháp định hoặc vốn điều lệ mới là quy định có tính pháp lý buộc nhà đầu tư nước ngoài đưa vốn vào Việt Nam thực hiện dự án, tỷ lệ này độ 40%. Còn lại 60% là vốn vay, trong đó khoảng 30% huy động trong nước, bằng 18% tổng vốn đăng ký.

Loại trừ ba khoản trên, ta thấy FDI chảy vào Việt Nam hay vốn nước ngoài giải ngân để thực hiện dự án bằng 48% tổng vốn đăng ký. Để đạt được 45% theo con số của Cục Đầu tư nước ngoài hay 48% theo con số ước tính của tác giả, các dự án phải trải qua một khoảng thời gian tương đối dài, những dự án có quy mô vốn đầu tư càng lớn thì thời gian càng dài hơn.

Tỷ lệ này có thể đạt được tính trên tổng vốn đăng ký của các dự án triển khai đầu tư xây dựng trong năm. Việc so sánh tỷ lệ vốn thực hiện với vốn đăng ký của cùng một năm là khập khiễng, thiếu khoa học. Bởi vì trong đầu tư bao giờ cũng có độ trễ, thời gian thi công kéo dài và có sự gối đầu. Xin đừng nhận xét và băn khoăn rằng vốn đăng ký năm 2008 lên đến 64 tỉ đô la, nhưng tỷ lệ vốn thực hiện thấp dần, chỉ còn 18% (11,5/64) thay vì 40-50% so với nhiều năm trước đây.

Theo cách diễn giải trên, con số vốn thực hiện của các FIEs và vốn nước ngoài giải ngân năm 2009 có thể tính toán được. Căn cứ vào những số liệu thu hút FDI và tiến độ thực hiện dự án trong thời gian qua, có thể đưa ra con số sơ bộ, quy mô vốn đầu tư của các dự án FDI sẽ triển khai đầu tư xây dựng năm 2009 (bao gồm cả khởi công và chuyển tiếp, cả đầu tư mới và cải tạo mở rộng) là khoảng từ 20-22 tỉ đô la.

Vốn thực hiện của các FIEs tính theo tỷ lệ 45% trên tổng vốn 20-22 tỉ đô la tối đa cũng chỉ bằng năm 2008. Con số ước tính này là trong điều kiện bình thường như mấy năm qua.

Theo Andrew Mold, chuyên gia kinh tế của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD), khủng hoảng tài chính tác động đến thu hút FDI ở mấy khía cạnh: Một, các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh chuyển lợi nhuận về nước, có trường hợp vốn chảy ra nhiều hơn thu hút về. Năm 2007 các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển ra khỏi Chile 21,7 tỉ đô la, chiếm 13,3% GDP.

Hai, việc tài trợ vốn giữa công ty mẹ ở bản quốc và công ty con ở nước nhận đầu tư giảm sút nghiêm trọng trong những năm khủng hoảng; các nước phát triển, địa chỉ cung cấp nguồn tài chính chủ yếu cho hoạt động FDI, quay về trong nước để ngăn chặn suy giảm kinh tế hơn là đầu tư ra nước ngoài.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế 2000-2001, đầu tư ra nước ngoài giảm gần 50%. Nếu tính đến tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu thì vốn FDI nước ngoài giải ngân năm 2009 có thể giảm tới 20% so với năm 2008.

Theo đó, vốn nước ngoài giải ngân bằng khoảng 80% của 8,5 tỉ đô la năm 2008, tức 6,8 tỉ đô la, tương đương 115.600 tỉ đồng. So với kế hoạch đề ra, vốn FDI giải ngân giảm 67.400 tỉ đồng (183.000 -115.600 tỉ đồng), chiếm 3,7% GDP. Tính toán trên cơ sở vốn đầu tư phát triển vẫn đóng góp khoảng 60% cho tăng trưởng, hệ số ICOR của năm 2009 là 6 thì riêng việc vốn FDI giải ngân giảm làm GDP mất 0,36 điểm phần trăm.

Thu hút FPI khó khăn

Với việc giảm tới 67%, từ 927 điểm đầu năm giảm còn 315 điểm vào cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2008 có thể nói là thị trường suy thoái nhất toàn cầu trong năm. Theo tính toán của tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải, HSBC (http://vneconomy.vn), năm 2008, tính theo đô la, VN-Index sụt mất 69%, mức giảm tồi tệ nhất trong số các thị trường chứng khoán châu Á. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á, trừ Nhật Bản, chỉ giảm có 53% trong năm qua.

Trong sáu tuần cuối năm, các thị trường thuộc chỉ số MSCI châu Á – trừ Nhật, phục hồi 23%, trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam giảm 6%. Khối lượng giao dịch cũng giảm mạnh, từ gần 1.000 tỉ đồng/phiên xuống còn 300-400 tỉ đồng/phiên.

Trong khi nền kinh tế chưa bị suy thoái như các quốc gia khác, việc thị trường chứng khoán rơi tự do như vậy đã bộc lộ nhiều yếu kém của thị trường. Đó là ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt, nguồn cung cổ phiếu tăng, các nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều hơn mua vào, doanh thu và lợi nhuận của các công ty niêm yết sụt giảm, chất lượng quản trị rủi ro chậm được cải thiện, tâm lý bi quan của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân được nhiều người trong giới kinh doanh chứng khoán đồng tình là, trong hai năm 2006 và 2007 thị trường phát triển quá nóng hơn khả năng thực, thị trường bong bóng xuất hiện, năm 2008 thị trường bong bóng xì hơi, trở về khả năng thực của nó.

Năm 2008 là năm Việt Nam thất bát trong huy động vốn qua thị trường chứng khoán và IPO, và điều này sẽ kéo dài sang năm 2009. Hiện tại các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều sự lựa chọn đáng giá hơn. Thị trường chứng khoán và bất động sản ở nước ngoài đang rẻ. Thay vì đầu tư vào thị trường Việt Nam đắt hơn, nhiều rủi ro, thiếu thanh khoản và thiếu thông tin, thì họ đầu tư vào các nước phát triển với tỷ suất lợi nhuận cao hơn và ít rủi ro hơn.

Việc giảm sút tới hơn hai phần ba như năm 2008 của thị trường chứng khoán đã tạo ấn tượng chẳng tốt đẹp gì tới nhà đầu tư nước ngoài. Giá trị danh mục của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng 8,4 tỉ đô la đến đầu năm 2008, nhưng đến đầu tháng 1-2009 giá trị này chỉ còn khoảng 4,6 tỉ đô la, giảm gần 4 tỉ đô la so với năm đầu năm 2008.

Theo ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị danh mục đầu tư giảm mạnh nhưng dòng vốn rút ra khỏi Việt Nam không nhiều, một phần do giá cổ phiếu đã giảm khoảng 70% giá trị, một phần do nhà đầu tư nước ngoài cơ cấu lại danh mục đầu tư, một phần dòng vốn chuyển sang kênh đầu tư khác như đầu tư bất động sản (http://vnexpress.net 3-2-2009).

HSBC dự báo năm 2009 vốn FPI vào Việt Nam có thể thấp hơn năm 2008. Tóm lại, năm 2009 vốn FDI giải ngân sụt giảm, thu hút FPI bị thu hẹp. Đồng thời, đầu tư từ ngân sách trước thách thức giá dầu có thể không đạt như kế hoạch dự kiến, nhịp tăng xuất khẩu, nhập khẩu thấp hơn năm 2008. Đầu tư của doanh nghiệp gặp khó khăn hơn do doanh số và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp đi xuống.

Bên cạnh đó, năm 2009 yếu tố lao động và năng suất lao động đóng góp cho tăng trưởng GDP sẽ kém hơn năm 2008 do thất nghiệp gia tăng. Một số tổ chức kinh tế nước ngoài như IMF, HSBC dự báo mức tăng GDP của Việt Năm sẽ đạt khoảng trên 5%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với kế hoạch đề ra.

ANH THƯ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới