(KTSG Online) - Ngành công nghiệp ô tô Mỹ đang bước vào cơn bùng nổ xây dựng những nhà máy lớn nhất trong nhiều thập niên nhờ làn sóng chuyển dịch sang xe điện và các khoản trợ cấp mới của chính quyền liên bang nhằm thúc đẩy sản xuất pin ở Mỹ.
Thị trường xe điện Đông Nam Á ngày càng sôi độngNhà máy sản xuất pin Ultium Cells, một liên doanh của General Motors và LG Energy Solution, ở Warren, bang Ohio, Mỹ Ảnh: Ảnh: Detroit News
Đầu tư nhà máy ô tô tăng 8 lần
Theo Trung tâm Nghiên cứu ô tô (CAR), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại bang Michigan, tính đến tháng 11-2022, khoảng 33 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào nhà máy ô tô mới đã được cam kết ở Mỹ. Khoản đầu tư này bao gồm tiền xây dựng các nhà máy lắp ráp ô tô mới và cơ sở sản xuất pin.
Năm ngoái, có tổng cộng 37 tỉ đô la đầu tư cho nhà máy ô tô mới được cam kết khi một số dự án mới được lên kế hoạch triển khai ở các bang như Tennessee, Kentucky và Michigan. CAR cho biết, những con số này tăng mạnh so với 9 tỉ đô la vào năm 2017 và tăng hơn tám lần so với hai thập niên trước.
Khoảng 2/3 khoản đầu tư ô tô mới được công bố trong hai năm qua sẽ được rót vào các địa điểm nhà máy ở miền Nam nước Mỹ. Đây là một xu hướng làm rời xa hoạt động sản xuất ô tô ra khỏi khu vực Great Lakes thuộc khu vực Bắc Mỹ, thành trì của ngành công nghiệp ô tô Mỹ trong một thế kỷ qua.
Cuộc chạy đua của các nhà sản xuất ô tô để đưa xe điện vào dòng sản phẩm mới nhất là động lực lớn nhất đằng sau việc chi tiêu mạnh tay cho nhà máy. Gói chi tiêu cho khí hậu trong Đạo luật Giảm lạm phát được chính phủ Mỹ thông qua vào năm 2022 có khả năng sẽ đẩy nhanh hơn nữa đầu tư của Mỹ vào ngành công nghiệp ô tô. Gói chi tiêu này dành hàng chục tỉ đô la để trợ cấp cho các dự án nhà máy sản xuất pin và xe điện cũng như các cơ sở chế biến vật liệu pin như lithium và than chì.
Một số hãng xe thuộc sở hữu nước ngoài cũng đang nhắm đến Mỹ để mở rộng công suất, bù đắp cho tăng trưởng yếu kém ở các thị trường khác trên thế giới. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp xe điện mới mới niêm yết cổ phiếu, bao gồm Rivian Automotive, có trụ sở ở bang California đang xây dựng nhà máy để tăng năng lực sản xuất.
Rivian, công ty bắt đầu sản xuất xe điện ở một nhà máy ở bang Illinois vào năm 2021 đã cam kết mở một nhà máy thứ hai ở bang Georgia vào năm 2026. Hãng xe Hyundai của Hàn Quốc cũng đã tiết lộ kế hoạch phát triển một tổ hợp nhà máy trị giá 5,5 tỉ đô la ở bang này.
Tổng cộng có khoảng 70 tỉ đô la đầu tư vào các nhà máy lắp ráp ô tô và sản xuất pin ở Mỹ được cam kết trong năm 2021 và 11 tháng đầu năm 2022. Ảnh: WSJ
Cuộc đặt cược lớn cho xe điện
Các khoản đầu tư vừa kể trên có thể ví như một cuộc đặt cược của ngành công nghiệp ô tô, về việc người mua sẽ nhanh chóng tậu những mẫu xe chạy bằng pin với số lượng đủ lớn để hấp thụ công suất của hàng loạt nhà máy mới. Theo Công ty tư vấn AlixPartners, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu có kế hoạch chi tổng cộng 526 tỉ đô la cho xe điện cho đến năm 2026.
“Bạn phải đầu tư ngay bây giờ, nếu không bạn sẽ bị tụt lại phía sau trong quá trình chuyển đổi sang xe điện”, John Lawler, Giám đốc tài chính của hãng xe Ford (Mỹ) nói.
Cuộc đặt cược này trở nên rủi ro hơn bởi cơn suy thoái kinh tế tiềm tàng có thể khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với những sản phẩm đắt tiền và không thiết yếu. Dù vậy, lãnh đạo các hãng xe tin rằng các khoản đầu tư vào sản xuất xe điện sẽ thúc đẩy tương lai dài hạn sau cơn suy thoái kinh tế tiềm ẩn. Trong khi đó, các quan chức chính quyền các bang ở Mỹ xem đây là cơ hội hiếm có thúc đẩy nền kinh tế địa phương và đảm bảo việc làm.
Các bang miền nam của Mỹ như Georgia, Tennessee và Kentucky nổ lên như là những người chiến thắng lớn nhất trong cuộc đua thu hút các dự án nhà máy ô tô mới.
Pat Wilson, Giám đốc Văn phòng phát triển kinh tế bang Georgia, nhận định thành công này không ngẫu nhiên đến. Bang Georgia đã dành nhiều năm để đầu tư vào các trường đại học công nghệ và đã chuẩn bị sẵn các địa điểm dự án để thu hút các hãng xe.
“Tôi cảm thấy như chúng ta đang cưỡi trên làn sóng chuyển dịch sang xe điện.”, ông nói.
Lãnh đạo chính quyền các bang ở miền nam nước Mỹ đã thuyết phục các hãng xe đầu tư phát triển nhà máy mới ở địa phương bằng cách chỉ ra những lợi thế về chi phí năng lượng thấp hơn và quỹ đất dồi dào.
Các hãng xe cũng đang tìm kiếm các địa điểm đã sẵn sàng để khởi công xây dựng nhà máy. Đó là những nơi đã có một số cơ sở hạ tầng nhất định như đường xá và các dịch vụ tiện ích liên quan đến điện, nước và khí đốt.
Chi phí năng lượng là một yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy pin vì các cơ sở này tiêu thụ nhiều năng lượng. Ví dụ, bang Tennessee có giá điện công nghiệp trung bình là 6,89 cent (1.620 đồng VN) /KWh, thấp hơn so với 8,38 cent ở Michigan, theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
“Không nghi ngờ gì nữa khi một số thị trường ở miền đông nam nước Mỹ đã tìm ra một công thức tuyệt vời để thu hút các dự án nhà máy ô tô lớn”, Eric Stavriotis, Phó Chủ tịch phụ trách thị trường châu Âu của Công ty tư vấn bất động sản CBRE Group nói.
Làn sóng chuyển dịch hoạt động sản xuất pin sang Mỹ
Trong năm qua, cuộc chạy đua di chuyển chuỗi cung ứng pin sang Mỹ cũng dẫn đến quyết định triển khai một loạt nhà máy sản xuất pin mới tại nước này.
Hiện nay, hầu hết pin xe điện được sản xuất tại châu Á. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển cùng với những rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đã thúc đẩy nhiều hãng xe ở Mỹ nội địa hóa hoạt động sản xuất pin.
Đạo luật Giảm lạm phát, được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký han hành hồi giữa tháng 8 càng đẩy nhanh nỗ lực tăng sản lượng pin trong nước. Đạo luật này cung cấp hàng tỉ đô la trợ cấp cho hoạt động sản xuất pin trong nước và chỉ cung cấp tín dụng thuế liên bang dành cho người mua xe điện có có pin và các vật liệu khoáng sản được sản xuất ở Bắc Mỹ hoặc từ các quốc gia thân thiện với thương mại.
Trong năm qua, hãng xe General Motors của Mỹ đã khai trương một nhà máy sản xuất pin mới trong một liên doanh với LG Energy Solution (Hàn Quốc) ở bang Ohio và đang phát triển thêm hai nhà máy pin nữa ở bang Tennessee và bang Michigan.
Tập đoàn Panasonic của Nhật Bản cũng cho biết sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin trị giá 4 tỉ đô la ở thành phố De Soto, bang Kansas. Trong khi đó, hãng xe Toyota (Nhật Bản) và Tập đoàn ô tô Stellantis (Hà Lan) chủ sở hữu thương hiệu Jeep cũng đang triển khai các dự án nhà máy sản xuất pin trị giá hàng tỉ đô la ở Mỹ.
Các khoản đầu tư này được triển khai giữa lúc các hãng xe chuyển sang chiến thuật thắt lưng buộc bụng trong tháng gần đây để chuẩn bị ứng phó rủi ro suy thoái kinh tế. Một số hãng xe đã sa thải công nhân hoặc hạn chế tuyển dụng. Tháng trước, Stellantis cho biết bắt đầu từ tháng 2, sẽ ngừng hoạt động vô thời hạn ở một nhà máy sản xuất xe Jeep Cherokee, có 1.350 công nhân ở bang Illinois.
John Lawler, Giám đốc tài chính Ford, cho rằng bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế, các hãng xe không thể thiển cận khi xem xét các khoản đầu tư liên quan đến xe điện. Ford có nhiều dự án nhà máy đang được triển khai, bao gồm cả ở Tennessee và Kentucky đồng thời có kế hoạch đầu tư 50 tỉ đô la vào xe điện cho đến năm 2026.
Theo WSJ