(KTSG Online) - Nếu như giá cà phê sàn phái sinh London cuối tháng trước dừng tại mức giá 1.801 đô la thì đến cuối tháng này đã lên trên mức 2.000 đô la Mỹ/tấn. Trên thị trường nội địa, nhiều nơi giá cà phê nguyên liệu đã vọt lên trên 40 triệu đồng/tấn, tăng cao hơn 3 triệu đồng/tấn sau một tháng.
Giá phái sinh robusta tăng liên tục
Từ khi thị trường nhận được tin áp dụng chặt lệnh giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở đó” theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ tại TPHCM và một số tỉnh thành có cảng xuất, giá cà phê London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, tăng liên tục.
Thật ra, nhiều người vẫn liên tưởng đến các đợt rét đậm rét hại ảnh hưởng xấu đến sản lượng cà phê Brazil trong tháng 7 vừa qua nhưng tốt cho giá kỳ hạn, và cho rằng sương giá đã tác động cho đợt tăng giá liên tiếp trong 3 tuần gần đây. Nhưng cần thấy rằng sương giá hại cây cà phê Brazil tháng trước chỉ ở vùng arabica.
Đánh giá thiệt hại cho đợt lạnh ấy lên sản lượng cà phê tại nước sản xuất và xuất khẩu số 1 thế giới cũng có nhiều cách nhìn, người nói có vùng diện tích cà phê "cháy lạnh" đến 20%, người khác nói toàn bộ thiệt hại chừng ba bốn triệu bao (bao=60 ki lô gam), một con số rất nhỏ so với ước tính sản lượng cà phê Brazil năm 2022 là 68 triệu bao.
Cuộc tranh cãi về nguyên nhân giá cà phê kỳ hạn tăng đến nay vẫn kéo dài trong giới kinh doanh ngành hàng này. Nhưng sau hơn một tháng, giá London phục hồi, thậm chí còn tăng cao hơn khi có tin sương giá trong khi giá cà phê arabica thì lại xuống sâu và đang đi lại từ đầu.
Thật vậy, hiệu suất đầu tư trên sàn cà phê arabica New York sau một tháng đến 30-8-2021 giảm 12,40 cts/lb hay 273 đô la/tấn tương đương với âm 6,06% (204,60-192,20 cts/lb). Ngược lại, tính từ 27-7 đến nay, đầu tư trên sàn London sinh lợi 78 đô la hay 4,02% (1.940-2.018 đô la/tấn).
Ảnh hưởng rét đậm rét hại lên giá cà phê phái sinh, nhất là arabica, đã nhạt nhòa dần, trong khi tin cung ứng cà phê từ nước xuất khẩu cà phê robusta số 1 thế giới là Việt Nam bị khựng lại đã kéo giá robusta lên khỏi mức hằng mong đợi từ gần 4 năm nay.
Khó khăn về thị trường cần thấy trước
Giá sàn phái sinh London tăng đã đưa giá chào bán cà phê nguyên liệu trong nước lên quanh mức 40,2 triệu đồng/tấn vào sáng sớm 30-8-2021. Tuy vậy, đấy không phải là mức trả đại trà. Thị trường cà phê trong nước từ lâu đã mất đi “trật tự” vốn có, tức giá trong nước thường thuận chiều với giá kỳ hạn, có chênh lệch chăng chỉ một vài trăm ngàn đồng mỗi tấn do khoảng cách xa hay gần giữa vùng nguyên liệu với các cảng xuất khẩu.
Thực tế hiện nay tại một số vùng nguyên liệu, giá chỉ được trả quanh mức 39,2-39,5 triệu đồng/tấn như tại Lâm Đồng và Đăk Nông. “Thường ở thời điểm này, các công ty đã bắt đầu mua để giao hàng rỉ rả khi vào mùa thu hoạch, nhưng năm nay thị trường đến giờ vẫn ‘im re’. Tôi nghe rằng các nhà nhập khẩu bấy lâu đã ngưng mua”, chị Lý, chủ vựa cà phê tại Gia Nghĩa cho biết.
Tình trạng có nhiều mức giá trên thị trường hiện nay không phải do tranh mua tranh bán như xưa mà do chuỗi cung ứng ngành hàng đã bộc lộ cho thấy bị đứt gãy ngay trong một nước sản xuất. Biến chủng Delta buộc các tỉnh sản xuất cà phê ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ phải áp lệnh giãn cách chặt chẽ, nhiều nhà máy chế biến cà phê giảm công suất hay ngưng hoạt động.
Về phía các nhà nhập khẩu, đáng ra lúc giá phái sinh tăng là lúc họ mua tích cực nhằm nhanh chóng hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh. Nhưng trong đợt tăng vừa qua, họ đều nằm “im khe” để nghe ngóng tình hình về cước tàu biển. Vả lại, nếu mua bây giờ, “hàng có đâu mà đi, đi về kho làm sao mà nhập, nhập kho rồi biết khi nào mà xuất”, lãnh đạo một công ty nhập khẩu nói nửa đùa nửa thật như vậy.
Tháng 10 là bắt đầu vụ mới 2021-2022. Không giãn cách, mua bán đã khó, nay giãn cách lại càng khó khăn hơn. Giả sử như dịch bệnh do biến chủng Delta gây ra được khống chế ngay trong tháng 9-2021, thì những thương vụ đầu tiên cũng khó bắt đầu từ tháng 10 như những năm trước. Nhiều công nhân nhà máy về quê, kho bãi kẹt cứng, container khi có khi không, xe cộ hạn chế…nhất là người mua không mấy mặn mà do nếu lỡ mua, giá tăng tiếp, rủi ro không giao hàng càng thêm phiền.
Thử thách và khó khăn do đại dịch đối với ngành cà phê ngày càng rõ nặng nề. Nếu như trong lúc bình thường trước đây, việc đoán định giá và xu hướng thị trường là cần thiết, thì nay, công tác chuẩn bị cho thị trường là hết sức cấp thiết. Nhiều doanh nghiệp đang chờ một tiếng nói hay một lời khuyên từ hiệp hội ngành hàng nhưng vẫn chưa thấy.
Hoạt động giao thương bị hạn chế do giãn cách xã hội đã đành, “không lẽ ý tưởng và kế hoạch kinh doanh vụ mới của hiệp hội cũng phải giãn cách nữa sao?”, một chuyên gia phân tích thị trường tại TPHCM nóng ruột nói.