Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cá tra tỷ lệ mạ băng thấp đắt hàng ở châu Âu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cá tra tỷ lệ mạ băng thấp đắt hàng ở châu Âu

Ngọc Hùng

Cá tra tỷ lệ mạ băng thấp đắt hàng ở châu Âu
Những năm qua, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU liên tục giảm do doanh nghiệp chỉ tập trung vào một số sản phẩm chính là phi-lê cá tra với tỷ lệ mạ băng 20%. Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Lâu nay, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra luôn “đấu tranh” để cơ quan quản lý phải chấp nhận tỷ lệ mạ băng là 20% cho sản phẩm cá tra theo quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm này. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm nay, những sản phẩm có tỷ lệ mạ băng 0% hay 10% được ưu chuộng và có giá bán cao hơn 2 lần sản phẩm có tỷ lệ mạ băng 20% ở thị trường EU.

Số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam (VASEP) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 72 triệu đô la Mỹ, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước. Phần giảm nằm ở cá tra phi-lê xuất khẩu còn những sản phẩm cá tra chế biến, có tỷ lệ mạ băng 0%, 10% lại được tiêu thụ tốt ở thị trường này.

Cụ thể, sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh có tỷ lệ mạ băng 0% bán ở Anh và Bỉ khá cao, với giá trung bình từ 3,07 - 3,95 đô la Mỹ/kg. Sản phẩm cá tra có tỷ lệ mạ băng 0% và 10% cũng có giá từ 3,12-3,65 đô la Mỹ/kg tại thị trường Đức, Hà Lan, Hy Lạp. Trong khi đó, sản phẩm phi-lê cá tra, cá tra đông lạnh cắt khúc có tỷ lệ mạ băng 20% tại thị trường Hungari chỉ ở mức 1,2-2 đô la Mỹ/kg, ở Pháp là 1,25-1,48 đô la Mỹ/kg, giá cao hơn một chút là ở thị trường Ý là 1,4-1,75 đô la Mỹ/kg.

Như vậy, sản phẩm phi-lê cá tra có tỷ lệ mạ băng 0%, 10% đang bán vào EU có giá cao hơn khoảng 2 lần so với phi-lê cá tra có tỷ lệ mạ băng 20%.

Tỷ lệ mạ băng đối với cá tra phi-lê trong thời gian qua đã tạo ra những tranh luận giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp thủy sản.

Cụ thể, Điều 6 Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra ban hành ngày 29-4-2014 quy định tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải có tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%; còn hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm.

Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra liên tục phản ứng với điều khoản này vì cho rằng việc đưa ra điều khoản này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và muốn tỷ lệ mạ băng trong phi-lê cá tra phải ở mức 20%.

Cuối cùng, để kết thúc 27 tháng tranh luận giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản – cá tra phi-lê đông lạnh. Theo đó, tỷ lệ mạ băng 20% (thay vì 10% như ban đầu) đã được chọn và hàm lượng nước không được lớn hơn 86% (thay vì 83%) khối lương tịnh của sản phẩm cho sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh xuất khẩu. Thông tư có hiệu lực từ ngày 5-5-2017.

Tuy nhiên, thực tế trong 5 tháng qua đã cho thấy, trong các sản phẩm cá tra xuất khẩu sang EU, những sản phẩm nào có tỷ lệ mạ băng 0%, 10% lại được người tiêu dùng tại thị trường EU mua nhiều với giá lại cao hơn. Vì thế, theo VASEP, thời gian tới, doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược bằng cách tăng những sản phẩm cá tra giá trị gia tăng cao bằng việc giảm tỷ lệ mạ băng cũng như đa dạng hóa sản phẩm cá tra thay vì chỉ tập trung vào mặt hàng phi-lê cá tra như lâu nay.

Xem thêm

>>> Tỷ lệ mạ băng cá tra phile xuất khẩu là 20%

>>> Lại kiến nghị lùi áp dụng tỷ lệ mạ băng với cá tra

>>> Cuối 2015 mới áp dụng tỷ lệ mạ băng mới cho cá tra

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới