Thứ sáu, 10/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bước tiến của DNNN?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bước tiến của DNNN?

Tư Giang

Bước tiến của DNNN?
Thông qua SCIC, Nhà nước vẫn đang nắm một lượng lớn cổ phần tại Vinamilk, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG) - LTS: Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước đã có sự thay đổi quan trọng. Kể từ ngày 1-7-2015, theo Luật Doanh nghiệp vừa mới được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới được xem là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), thay vì chỉ 51% như hiện nay. Sự thay đổi này được xem là sự cải cách về quan điểm để dẫn đến thay đổi về vốn và quản trị. Tuy nhiên, liệu sự thay đổi này còn dẫn đến những hệ lụy gì? Các chuyên gia sẽ phân tích vấn đề này trong chuyên mục “Sự kiện & Vấn đề” số này.

Cách đây hai tháng, chủ tịch hội đồng quản trị một tổng công ty có cổ phần nhà nước chi phối mời một số nhà báo đến phòng làm việc. Ông trình bày với họ về những dự án kinh doanh, về đối tác chiến lược, về cách quản trị công ty, và về những dự định sẽ làm sau khi tổng công ty được cổ phần hóa hồi giữa năm nay. Vị chủ tịch tỏ ra mong muốn các cổ đông, và công chúng biết đến doanh nghiệp mình sau cổ phần hóa.

Nhưng buổi thuyết trình đó thành công cốc. Ngay buổi chiều, một lãnh đạo tổng công ty đã gọi điện cho từng nhà báo dự họp xin thôi không đăng bài nữa. “Ông ấy sợ lỡ lời thì phiền lắm. Nhỡ đâu lại bị bộ trảm”, vị này phân trần.

Câu chuyện trên cho thấy một điều: dù vị chủ tịch trẻ tuổi và tràn đầy nhiệt huyết, ông vẫn không thể thoát ra khỏi những trói buộc của cơ chế.

Tiến trình cải cách DNNN chỉ có thể đi vào thực chất khi họ phải kinh doanh trên nền tảng cạnh tranh, cải thiện về quản trị, minh bạch về kế toán, bị áp ngân sách cứng, và tách bạch được chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý.

Tuy nhiên, nỗi khổ đó không thấm vào đâu so với vô vàn nỗi khổ khác của cơ chế mà ông, và nhiều lãnh đạo DNNN khác đang phải gánh chịu. Tất cả những DNNN, mà theo định nghĩa là có cổ phần của Nhà nước từ 51% trở lên, vẫn phải tuân thủ hàng loạt chế độ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kế toán, báo cáo, tiền lương, hay sự can thiệp rất tùy tiện nào đó. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nhận xét: “Các quy định như thế áp đặt các doanh nghiệp nhà nước ghê gớm, làm họ vô cùng gò bó, cứng nhắc, không linh hoạt được”.

Định nghĩa về DNNN này dường như đã cản trở tiến trình cổ phần hóa. Từ đầu năm đến nay chỉ có vỏn vẹn 100 doanh nghiệp được cổ phần hóa, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rất nhỏ so với con số 432 phải hoàn thành việc này trong giai đoạn 2014-2015, như yêu cầu của Thủ tướng.
Theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)vừa được Quốc hội thông qua, DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thay vì 51% như trước đây. Định nghĩa này rất mới, chỉ xuất hiện trong bản dự thảo luật cuối cùng trình ra Quốc hội để thông qua gần đây. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc kể, trong các cuộc thảo luận, trao đổi, quan điểm “100%” đã thắng thế so với quan điểm “51%” do tâm lý chung là muốn có “cải cách về quan điểm để dẫn đến thay đổi về vốn, về quản trị”.

Ông Phúc nói: “Quy định mới sẽ giúp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu, và thoái vốn; đồng thời thu hút đầu tư của thành phần kinh tế khác. Họ thấy không bị kiểm soát, không bị kiểm toán nhà nước vào kiểm tra, không bị các bộ, ngành quản lý thì họ mới muốn mua. Tóm lại, điều quan trọng là quy định này sẽ tạo ra động lực cho thành phần kinh tế khác góp vốn vào các DNNN hiện nay”.

Ông Cung đồng tình: “Giờ mở ra như thế thì những doanh nghiệp 99,99% vốn nhà nước sẽ được hoạt động như tư nhân, hay như công ty cổ phần theo cơ chế quản trị hiện đại. Trước đây, với tư cách là DNNN, họ phải báo cáo xã, huyện, tỉnh, bộ... nay họ chỉ báo cáo duy nhất cho cơ quan chủ sở hữu. Các doanh nghiệp này được quyền tự chủ hơn rất nhiều”.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam còn 796 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Như vậy, nếu tất cả 432 DNNN hoàn thành cổ phần hóa trong năm tới - dù với tỷ lệ như thế nào, thì rõ ràng, số lượng DNNN sẽ còn rất ít, nếu căn cứ vào báo cáo trên. Như vậy, tiến trình cổ phần hóa DNNN sẽ tự nhiên có đột phá rất nhanh chóng, khi số lượng doanh nghiệp 100% vốn chỉ còn lại rất ít.

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam cuối tuần trước, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, người đã đưa ra khái niệm mới về DNNN, tỏ vẻ tin tưởng về tác động của nó. Theo ông, “đây là khái niệm quan trọng và sẽ chi phối tiến trình cải cách DNNN”. Ông nói thêm, tại cuộc họp Chính phủ tháng 11, Thủ tướng đã yêu cầu tái cơ cấu DNNN không chỉ về số lượng, mà cả về chất lượng. “Có nghĩa là cần nâng cao hơn tỷ trọng vốn tham gia của các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Vốn tư nhân mà chỉ có 3-5% thì không thay đổi bản chất DNNN. Cần phải cao hơn, 70-100%”, Thủ tướng nói.

Cho dù Bộ trưởng Vinh đã lên tiếng thuyết phục, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa, vẫn muốn đề cập yêu cầu này. “Cải cách DNNN cần theo hướng giảm tập trung vào con số doanh nghiệp cổ phần hóa, và thay vào đó cần chú ý đến chất lượng cổ phần hóa. Trước hết cần nâng tỷ lệ sở hữu tư nhân trong DNNN để tăng mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư, và tăng cường cải tiến quản trị doanh nghiệp”, bà nói tại diễn đàn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới