Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cá sặc chiên giòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cá sặc chiên giòn

Nguyễn Kim Oanh

Cá sặc chiên giòn. (Ảnh tư liệu).

(TBKTSG Online) – Mỗi khi bước sang tháng 12, trời hết mưa, thời tiết bắt đầu se lạnh, cái ao thả cá sau  nhà cậu tôi cũng bắt đầu dần cạn nước, cá liên tục táp mống, là cũng sắp đến ngày dọn ao bắt cá. Chờ đến một ngày Chủ nhật trong tháng, cậu gọi điện kêu mấy đứa cháu ở thành phố về chơi đông đủ, sẵn dịp như vậy ông cho chúng tôi xuống ao bắt cá, cho nên ai cũng xung phong vác thau, xô đựng cá lẽo đẽo theo sau.

Cậu tôi nuôi cá chỉ để ăn chứ không bán, vì vậy ông thả nuôi đủ các loại cá xuống ao. Cho nên đến lúc tát ao  xong, thì mọi người đem phân các loại cá ra để riêng. Tôi nhìn vào thấy nào là cá tai tượng, cá chép, cá rô phi, cá tràu, cá trê, cá rô, cá sặc và cả cá trắng nhảy lổn ngổn trong xô. Cậu bảo mợ tôi rộng lại để riêng, chiều cho chúng tôi mang về Sài gòn, chia cho hàng xóm láng giềng xung quanh mỗi người một ít. Ông đem một ít vào rộng trong khạp để kho hay nướng ăn dần.

Những loại cá sặc, cá rô, còn lại thì nhiều vô kể, mợ tôi phải chọn ra những con nào cỡ hai ngón tay người lớn trở lên, đem ướp muối cho bớt nhớt, cắt bỏ đầu móc ruột, chà sạch vẩy, ướp lại chút muối cho mặn rồi đem phơi khô mấy nắng, dành chiên ăn dần cho những lúc không đi chợ. Những loại cá nhỏ còn lại, sẵn có con cháu tụ tập về đông đủ, thế là chúng tôi lại được mợ đãi một bữa cá sặc chiên giòn cuốn bánh tráng no nê, mang hương vị đồng quê mà những đứa cháu ở xa lúc nào cũng thiếu thốn vì ở Sài Gòn ít khi thấy món này.

Cá sặc phơi khô để dành. (TL).

Đầu tiên các sặc đem nặn ruột bỏ đi  để lúc ăn không bị nhẫn thịt, rồi bỏ muối vào chà cho sạch nhớt và hết tanh mùi cá, để vào rổ cho ráo nước vài phút, công đoạn ngồi nặn ruột từng con cá như thế cũng xong.

Bếp hồng đã được nhóm sẵn, mợ tôi liền bắt chảo lên bếp rồi cho khoảng nửa lít dầu ăn vào chờ dầu nóng lên, liền sau đó bỏ vài tép tỏi băm nhuyễn vào cho vàng thơm thì mợ tôi đổ cá vào bắt đầu chiên. Lúc này mợ tôi nhỏ củi lửa lại để cho cá từ từ thấm dầu, chín giòn đều, khoảng mười phút như vậy cá vàng giòn một mặt, thì mợ lại lấy cái sạn trở lớp cá còn lại úp xuống chờ cho chín vàng. Cá chiên như thế khoảng 20-25 phút thì sẽ chín giòn cả xương bên trong.

Trong lúc đó, chúng tôi có nhiệm vụ đi theo cậu ra sau vườn và đi dọc hàng rào để cậu chỉ cho chúng tôi hái và nêu lên công dụng trị bệnh của từng loại lá mà mình sắp ăn, những loại cây mà lần đầu chúng tôi mới nghe. Lá non của các loại cây như đinh lăng, lá gai óc ó, lá lụa, đọt mận non, đọt xoài non, rồi kể cả đọt chùm ruột và chưa kể các loại rau thường thấy như diếp cá, cải trời, rau cần v.v… Kể ra sơ sơ cũng hơn chục loại rau, rồi còn khế chua, dưa leo nữa. Ở quê là vậy, chúng tôi chỉ đi một vòng vườn nhà là đã có đầy đủ các loại rau mình cần, lại an toàn không sợ bị ngộ độc.

Khô sặc chiên ăn vào những ngày mưa cũng tuyệt vời. (TL).

Chất lượng của món ăn còn tùy thuộc vào cách pha nước chấm như thế nào cho ngon. Mợ tôi về nhà này làm dâu hơn ba chục năm rồi nên cũng có vài bí quyết nho nhỏ để chỉ cho chúng tôi. Ớt và tỏi, mợ đem giã nhuyễn với ít đường chứ không dùng dao băm nhuyễn trên thớt vì như vậy tỏi không tiết hết mùi và ớt cũng không cay. Mợ giải thích, phải có đường lúc giã để ớt và tỏi không bị văng ra ngoài và đường thấm trực tiếp vào hai loại trên như thế lúc pha nước chấm mới ngon. Sau công đoạn giã nhuyễn tỏi và ớt thì mợ cho vào thêm chút đường, vắt khoảng  một trái chanh vào, quậy hỗn hợp này lại cho khi nào tan đường, thêm vào một tí nước chín rồi cho vài muỗng nước mắm ngon nêm lại là xong.

Món ăn chỉ chế biến đơn giản vậy thôi, tất cả được dọn lên cái phản lớn sau nhà với một rổ rau to, một xấp bánh tráng, hai dĩa cá chiên giòn vàng đều, con nào cũng cong tròn, bóng bẩy và một tô nước chấm tuyệt ngon với lớp màng tỏi trắng và ớt đỏ giã nhuyễn nổi lên trên mặt được múc ra từng chén nhỏ. Cứ thế, mỗi cái bánh tráng cho một vài con cá chiên, để lên một nhúm rau dưa và khế rồi cuốn lại chấm vào chén nước mắm, bỏ vào trong miệng nhai đều. Lúc này cái cảm giác giòn tan béo của những con cá trộn lẫn với mớ rau  có vị nhẫn vườn sau nhà, rồi vị chua giòn của khế và dưa leo hòa lẫn vào vị ngọt cay của nước mắm, tăng thêm sự kích thích thèm ăn của mỗi người. Chỉ sau nửa tiếng tập trung đánh chén no nê của chúng tôi, trên mâm lúc này còn lại vài ba cọng rau lẻ loi, một món ăn dân dã mà lại hấp dẫn như vậy.

Trời Sài Gòn mấy hôm nay se lạnh, ra đường phải khoác thêm áo ấm, tết sắp đến, ai cũng chuẩn bị mua vé tàu xe, quà bánh về quê ăn tết. Không biết ở quê giờ này cái ao cá sau nhà cậu mợ tôi đã cạn nước chưa, mà vẫn chưa nghe cậu mợ gọi mấy đứa cháu về chơi như mọi năm. Nhớ quá, cuối tuần hết việc tôi sẽ về thăm cậu mợ một chuyến và cả cái ao thả cá sau nhà.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới