Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các bài học Covid-19 mới

Nguyễn Vũ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – So với nửa đầu năm ngoái, cả chiến lược lẫn tâm lý đối phó với đại dịch Covid-19 đã có những thay đổi cơ bản trên toàn cầu. Sự thay đổi này là do khách quan (xuất hiện chủng Delta lây lan mạnh) hay từ những nỗ lực của nhân loại (chủng ngừa vaccin). Tờ Vox đã tổng kết các bài học rút ra sau gần hai năm đương đầu với Covid-19 trong thời điểm hiện nay.

Trẻ em đến trường có cần đeo khẩu trang hay không?

Cần quan tâm đến tỷ lệ bệnh nặng phải nhập viện và tỷ lệ tử vong chứ không phải tỷ lệ F0

Đầu năm 2020 người ta chú trọng đến con số R0, tức một người nhiễm Covid-19 sẽ lây cho bao nhiêu người khác. Với virus SARS-CoV-2 nguyên thủy, R0 vào khoảng 2-3, tức một F0 có thể lây cho 2-3 người. Đếm số ca lây nhiễm hàng ngày trở thành thước đo chính để biết được mức độ nghiêm trọng của đại dịch.

Các nước đặt ra một mục tiêu rất rõ ràng: ngăn số ca nhiễm tăng đột biến, tìm mọi cách để làm phẳng đường cong biểu thị mức tăng ca nhiễm. Thực tế ai nấy đều có thói quen kiểm tra số ca nhiễm hàng ngày ở nơi mình cư trú và ai nấy đều xem mọi ca nhiễm đều là ca nguy hiểm.

Điều đó đến nay không còn đúng nữa, nhất là ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao. Cho dù tỷ lệ tiêm chủng mới chỉ đạt 30-40%, cộng thêm với một tỷ lệ không nhỏ người mắc Covid-19 nay đã bình phục, bất kỳ cộng đồng nào cũng sẽ có tình trạng một tỷ lệ người nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ không có triệu chứng hay triệu chứng rất nhẹ và sau một thời gian sẽ khỏi; một tỷ lệ khác, thường nhỏ hơn nhiều sẽ phải nhập viện và trong số đó một tỷ lệ nhỏ hơn nữa sẽ tử vong.

Chính vì thế thống kê ca nhiễm mới không quan trọng bằng thống kê ca nhập viện và ca tử vong vì nếu cộng đồng đó nỗ lực tiêm chủng rộng rãi, áp dụng tốt các biện pháp phòng ngừa như giãn cách, đeo khẩu trang, không tiếp xúc… họ sẽ thấy các con số thống kê sau sẽ giảm mạnh. Trong khi đó con số thống kê ca nhiễm vẫn có thể tăng vì chủng Delta có R0 đến 6-7, tức một ca nhiễm có thể lây lan cho 6-7 người khác.

Các chuyên gia y tế đều đồng ý rằng xem xét năng lực tiếp nhận bệnh nhân Covid nặng của hệ thống bệnh viện là quan trọng hơn cả vì nếu bệnh viện có khả năng điều trị tốt các ca nhập viện, đương nhiên số ca tử vong sẽ giảm và ngược lại.

Năm 2020 năng lực y tế thế giới chưa điều trị Covid-19 được như bây giờ nên mọi nỗ lực dồn vào chuyện giảm R0 xuống càng thấp càng tốt, từ đó các nước mới nhấn mạnh chuyện phong tỏa, cách ly. Nay chiến lược của các nước đều tập trung vào đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccin cho người dân, bắt đầu từ những người có nguy cơ cao; nâng cao năng lực điều trị để giảm số ca nặng.

Thay vì cố gắng loại trừ mọi rủi ro, hãy tìm cách giảm rủi ro đến mức thấp nhất

Tờ Vox lấy chiến lược đối phó với HIV/AIDS để làm ví dụ: Sau một thời gian khá dài, người ta nhận ra rằng thúc đẩy cách thức kiêng kỵ hoàn toàn là không khả thi, thay vào đó, cần hướng dẫn để mọi người áp dụng các hành vi an toàn, tức giảm mối nguy. Ở giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 cũng có tình trạng tương tự: danh sách những việc không được làm cứ dài ra mãi, người dân được khuyến cáo đủ cách. Lúc đó chưa có chuyện lượng định mức độ rủi ro của các hành vi để từ đó đưa ra lời khuyên thực tế hơn.

Nay tình hình đã thay đổi – nhiều nước chuyển từ chiến lược “zero Covid-19” sang chiến lược “sống chung với Covid-19”. Sống chung ở đây được hiểu là lượng định các dạng rủi ro, tìm các biện pháp giảm mức độ rủi ro và chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định. Ví dụ nhiều nước nay đã chấp nhận cho khách nước ngoài đã chích đủ hai liều vaccin nhập cảnh và cách ly một thời gian ngắn.

Ở trong nước, sống chung cũng có nghĩa cho phép nhiều hoạt động xã hội được tái tổ chức như người đã chích ngừa đầy đủ được vào các trung tâm mua sắm, nhà hàng, nơi giải trí… Các hoạt động được cấp phép dựa trên mức độ rủi ro, ví dụ hòa nhạc đông người vẫn chưa được tổ chức nhưng nhà hàng phục vụ khách ngoài trời được mở cửa trở lại.

Đã đến lúc phải trả lời được câu hỏi sự an nguy của trẻ em trước dịch Covid-19 là như thế nào?

Năm 2020 dịch lây lan mạnh nhưng một điều an ủi là ai cũng tin trẻ em dường như ít bị lây nhiễm Covid-19 và dù nếu có mắc bệnh thì tình trạng của các em vẫn nhẹ hơn người lớn nhiều. Đến nay trẻ em cũng ít bị Covid-19 hơn nhưng có hai yếu tố quan trọng cần tính đến.

Một là ở tất cả các nước trẻ dưới 12 tuổi chưa được chích ngừa và chỉ một số nước áp dụng chích ngừa cho trẻ từ 12-18 tuổi. Như thế suy nghĩ cho rằng trẻ em được bảo vệ trước Covid-19 tốt hơn người lớn đã không còn đúng nữa. Thứ hai là trong thực tế biến chủng Delta đã làm số trẻ em mắc bệnh và phải nhập viện đang tăng khắp nơi.

Với các nước, tình hình này buộc họ phải cân nhắc nhiều yếu tố trước khi năm học mới sắp sửa bắt đầu. Với nước Mỹ còn có cuộc tranh cãi gay gắt: liệu trẻ em đến trường có cần mang khẩu trang hay không. Với những nước dịch bệnh đang lan rộng, làm sao để tổ chức học trực tuyến khi trẻ thiếu thốn đủ thứ, từ sách vở đến máy móc nhằm hỗ trợ việc học trực tuyến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới