(KTSG Online) - Ấn Độ, nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 5 thế giới đang được hưởng lợi nhờ giá cà phê robusta tăng vọt, vượt qua giá cà phê arabica tại thị trường trong nước.
Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ liên tiếp đạt kỷ lục mới về giá trị trong ba năm qua và dự kiến đạt đỉnh cao mới trong năm nay.
- Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng mạnh về lượng lẫn giá trị
- Brazil có thể chiếm vị trí số 1 của Việt Nam về sản xuất cà phê robusta?
Nông dân lãi lớn
Nông dân trồng cà phê của Ấn Độ đang “trúng đậm” khi nguồn cung cà phê robusta thiếu hụt do hạn hán ở Việt Nam dẫn đến cơn tăng giá bùng nổ. Trong những năm trước đây, nhiều nông dân ở Ấn Độ thua lỗ do giá cà phê giảm và năng suất thấp cũng như tác động của các biến cố thời tiết. Một trong những nông dân đó là Satish A.T ở Sakleshpur, bang Karnataka, nơi chiếm 70% sản lượng cà phê của Ấn Độ
Năm ngoái, anh bị mất một mảnh đất làm tài sản thế chấp do vỡ nợ ngân hàng. Bước sang năm 2024, Satish thực sự đổi đời. Nhờ giá cà phê robusta tăng cao kỷ lục, anh thậm chí có thể mua ô tô.
Đà tăng giá cà phê hiện tại nhờ cú sốc nguồn cung cà phê robusta trong bối cảnh hạn hán làm giảm sản lượng tại Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới. Việt Nam, cùng với Brazil chiếm 60% sản lượng cà phê toàn cầu.
Giá cà phê mang tính chu kỳ, tăng và giảm mạnh vài năm một lần tùy thuộc vào sự thay đổi thất thường của thời tiết ở hai nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho biết, đây là lần đầu tiên cà phê robusta dẫn dắt thị trường.
Arabica, loại cà phê được trồng phổ biến nhất trên toàn cầu, thích hợp ở các vùng cao. Arabica có giá trị cao nhờ hương vị tinh tế Robusta, có vị đắng gắt hơn, phát triển mạnh ở các vùng có độ cao trung bình. Các nhà rang xay sử dụng robusta để tạo thêm độ đậm đà cho cà phê pha trộn.
“Arabica là người anh cả, thường thúc đẩy giá cả trên thị trường cà phê nói chung nhưng lần này thì ngược lại. Đột nhiên, bạn nhận thấy cà phê arabica có đủ nguồn cung và sự thiếu hụt của robusta mới là yếu tố thúc đẩy thị trường”, Ramesh P. Rajah, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Ấn Độ (CEAI) nói.
Nhờ giá rẻ hơn, robusta ngày càng được sử dụng nhiều trong các loại cà phê pha trộn trong những năm gần đây. Vì vậy, sản lượng robusta suy giảm ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến giá cả cà phê toàn cầu, Ramesh P. Rajah giải thích.
Xuất khẩu liên tiếp phá kỷ lục
Theo Ủy ban Cà phê Ấn Độ (CBI), cà phê robusta tăng giá là diễn biến đáng mừng cho những người trồng cà phê ở Ấn Độ. Gần 70% trong tổng sản lượng cà phê 374.200 tấn của Ấn Độ trong niên vụ 2023-2024 là robusta. Việc tăng giá khiến nhiều nông dân Ấn Độ bất ngờ. Nông dân đã bán khi giá tăng mạnh hồi tháng 3 và tháng 4 nhưng sau đó lại tiếc vì giá robusta còn tăng cao hơn nữa trong tháng 5.
Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) trong tháng 4, giá cà phê robusta tăng 16,8% lên 1,94 đô la Mỹ / pound (0,45kg). Đây là mức giá cao nhất của robusta trong 45 năm. Báo cáo trích dẫn dự báo của Bộ Nông nghiệp Việt Nam về việc sản lượng cà phê quốc gia giảm 20% trong niên vụ 2023-2024 xuống còn 1,472 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán. Chỉ số giá của ICO cho thấy robusta có giá hơn 2 đô la/ pound vào ngày 21-6.
Tỷ trọng của Ấn Độ trong sản xuất cà phê toàn cầu là khoảng 3,4% trong niên vụ 2021-2022 khi nước này sản xuất 5,7 triệu bao (mỗi bao 60 kg) so với con số toàn cầu là 167 triệu bao, theo CBI. Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ đã vượt mốc 1 tỉ đô la Mỹ trong niên vụ đó. Hiện tại, Ấn Độ là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ năm thế giới, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,28 tỉ đô la Mỹ trong niên vụ 2023-2024. Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ đã cán các mức kỷ lục mới về giá trị trong 3 năm liên tiếp và dự kiến đạt đỉnh cao mới trong năm nay,
Các điểm đến hàng đầu của cà phê Ấn Độ bao gồm Ý, Đức, Bỉ, Liên bang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Jordan, Libya và Mỹ.
Theo dữ liệu của CBI, có tới 70,5% trong sản lượng cà phê 352.000 tấn của Ấn Độ niên vụ 2022-23 đến từ bang Karnataka. Giá cà phê thóc robusta ở bán mức 15.700-16.000 rupee (4,8-4,9 triệu đồng VN) /bao 50 kg. Mức giá này cao hơn giá cà phê robusta bán tại thị trường Ấn Độ, Cà phê thóc là phần hạt cà phê đã được loại bỏ phần vỏ cơm bên ngoài nhưng vẫn còn lớp vỏ thóc bảo vệ.
Tuy nhiên, K.N. Subramanya, Chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng cà phê ở huyện Hassan ở bang Karnataka, lưu ý chi phí sản xuất cà phê đã tăng ít nhất 3 lần trong 5 năm qua trong khi biến động thời tiết ảnh hưởng xấu đến năng suất . “Nông dân cà phê cần tăng năng suất nếu ngành này muốn tồn tại”, ông nói.
Khách hàng châu Âu tăng cường mua cà phê Ấn Độ
Cà phê robusta của Ấn Độ thường có giá cao hơn so với giá chuẩn toàn cầu vì có hương vị đậm đà nhờ được trồng dưới bóng râm (trồng dưới các tán cây khác), được hái bằng tay và phơi khô. Hồi tháng 4, giá bán cà phê robusta ở Ấn Độ cao hơn giá trên thị trường London khoảng 700-750 đô la Mỹ/tấn.
Thị trường châu Âu chiếm khoảng 60% lượng xuất khẩu cà phê của Ấn Độ. Các nhà xuất khẩu cà phê Ấn Độ đang chứng kiến nhu cầu tăng đáng kể từ người mua châu Âu. Điều này do các công ty cà phê châu Âu đang chạy đua tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) có hiệu lực vào cuối năm nay. EUDR được thiết kế để hạn chế nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp gồm cà phê có liên quan đến nạn phá rừng. Quy định này yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với cà phê, có khả năng ảnh hưởng đến xuất khẩu của Ấn Độ.
“Chúng tôi đang chứng kiến một lượng lớn đơn đặt hàng cà phê trước khi khách hàng châu Âu chuẩn bị tuân thủ EUDR. Hàng tồn kho ở châu Âu đang tăng lên đáng chú ý”, Ramesh P. Rajah, Chủ CEAI nói.
Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, lên hơn 237.000 tấn. Mùa xuất khẩu cà phê cao điểm truyền thống thường diễn ra từ tháng Hai đến tháng Năm nhưng hiện đã kéo dài sang tháng Sáu.
Theo India Today, KNN