Chủ Nhật, 11/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các câu chuyện buồn về du lịch mãi ám ảnh tôi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các câu chuyện buồn về du lịch mãi ám ảnh tôi

Tư Hoàng lược ghi

Các câu chuyện buồn về du lịch mãi ám ảnh tôi
Ông Vũ Tiến Lộc. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc có bài  phát biểu ấn tượng tại Hội thảo “Phát triển Du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 7-7 tại Hà Nội. TBKTSG Online lược thuật.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam VBF được tổ chức tháng 6 vừa qua, ông Ken Atkinson, Trưởng nhóm công tác về Du lịch của VBF, đã kể lại một câu chuyện: Hai vợ chồng một vị khách Châu Âu, bởi lòng yêu mến Việt Nam, đã quyết định chọn Việt Nam là nơi đến trong kỳ nghỉ mùa Hè của họ. Nhưng khi tìm hiểu thủ tục và chi phí thị thực (visa), họ thấy chỉ riêng chi phí cho visa vào Việt Nam đã bằng cả chi phí cho hai đêm nghỉ thêm ở Thái Lan (ở Thái Lan, họ không phải trả phí visa). Cực chẳng đã, hai vợ chồng đã quyết định chọn Thái Lan, thay vì Việt Nam, cho kỳ nghỉ của họ.

Ken Atkinson còn đưa ra một nhận xét: “Giá mà việc cấp thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam cũng làm được như ở Campuchia thì đã tốt lắm rồi!”. Và chúng ta biết, không chỉ ở khâu visa, mà ở nhiều tua, tuyến, điểm du lịch, khách du lịch cũng đánh giá Việt Nam thua Campuchia ở tính chuyên nghiệp.

Các câu chuyện buồn này đã ám ảnh mãi tôi từ sau khi dự Diễn đàn. Đó là những câu chuyện không hề nhỏ. Quan sát cách làm du lịch của các nước xung quanh, chúng ta giật mình bởi không chỉ Thái Lan, Malaysia, Singapore, mà ngay cả Campuchia, Lào, Myanmar... cũng đang làm nhiều việc thúc đẩy du lịch tốt hơn ta.

Trong khi đó, tôi cũng nhớ một con số khác cũng rất bất ngờ: Năm 2014, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 16 trong số 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Nếu vậy thì du lịch chắc chắn sẽ là một trong lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, có lợi thế so sánh, có giá trị gia tăng bậc nhất của Việt Nam trong tương quan so sánh toàn cầu. Và với thứ hạng như vậy, tôi luôn tự hỏi mình, tại sao chúng ta không thể xây dựng Việt Nam thành một “Quốc gia Du lịch”?

Đảng và Nhà nước đã xác định “Du lịch là ngành mũi nhọn”. Thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92/NQ-CP, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 14-TTg về các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới. Chúng ta đã có một hệ thống đồng bộ các chủ trương, chính sách và giải pháp. Về phía VCCI, để thực hiện các nghị quyết này, chúng tôi đề nghị:

Phải đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước ASEAN. Chúng ta có tiềm năng du lịch đứng thứ 16 trên thế giới thì tại sao chúng ta không thể là quốc gia du lịch hàng đầu của ASEAN? Cần xác định thật rõ lộ trình để thu hẹp khoảng cách phát triển du lịch với các nước ASEAN, trước hết là ở các yếu tố môi trường, thủ tục hành chính cho phát triển du lịch.

Ví dụ trong lĩnh vực visa, những con số sau đây là rất đáng suy ngẫm cho việc tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực này: 2014, Thái Lan đón 24,8 triệu lượt khách quốc tế, Thái Lan đã miễn thị thực và lệ phí thị thực cho công dân đến từ 61 quốc gia (trong đó 49 nước là đơn phương); Malaysia đón 27,4 triệu lượt khách quốc tế và đã miễn lệ phí thị thực cho 155 quốc gia (trong đó 85 quốc gia là đơn phương). Tương tự, Singapore đón 15,1 triệu lượt khách quốc tế và miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 150 quốc gia (trong đó 82 quốc gia là đơn phương). Ta đón gần 8 triệu lượt khách quốc tế và miễn visa cho 22 quốc gia.

Đương nhiên, khách đi du lịch đến các quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng visa vào là “một thủ tục” chào đón có ảnh hưởng quan trọng và câu chuyện hai vợ chồng vị khách du lịch Châu Âu mà tôi kể ở trên là một minh chứng.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UN WTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), nếu Việt Nam tạo thêm nhiều thuận lợi cho việc cấp thị thực, thì số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có thể tăng từ 8 – 18%.

Vì lẽ đó, tôi nhất trí với kiến nghị của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đề nghị Thủ tướng tiếp tục xem xét miễn thị thực với các thị trường khách du lịch quan trọng khác, trong đó có Úc, Newzeland, các nước Đông Âu và Liên Xô cũ, các nước là các đối tác trong các hiệp định thương mại tự do lớn mà ta đã và đang ký kết như TPP, VN-EU,.v.v…Đó là các đối tác có nguồn khách du lịch tiềm năng hàng đầu thế giới hiện nay.

Cũng liên quan tới cạnh tranh và chuẩn mực ASEAN, tôi biết các nước ASEAN đang xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn về nghề và dịch vụ du lịch toàn khối và các chương trình kết nối du lịch khu vực. Việc thực hiện bộ tiêu chuẩn này cũng là một yêu cầu quan trọng mà cả cơ quan Chính phủ và doanh nghiệp cần quan tâm để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, nước ta mới chỉ có 14.500 doanh nghiệp (chiếm chưa đầy 3% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động) đầu tư vào du lịch. Đó là con số ít ỏi đối với một lĩnh vực nhiều tiềm năng, thậm chí đã được xếp thứ hạng 16 trên toàn cầu. Chúng ta hy vọng ngành du lịch có thể đóng góp hàng chục phần trăm trong GDP và tạo ra hàng triệu công ăn việc làm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới