Chủ Nhật, 15/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các bộ có hướng dẫn, vận tải hành khách vẫn ‘bất động’ vì chờ địa phương

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có quyết định hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách ở 5 lĩnh vực (đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải) trên cơ sở thích ứng an toàn và có kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương đều “đóng cửa” vận tải hành khách liên tỉnh, chưa có dấu hiệu cho đi lại thuận lợi.

Không yêu cầu xét nghiệm hành khách đã tiêm đủ liều vaccine

Ngày 30-9, Bộ Y tế và Bộ GTVT đã ban hành hai quyết định về hướng dẫn xét nghiệm Covid 19 đối với cơ sở sản xuất kinh doanh (Bộ Y tế) và hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực vận tải (Bộ GTVT).

Hướng dẫn của Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm định kỳ cho người lao động ở các cơ sở sản xuất từ mức hàng tuần cho người lao động (các tỉnh thành phố có nguy cơ rất cao) đến xét nghiệm 2 tuần/lần cho toàn bộ người lao động (các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao và có nguy cơ). Mặt khác, Bộ Y tế không yêu cầu thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vaccine (lần tiêm cuối trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng) hoặc bệnh nhân đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng.

Các ngành vận tải đường sắt (ảnh), hàng không, đường bộ vẫn chưa thể hoạt động trở lại trừ các chuyến hồi hương cho từng địa phương - Ảnh: TCT ĐSVN

Dựa trên quy định của Bộ Y tế, Bộ GTVT đã có kế hoạch cho phép các loại hình vận tải hành khách hoạt động trở lại kể từ 1-10, theo từng giai đoạn và từng cấp độ. Ở cấp độ nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh - cấp 1; nguy cơ trung bình (tương ứng màu vàng - cấp 2); nguy cơ cao (màu cam - cấp 3) và nguy cơ rất cao (màu đỏ - cấp 4).

Ở các vùng có nguy cơ rất cao, dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện giao thông công cộng (trừ xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử). Trường hợp phương tiện vận tải hành khách có hành trình bắt buộc phải đi qua thì không được dừng, đỗ.

Các cảng hàng không, ga đường sắt được hoạt động để tiếp nhận hành khách và phải đảm bảo các yêu cầu: Cảng hàng không, ga đường sắt đáp ứng yêu cầu của hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT.

Tại vùng 4, người làm việc tại cảng hàng không có tiếp xúc trực tiếp với tổ bay, hành khách; người làm việc tại ga, trung tâm, trạm vận tải đường sắt có tiếp xúc trực tiếp với lái tàu, nhân viên phục vụ trên tàu, hành khách phải tiêm vaccine 1 liều trở lên và xét nghiệm Covid 19 hàng tuần bằng PCR. Không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Tại địa phương/vùng có nguy cơ cao (cấp 3), các phương tiện giao thông công cộng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới hoặc bằng 50% công suất (chuyến/lượt hoặc số chỗ trên phương tiện). Hàng không có hướng dẫn riêng.

Tại vùng có nguy cơ thấp và trung bình, các phương tiện giao thông được hoạt động bình thường.

Riêng đối với ngành hàng không, Bộ GTVT cho phép bay trở lại theo 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (kể từ 1-10-2021, tối đa 10 ngày): tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.

Giai đoạn 2 (kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1, tối đa 10 ngày): tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).

Giai đoạn 3 (tính từ khi kết thúc giai đoạn 2, tối đa 10 ngày): tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4-2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) sẽ được khai thác trở lại bình thường.

Căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương, trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không, sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không có quyết định điều chỉnh tần suất khai thác phù hợp.

Tương tự như Bộ Y tế, Bộ GTVT cũng yêu cầu hành khách đi máy bay ngoài việc phải tuân thủ “thông điệp 5K”; khai báo y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.

Trường hợp khách đã tiêm một liều vaccine sau ba tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng sẽ không cần phải xét nghiệm.

Bộ GTVT cũng nêu rõ, trường hợp Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế ban hành quy định mới về phòng, chống dịch Covid-19 đối các với đối tượng áp dụng tại hướng dẫn tạm thời này thì thực hiện theo quy định mới của Chính phủ và Bộ Y tế.

Các đối tượng phục vụ vận tải hành khách cả 5 loại hình đều phải xét nghiệm SARS-CoV-2 (bằng PCR hoặc test kháng nguyên nhanh) khi có ho, sốt, khó thở... Tại địa phương/vùng có nguy cơ trung bình (cấp 2) và nguy cơ cao (cấp 3) phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng tuần…

Các nhân viên hàng không, đường sắt… và hành khách nếu đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng thì không yêu cầu xét nghiệm.

Các doanh nghiệp “bất động” vì chờ địa phương

Như những hướng dẫn trên thì các bộ đã cho phép các loại hình vận tải bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, trao đổi với KTSG Online, đại diện của hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết hãng chưa có ngày bay trở lại cụ thể theo hướng dẫn trên vì còn chờ hướng dẫn của Cục hàng không, sự thống nhất với từng địa phương. Địa phương nào cho phép bay trở lại thì Vietnam Airlines sẽ cho phục hồi đường bay đó.

Vietjet Air cũng chung tình trạng chờ đợi này. Tuy nhiên, các hãng đều chung tâm trạng: các địa phương có sân bay hầu hết đều “đóng cửa” với hành khách đến từ các tỉnh khác, bao gồm cả hành khách đến từ Hà Nội hay các tỉnh “vùng xanh”, do đó hướng dẫn của các bộ thì có nhưng trên thực tế không thể bay được.

Phía Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV tổng công ty, nói: “Đường sắt cũng chưa thể chở khách trở lại dù đã làm việc với UBND Hà Nội và một số địa phương nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Mỗi tỉnh là một “pháo đài” và doanh nghiệp kẹt cứng”. Đã từ lâu, đến ngày 6-10 tới, ngành đường sắt mới có một chuyến tàu khách chở vài trăm công dân Ninh Bình hồi hương từ các tỉnh phía Nam.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới