Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cà phê: ngất ngư vì giá rớt

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mấy cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ vào miền Trung trong thời gian qua đã làm chậm phần nào mùa thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023 tại Tây Nguyên, vùng sản xuất trọng điểm của Việt Nam.

Tồn kho cà phê từ vụ cũ mang sang hầu như đã cạn, hàng vụ mới chưa có mấy, đơn chào bán hết sức thưa thớt, thế mà giá trên sàn kỳ hạn London, nơi các nhà kinh doanh cà phê robusta Việt Nam thường dùng để tham chiếu, cứ rớt liên tục. Theo dõi diễn biến giá phái sinh, giới kinh doanh chưng hửng trong khi nhà vườn thực sự lo lắng do đợt tuột giá như “đứt phanh” trên cả hai sàn cà phê.

Giá trên sàn ngược kèo với thực tế thị trường

Chỉ vừa qua tháng đầu niên vụ mới, giá trên hai sàn cà phê phái sinh “đi một lèo” khiến nhà vườn không kịp trở tay. “Mới vào mùa mà thị trường như thế này khiến ai cũng xấc bấc xang bang,” chị Thu Hương, người vừa là chủ doanh nghiệp thu mua tại làng Châu Sơn (Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) vừa có vài công cà phê định hái nhưng do thời tiết ẩm ướt nên không kịp trở tay đã than như thế.

Diễn biến giá cà phê phái sinh robusta tại London. Nguồn: barchart.com

Thật vậy, tròn một tháng kể từ đầu niên vụ mới, giá cà phê tính trên mức đóng cửa sàn robusta mất gần 16% giảm 349 đô la Mỹ/tấn để chốt tại 1.849; sàn arabica mất gần 24% còn 167,75 cts/lb, giảm 51,85 cts/lb tương đương với 1.143 đô la/tấn.

Giá cà phê nguyên liệu cơ sở loại 2, tối đa 5% đen bể từ 48-49 triệu đồng thì nay chỉ quanh 40-41 triệu đồng/tấn.

Điều đáng ngạc nhiên là tồn kho vụ cũ mang sang hầu như đã cạn. Hàng năm lượng tồn kho gối vụ trong tay nhà vườn phải chừng đôi ba trăm ngàn tấn thì năm nay còn rất ít, không đáng kể. Nên trong tháng đầu niên vụ mới được biết là không có mấy đơn chào bán từ phía nhà xuất khẩu.

Lượng cà phê do các nhà nhập khẩu nắm giữ nhờ đã mua trước từ đầu năm chừng chưa đến 200.000 tấn, là con số thấp nhất tính từ nhiều năm nay, một quan chức thuộc Hiệp hội Cà phê & Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết.

Tồn kho cạn trong khi mùa mới chưa ra. Như vậy, có thể nói giá cà phê trên hai sàn kỳ hạn đã hoàn toàn đi ngược lại với thực tế thị trường và khác xa với những suy nghĩ, tính toán của nhà vườn và doanh nghiệp xuất khẩu.

Giá hai sàn cà phê “ngất ngư”. Vì sao?

Nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazil đang mạnh tay bán vụ mùa bội thu đã hái xong với ước lượng từ 60 triệu đến 70 triệu bao (bao=60 ki lô gam). Trong khi đó, thị trường đang chờ cà phê Việt Nam chuẩn bị ra mùa từ nay đến cuối năm 2022 với sản lượng ước 30 triệu bao.

Nếu dựa trên con số tối thiểu là 60 triệu bao, hàng năm lượng cà phê tiêu thụ nội địa tại nước Nam Mỹ này ước chừng 20 triệu bao, số còn lại dành cho xuất khẩu. Nhiều nhà kinh doanh và môi giới trên thị trường cho rằng đến nay Brazil đã bán đến 60-70% lượng dự kiến xuất khẩu tức chừng 1,6 triệu tấn. Cứ cho chừng một nửa lượng này đang còn treo để chốt bán theo giá niêm yết của sàn, thì có thể nhẩm tính trong 25 phiên giao dịch vừa qua của hai sàn cà phê phái sinh, Brazil chốt bán không dưới 25.000 tấn cà phê mỗi ngày.

Sức ép bán này được “chống lưng” bởi lãi suất ngân hàng nước sở tại cao. Từ tháng 3-2021, Ngân hàng trung ương Brazil tăng liên tục và đến tháng 8-2022, lãi vay kinh doanh được ấn định là 13,75% trong khung cảnh tỷ lệ lạm phát từ 12,1% (4-2022) xuống còn 7,2% đến hết tháng 9-2022.

Đồng nội tệ Reais (BRL) của Brazil đang dập dềnh quanh 5,16-5,42 BRL ăn 1 đồng đô la Mỹ, tỷ giá BRL hiện quanh 5,30 BRL so với mức thấp kỷ lục lập trong năm 2020 là 5,99 BRL=1 đô la Mỹ.

Tình hình tại Colombia, nước xuất khẩu lớn thứ ba thế giới, thường chốt giá cà phê arabica chất lượng tốt qua sàn New York, cũng không khá hơn khi tỷ lệ lạm phát tính đến tháng 9-2022 tăng lên 11,44% và lãi suất cơ bản của đồng nội tệ Peso (COP) lên tới 11%.

Dù chưa ra hàng, thị trường cũng nhận được tin giá trị tiền đồng (VND) yếu nhanh từ đầu tháng 10 đến nay. Tỷ giá VND-USD mới đây quanh mức trên 23.000 đồng/đô la Mỹ thì nay tăng lên 24.500 hay cao hơn thế sau khi Ngân hàng nhà nước nới biên độ tỷ giá VND-USD từ 3% lên 5% vào giữa tháng 10-2022.

Với tình trạng lạm phát cao, lãi suất tăng, tính dụng hạn chế, thị trường sẽ chịu nhiều áp lực nhưng các nước sản xuất sẽ còn tiếp tục bán hàng thực (physicals) ra thị trường.

Nhưng sức ép từ hàng thực chỉ mới là một phần. Các quỹ đầu tư tài chính như nhóm quản lý vốn (Money Management - MM) cũng hộc tốc bán thanh lý những hợp đồng trước đây mua ròng, thậm chí đến nay đã ghi nhận họ bán mới để chuyển từ mua ròng sang bán ròng để tránh chi phí ngân hàng.

Đầu niên vụ (cách nay 1 tháng), nhóm quản lý vốn còn giữ 27.186 hợp đồng dư mua (1 hợp đồng=10 tấn) thì đến 25-10, họ đã thanh lý hết và bán khống mới 7.106 hợp đồng. Như vậy, mỗi ngày bình quân các nhóm quỹ quản lý vốn bán một lượng hàng giấy không dưới 17.000 tấn.

Sức ép từ hai khu vực hàng thực và hàng giấy như đã nói không làm thị trường cà phê “ngất ngư” mới là lạ.

Đó là chưa tính đến khối lượng hàng giấy và hàng thực được bán đón, bán trước khi giá phái sinh còn cao vì thị trường nhận được tin mưa rất thuận tại các vùng cà phê Brazil cho mùa 2023, trong đó robusta sẽ được thu hái vào tháng 4 và arabica tháng 7 năm sau.

Làm sao để “biến tắc thông”?

Giá cà phê thời điểm hiện tại dựa trên đóng cửa ngày 28-10, robusta London tại 1.849 đô la/tấn, arabica New York tại 167,75 cts/lb tương đương với 3.700 đô la/tấn, giá cà phê robusta nguyên liệu trong nước đang được trả từ 40,5 đến 41 triệu đồng/tấn.

Rõ ràng, các nhà kinh doanh cà phê cả hàng thực lẫn hàng giấy đang khai thác yếu tố tiền tệ để tìm giá rẻ: đô la Mỹ mạnh lên trong khi đồng nội tệ của các nước sản xuất yếu đi. Những gì xảy ra trên các sàn phái sinh từ đầu niên vụ đến nay là thị trường bất chấp chuyện nhà vườn thua lỗ do giá cà phê hạ, giá đầu vào nguyên vật liệu để tái sản xuất cao. Đó cũng là thực tế chua xót và đó cũng là bản chất “vô tình” của thị trường hàng hóa thương phẩm (commodities).

Thị trường cà phê đang mất giá trầm trọng. Thế nhưng còn những điểm nghẽn có thể làm thành quả niên vụ cà phê hiện nay xấu đi, đó chính là nhiều nhà xuất khẩu đang than khó tiếp cận với nguồn tín dụng để thu mua, giữ giá giúp nhà vườn giữa cơn “nghẹt thở” vì giá xuống.

Đã có một số dự báo cho rằng đến quí 1-2023, giá cà phê robusta có thể lên quanh 2.000 đô la/tấn (Rabobank). Ứơc đoán ấy không phải không có cơ sở vì bấy giờ đơn chào bán từ các nước sản xuất giảm bớt, cuộc chạy đua tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương dịu dần, lạm phát không còn nóng như hiện nay và… Brazil đi vào giai đoạn cuối của năm kinh doanh 2022.

Doanh nghiệp xuất khẩu trong nước thiếu tín dụng, cũng có nghĩa rằng họ phải giao quyền làm thị trường cho nhà nhập khẩu. Vậy thì thị trường cà phê trong những ngày tới thuộc về người thong thả về nguồn vay để thu mua hay nói rõ hơn thuộc về người có tiền mặt. Ai có tiền mặt mua hàng, người đó làm chủ thị trường. Mong là trong nhóm này, có các doanh nghiệp kinh doanh cà phê Việt Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới