Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ca cao Việt Nam: đâu giấc mơ thành thủ phủ châu Á?

Minh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Năm 2024 có thể gọi là năm của ca cao. Loại cây cho trái màu “vàng nâu” - nguồn nguyên liệu của ngành công nghiệp sản xuất chocolate. Suốt từ đầu năm đến nay, giá ca cao thế giới và trong nước luôn neo ở mức cao. Giấc mơ trở thành thủ phủ châu Á về ca cao hai mươi năm trước lại được nhắc tới.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), tính đến hết ngày 14-8, giá ca cao thế giới ghi nhận quanh 7.000 đô la Mỹ/tấn, tăng 62% so với đầu năm và cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Trên thị trường nội địa, cuối ngày 14-8, giá ca cao xô dao động trong khoảng 60.000-65.000 đồng/ki lô gam.

Thu mua ca cao ở Tiền Giang.

Sản lượng ca cao thực ra đã giảm mạnh tại hai quốc gia Bờ Biển Ngà và Ghana ở Tây Phi, nơi sản xuất và xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới với trên 70% tổng lượng ca cao toàn cầu, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, đẩy thị trường vào trạng thái thiếu hụt nguồn cung, khiến giá ca cao tăng vọt. MXV cho biết lực kéo từ giá ca cao thế giới cùng tình trạng thu hẹp nguồn cung tạo điều kiện giúp giá ca cao ở trong nước neo tại mức cao.

Thêm 10 năm nhìn lại

Tại Việt Nam, cây ca cao từng được kỳ vọng trở thành cây công nghiệp quan trọng với tầm nhìn phát triển, mở rộng cả quy mô lẫn năng suất. Thậm chí có thời điểm ca cao được kỳ vọng sẽ trở thành loại cây giúp người nông dân thoát nghèo.

Gần mười năm trước, ngày 28-7-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá 10 năm phát triển ca cao Việt Nam, định hướng thời gian tới. Đó là thời điểm diện tích cây ca cao giảm quá nửa chỉ trong vòng ba năm, còn 11.700 héc ta, giảm từ mức cao nhất với 25.700 héc ta vào năm 2012.

Cây ca cao đã trải qua một giai đoạn thăng trầm. Diện tích trồng cây ca cao sau một thời gian tăng trưởng mạnh rồi đột ngột giảm nhanh do nông dân chặt bỏ để trồng cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn bất chấp kỳ vọng của cơ quan hoạch định chính sách. Thực tế, Việt Nam từng nhận được nhiều hỗ trợ của các chính phủ, tổ chức phi chính phủ cũng như các tập đoàn sản xuất chocolate trên thế giới về mặt tài chính, kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm biến quốc gia Đông Nam Á này trở thành một thủ phủ cây ca cao của châu Á.

Một vài dự án đã được triển khai hiệu quả như dự án PSOM được Chính phủ Hà Lan tài trợ, Winrock và WWF hỗ trợ cho dự án ca cao sinh thái ở Lâm Đồng, dự án Success Alliance hỗ trợ cho người trồng ca cao các tỉnh phía Nam, các dự án ở dạng hợp tác công - tư (PPP) trong việc xây dựng các trung tâm trình diễn, khảo nghiệm các giống ca cao phù hợp với từng địa phương.

Tuy nhiên, sau năm 2012, giá ca cao đột ngột giảm sâu chỉ còn 3.000 đồng/ki lô gam trái tươi, giảm hơn 50% so với trước đó. Cùng với đó, giá những sản phẩm cạnh tranh đất trồng với cây ca cao như dừa, bưởi da xanh, hồ tiêu luôn tăng mạnh. Vì thế, người dân đã chặt bỏ ca cao để trồng cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Giấc mộng thủ phủ ca cao tạm gác cho những mục tiêu cơm áo trước mắt. Cây ca cao Việt Nam chủ yếu được trồng xen canh với các cây trồng khác, ở ba vùng chính là đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Đến những năm 2014-2015, Cục Trồng trọt vẫn đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích trồng ca cao vào khoảng 50.000 héc ta, năng suất trung bình khoảng 1,2 ki lô gam hạt khô/cây. Tuy nhiên, theo cục này, năng suất cần được nâng lên mức 2 ki lô gam hạt khô/cây mới đủ sức hấp dẫn, thúc đẩy người dân mở rộng phát triển cây ca cao bền vững.

Tới cuối năm 2019, tại buổi tổng kết hoạt động năm của Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết diện tích trồng cây ca cao chỉ còn 5.028 héc ta, chỉ bằng 10% mục tiêu phấn đấu cho năm 2020 được đề ra trước đó. Từ đó, cây ca cao không còn được nhắc đến nhiều như trước trong các câu chuyện về phát triển cây công nghiệp Việt Nam.

“Nàng công chúa” ngủ đủ rồi!

Tới năm 2024, khi giá ở mức kỷ lục, các cường quốc ca cao Tây Phi suy giảm nguồn cung, câu chuyện ca cao của đất nước từng được kỳ vọng sẽ trở thành thủ phủ ca cao của châu Á lại được nhắc lại. Ở giai đoạn hiện nay, sản lượng ca cao của Việt Nam ở mức khá thấp. Theo thống kê của Reuters, niên vụ 2023-2024, sản lượng ca cao tại Việt Nam ước đạt khoảng 1.500 tấn, giảm 25% so với vụ trước.

Ở niên vụ trước, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1.700 tấn, trong số khoảng 2.000 tấn sản lượng, chiếm khoảng 85%. Sản lượng 2.000 tấn chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 0,04% sản lượng toàn cầu. Thông thường, Việt Nam không có định lượng ca cao xuất khẩu hàng năm, nếu sản lượng cao, hoạt động xuất khẩu cũng gia tăng và ngược lại. Đối chiếu với lượng xuất khẩu năm trước, MXV ước lượng, năm 2024, Việt Nam có thể xuất khẩu 1.200 tấn, tương đương đáp ứng khoảng 70% xuất khẩu.

Cũng vì vậy, giá cả ca cao hạt của Việt Nam giữ mối liên hệ mật thiết với diễn biến giá ca cao thế giới. Ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương, cho rằng giá ca cao thời gian tới sẽ tiếp tục neo ở mức cao do ảnh hưởng bởi yếu tố cung cầu, dù khó có thể vượt đỉnh lịch sử đã được thiết lập hồi tháng 4. Mùa vụ ca cao tại Bờ Biển Ngà và Ghana có tín hiệu phục hồi, nhưng vẫn chưa đủ để sản lượng quay về mức cũ và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trong khi đó, nhìn vào con số thống kê niên vụ 2022-2023, sản lượng ca cao tiêu thụ trong nước ước tính chỉ khoảng 300 tấn hạt. Nếu tiếp tục với giấc mơ thủ phủ ca cao, Việt Nam phải gắn với cả hai mục tiêu tăng sản lượng và cả tăng cường tiêu thụ bền vững trong nước bằng cách tham gia sâu vào chuỗi sản xuất chocolate - ngành tiêu thụ tới 80-90% nguyên liệu ca cao toàn cầu.

Trong một chia sẻ hồi cuối tháng 3, Báo Thanh Niên dẫn lời ông Olivier Nicod - chuyên gia nghiên cứu về ca cao và chocolate người Pháp đánh giá Việt Nam có nguồn ca cao chất lượng thuộc tốp 5% thế giới, lại có sự đa dạng về vùng trồng và mùi vị hạt ca cao.

Sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất chocolate từ hạt ca cao giàu đặc tính vùng trồng của Việt Nam, có giá trị thương hiệu và thành công về mặt thương mại như Marou, Alluvia… cũng mở ra niềm hy vọng về đầu ra cho cây công nghiệp này. Nhưng các chuyên gia lại đưa ra các cảnh báo về tình trạng thiếu hụt vùng nguyên liệu - có thể xảy ra sớm trong hai hoặc ba năm nữa - nếu ngành nông nghiệp nội địa không có tính toán kịp thời.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới