Thứ năm, 14/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các chính phủ châu Âu trực tiếp vay tiền từ người dân

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nước châu Âu đang có xu hướng huy động tiền trực tiếp từ người dân thông qua các chương trình phát hành trái phiếu dành cho nhà đầu tư cá nhân. Động thái này được thiết kế một phần nhằm thúc ép các ngân hàng lớn tăng lãi suất mà họ trả cho người gửi tiền.

Tháng 10 tới, chính phủ Ý sẽ mở bán lô trái phiếu “BTP Valore” thứ hai, tập trung vào các nhà đầu tư cá nhân. Ảnh: firstonline.info

Các chính phủ ở Ý, Bỉ và Bồ Đào Nha đã phát hành khoảng 60 tỉ euro trái phiếu trực tiếp cho các hộ gia đình trong năm nay, tăng mạnh với 26 tỉ euro năm ngoái. Điều này diễn ra khi người tiết kiệm muốn tìm kiếm lợi suất cao từ các lô trái phiếu của chính phủ.

Tháng 10 tới, chính phủ Ý sẽ mở bán lô trái phiếu “BTP Valore” thứ hai, tập trung vào các nhà đầu tư cá nhân. Loại trái phiếu này, được ra mắt lần đầu tiên vào tháng 6 năm nay, trả lãi cao hơn nếu giữ đến ngày đáo hạn. Trong đợt bán đầu tiên, chính phủ Ý huy động được số tiền kỷ lục 18 tỉ euro.

Trái phiếu BTP Valore có kỳ hạn 5 năm, sẽ trả lãi suất 3,25% trong hai năm đầu tiên và tăng lên 4% trong thời gian còn lại. Để so sánh, các khoản tiền gửi mới của hộ gia đình Ý ở ngân hàng kỳ hạn tối thiểu 1 năm có lãi suất 3,1%.

Các nhà phân tích lưu ý, một lợi thế khác của việc phát hành trái phiếu chính phủ cho người dân là điều này cung cấp cho họ một nơi an toàn để gửi tiết kiệm. Không giống như tiền gửi ở các ngân hàng thương mại, trái phiếu chỉnh phủ không giới hạn mức bảo hiểm. Phát hành nợ chính phủ cho người dân cũng loại bỏ các kênh trung gian khi một số ngân hàng lấy tiền tiết kiệm của người dân để đầu tư trái phiếu chính phủ.

Frank Gill, chuyên gia về nợ chủ quyền ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi của S&P Global Ratings, kỳ vọng các nước châu Âu sẽ đẩy mạnh phát hành trái phiếu nhắm vào các nhà đầu tư cá nhân. Động thái này một phần là nhằm lấp đầy khoảng trống trên thị trường sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) dừng phần lớn hoạt động mua trái phiếu của các chính phủ trong khu vực. Ngoài ra, việc bán trái phiếu chính phủ trực tiếp cho người dân cũng nhằm thúc đẩy các ngân hàng thương mại áp dụng các mức lãi suất tiền gửi cao hơn.

“Các ngân hàng thương mại rõ ràng rất miễn cưỡng trong việc chuyển lãi suất chính sách cao hơn cho người gửi tiền vì họ tin rằng khách hàng sẽ không rút tiền. Nhưng tôi dự đoán, họ sẽ sớm bắt đầu phản công bằng cách tung ra các sản phẩm mới để cạnh tranh”, Gill nói.

Tuần trước, Bỉ gây chú ý với đợt phát hành trái phiếu nhà nước kỳ hạn một năm cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thu về số tiền kỷ lục, gần 22 tỉ euro. Con số này cao gấp 4 lần mục tiêu, cho phép Bỉ cắt giảm các đợt phát hành trong tương lai. Các quan chức Bỉ ước tính rằng, bằng cách giảm số nợ cần phát hành trên thị trường, chính phủ giảm chi phí vay tới 152 triệu euro trong thập niên tới.

Jean Deboutte, Giám đốc chiến lược, quản lý rủi ro và quan hệ nhà đầu tư của Cơ quan quản lý nợ công Bỉ, cho biết chính phủ muốn “thúc đẩy các ngân hàng tăng lãi suất cao hơn cho người gửi tiền”. Ông rất hài lòng với kết quả của đợt phát hành trái phiếu trên vì ban đầu chỉ kỳ vọng huy động được 5 tỉ euro. Ông nói thêm rằng trái phiếu này thu hút “rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài”, điều mà ông cho rằng sẽ gây áp lực buộc các nước khác phải làm theo. Lãi suất trái phiếu phát hành cho các nhà đầu nhỏ lẻ ấn định ở mức 3,3%, cao hơn mức lãi suất 2,5% thường thấy của các tài khoản tiết kiện mở ở các ngân hàng.

Camille de Courcel, người đứng đầu chiến lược lãi suất châu Âu của ngân hàng BNP Paribas, cho biết các chính phủ đang đáp ứng nhu cầu lớn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và trong nhiều trường hợp giúp họ huy động vốn với chi phí rẻ hơn. Hiện nay, lợi suất trái phiếu chính phủ Bỉ kỳ hạn 1 năm phát hành cho các nhà đầu tư tổ chức là 3,6%.

“Việc phát hành nợ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể gây áp lực giảm lãi suất trái phiếu chính phủ và có khả năng tiết kiệm chi phí”, ông nói.

Ý đã phát hành trái phiếu đặc biệt dành cho những người tiết kiệm cá nhân trong hơn một thập niên qua, với lô trái phiếu “BTP Italia” đầu tiên, có lợi suất được điều chỉnh theo lạm phát, được phát hành vào năm 2012. Các nhà phân tích cho rằng lý do chính của chương trình trái phiếu bán lẻ của Ý là nhằm đa dạng hóa nguồn tài trợ của chính phủ và tăng cường sở hữu nợ trong nước.

Bồ Đào Nha đã tăng số nợ bán cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ thêm 11 tỉ euro trong năm nay, tính đến tháng 7. Tuần trước, Hy Lạp mở cuộc đấu giá trái phiếu trực tiếp cho người dân lần đầu tiên kể từ năm 2021, huy động được 187 triệu euro, với mức đăng ký mua giới hạn ở mức 15.000 euro mỗi người.

Ngoài lợi suất cao hơn hầu hết các ngân hàng cao cấp, các chính phủ châu Âu đang đưa ra các ưu đãi về thuế cho những công dân mua nợ của họ. Trái phiếu chính phủ phát hành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ ở Ý và Bỉ chỉ bị đánh thuế bằng khoảng một nửa so với các sản phẩm tiết kiệm và đầu tư khác. Trong khí đó, trái phiếu của Hy Lạp dành cho nhà đầu tư cá nhân được phát hành miễn phí.

Richard McGuire, người đứng đầu chiến lược lãi suất của ngân hàng Rabobank, nhận định việc các chính phủ phát hành nợ cho nhà đầu tư cá nhân không chỉ giúp huy động tài chính dễ dàng, mà còn giúp họ giành được chiến thắng chính trị bằng cách buộc các ngân hàng phải áp dụng lãi suất tiết kiệm cao hơn

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới