(KTSG Online) - Các cảng ở châu Âu đang cố gắng phát triển thành các cụm công nghiệp sử dụng năng lượng sạch nhằm chạy đua để giành được vai trò quan trọng trong chiến lược khí hậu đầy tham vọng của Liên minh châu Âu (EU).
- Chuyển đổi xanh vận tải biển vẫn gặp khó
- Doanh nghiệp ngành dầu mỏ lo ngại chuyển đổi xanh quá nhanh
Tại cảng biển lớn nhất khu vực ở Rotterdam (Hà Lan), chính quyền cảng và các công ty năng lượng lớn đang phát triển một mạng lưới quy mô lớn bao gồm năng lượng sạch từ các trang trại điện gió ngoài khơi, cũng như sản xuất hydrogen và đường ống để vận chuyển nhiên liệu này đến các nhà sản xuất tại chỗ và trong đất liền.
EU đang hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi xanh của khối này, bao gồm việc phân bổ hơn 16 tỉ euro cho các dự án liên quan đến hydrogen và sẽ cấp thêm 5 tỉ euro hỗ trợ các sáng kiến hạ tầng năng lượng xanh xuyên biên giới quan trọng vào khoảng tháng 11.
Theo Ruud Kempener, lãnh đạo chính sách năng lượng của EU, các cảng sẽ không chỉ dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng mà còn giúp xanh hóa châu Âu và kích hoạt sự chuyển đổi xanh rõ ràng trong lĩnh vực này trên toàn cầu. Hoạt động sản xuất hydrogen sạch có thể được phát triển ở các cảng bằng cách sử dụng năng lượng gió rồi phân phối khắp châu Âu. Các cảng cũng như ngành công nghiệp xung quanh đều đang chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch.
Là một phần trong chiến lược RePowerEU nhằm tránh xa nhiên liệu hóa thạch của Nga và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, 27 nước thành viên EU đã cam kết sản xuất 10 triệu tấn hydrogen tái tạo (sử dụng năng lượng tái tạo để tách oxygen và hydrogen từ nước) và nhập khẩu thêm 10 triệu tấn nữa từ 2030.
Các cảng sẽ đóng một vai trò chiến lược trong sự phát triển của thị trường hydrogen của châu Âu, vừa là trung tâm nhập khẩu vừa là nhà đầu tư vào cơ sở hạ tầng để sản xuất, lưu trữ và phân phối hydrogen.
Theo một nghiên cứu của của chi nhánh của hãng kiểm toán Deloitte tại Bỉ, đến năm 2050, có tới 42% tổng nhu cầu hydrogen ở EU có thể tập trung ở các khu vực cảng, chủ yếu được thúc đẩy bởi các ngành công nghiệp và lĩnh vực vận tải quốc tế. Hydrogen có tiềm năng thay thế khí đốt để sản xuất nhiệt cho các quy trình công nghiệp và trở thành nhiên liệu quan trọng trong ngành hàng không, vận tải biển và vận tải đường bộ.
Cảng Rotterdam có kế hoạch cung cấp cho khu vực phía tây bắc của châu Âu ít nhất 4,6 triệu tấn hydrogen vào cuối thập niên này. Con số này sẽ đóng góp vào gần 1/4 mục tiêu chung của EU.
Theo một dự án được chính phủ Hà Lan và các công ty bao gồm Shell, BP và Air Liquide đồng tài trợ, các nhà máy sản xuất hydrogen sẽ được thiết lập tại 24 hecta đất bồi đắp gần sông Maas. Những nhà máy này được cung cấp năng lượng từ các trang trại điện gió ngoài khơi để sản xuất hydrogen. Dự án sẽ sẵn sàng vận hành năm 2025 và cảng Rotterdam dự kiến đạt công suất sản xuất hydrogen 2-2,5 GW vào năm 2030, trở thành nơi sản xuất hydrogen bằng cách điện phân nước lớn nhất ở EU.
“Chiến lược RePowerEU yêu cầu một lượng hydrogen khổng lồ. Nhu cầu về hydrogen xanh từ các ngành công nghiệp khác nhau sẽ ngày càng tăng”, Nico Van Dooren, giám đốc danh mục đầu tư và phát triển kinh doanh mới của cảng Rotterdam nói.
Theo tính toán của cảng Rotterdam, các nhà máy hydrogen sẽ được kết nối với các nhà máy lọc dầu tại cảng này thông qua mạng lưới đường ống trị giá tới 1,5 tỉ euro. Gasunie, công ty điều hành cơ sở hạ tầng năng lượng thuộc sở hữu nhà nước của Hà Lan đã cam kết đầu tư 100 triệu euro vào các đường ống này. Cảng Rotterdam đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới đường ống và đến năm 2027 sẽ vận chuyển hydrogen xanh qua Bỉ và Đức, thông qua hành lang Delta Rhine, một tuyến đường ống dài gần 300 km.
Theo CEO Jacques Vandermeiren của Cơ quan quản lý cảng Antwerp-Bruges (Hà Lan), cảng này cũng đang thảo luận các dự án hydrogen với các nhà đầu tư. “Nơi mà bạn phải bắt đầu quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các phân tử và điện tử tái tạo chắc chắn là các cảng. Chúng tôi đang thảo luận với các công ty về dự án sản xuất hydrogen”, ông nói.
Không chỉ các cảng đang thực hiện quá trình chuyển đổi xanh mà các hãng vận tải biển cũng đang bắt đầu chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Hồi tháng 6, Maersk, hãng vận tải container lớn thứ hai thế giới đã đặt đóng sáu tàu chạy bằng nhiên liệu methanol, nâng tổng số đơn đặt hàng các tàu đốt loại nhiên liệu đó lên 25.
Trong mùa thu này, EU sẽ quyết định những dự án hạ tầng năng lượng xanh nào đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính.
Trong các cuộc đàm phán sơ bộ vào tháng 6, các quan chức EU kết luận rằng dự án đường ống dẫn hydrogen từ Barcelona (Tây Ban Nha) đến Marseille (Pháp) có thể mở rộng tới Berlin. Dự án này sẽ đủ điều kiện nhận tài trợ cho cơ sở hạ tầng xanh. Các dự án khác dự kiến được bật đèn xanh là tuyến đường ống dẫn hydrogen kết nối Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng như các đường ống ở Bắc Âu nhằm vận chuyển hydrogen tái tạo của Thụy Điển và Phần Lan vào Đức.
Rheo Deloitte, việc thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng hydrogen tái tạo tại các cảng và khu vực ven biển có thể giúp giảm 655 triệu tấn khí thải carbon, tương đương 16% tổng lượng khí thải carbon ở EU vào năm 2019.
“Các cảng đang thay đổi. Sự thay đổi này giống như ô tô động cơ đốt trong so với xe điện. Nhìn bề ngoài, chúng có vẻ không thay đổi đáng kể nhưng thực tế xe điện là một sản phẩm hoàn toàn khác”, Marcel van de Kar, giám đốc toàn cầu về năng lượng mới tại Koninklijke Vopak (Hà Lan), công ty có kế hoạch đầu tư 1 tỉ euro vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch trên toàn cầu, nói.
Theo Bloomberg