Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các chính quyền địa phương Trung Quốc tăng cường xử phạt để cải thiện nguồn thu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một chủ nhà hàng ở Thượng Hải bị phạt 5.000 nhân dân tệ (702 đô la) vì phục vụ dưa chuột cắt nhỏ khi chưa có... giấy phép. Câu chuyện đó và các khoản phạt tranh cãi khác xuất hiện khi các chính quyền địa phương mắc nhiều nợ của Trung Quốc được cho là tăng cường xử phạt hành chính đối với người dân nhằm cải thiện nguồn thu. Điều này gây ra bất bình trên các cộng đồng mạng xã hội.

Thị trưởng thành phố Nam Ninh Hou Gang cúi đầu xin lỗi tại cuộc họp báo hồi tháng 5 sau khi một công ty mà chính quyền hợp tác tăng phí đỗ xe quá mức. Ảnh: Six Stone

Trong tháng này, một chủ nhà hàng ở Thượng Hải bị phạt 5.000 nhân dân tệ (702 đô la) vì một lỗi nghe có vẻ rất phi lý: phục vụ dưa chuột cắt nhỏ khi chưa có giấy phép. Thông tin này gây ra sự phẫn nộ trên mạng xã hội Weibo. Trong một bài đăng nhận được 9,5 triệu lượt xem, một người dùng viết: “Nếu họ muốn phạt bạn, thậm chí thêm giấm vào món ăn (mà chưa có giấy phép) cũng có thể là sai”.

Cũng trong tháng trước, nhưng người lái xe tải ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc gây chú ý khi họ bày tỏ hoài nghhi về tính chính xác của máy cân xe của chính quyền sau khi liên tục bị phạt vì chở quá tải. Một tài xế ở tỉnh này bị phạt lỗi chở quá tải tổng cộng 38.000 đô la trong hai năm qua.

Tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, một trong chính quyền địa phương nợ nần nhiều nhất Trung Quốc, một công ty mà chính quyền hợp tác gây phẫn nộ vì tăng phí đỗ xe lên quá cao, khiến những người lái xe đi làm từ vùng ngoại ô tốn hàng ngàn nhân dân tệ mỗi tháng.

Một cư dân mạng đăng ảnh chụp hóa đơn thu phí đỗ xe hồi tháng 3, cho thấy phí đỗ xe gần văn phòng của anh ở Nam Ninh tốn khoảng 100 nhân dân tệ (14 đô la) mỗi ngày. “Có phải chính quyền Nam Ninh đang phát điên vì kiếm tiền rồi không?”, người này viết trên một bài đăng trên mạng xã hội.

Sau khi nhiều người dùng trên Weibo đặt câu hỏi về tính hợp pháp của quyết định tăng phí đỗ xe, thị trưởng của  thành phố Nam Ninh, Hou Gang đã cúi đầu xin lỗi trong một cuộc họp báo. Chính quyền cũng thông báo dừng hợp tác thu phí đỗ xe với công ty liên quan và cam kết cải thiện hệ thống đỗ xe cũng như xây dựng mức phí hợp lý hơn.

Những vụ xử phạt và tăng phí gây tranh cãi như vây dường như cho thấy các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang xem biện pháp xử phạt hành chính là giải pháp để củng cố nguồn thu cho ngân sách.

Theo truyền thông nhà nước, một cuộc kiểm tra của Quốc vụ viện Trung Quốc hồi năm ngoái phát hiện thấy rằng sau đại dịch Covid-19 và những khó khăn kinh tế khác, chính sách xử phạt hành chính của chính quyền địa phương đã trở nên nghiêm khắc.

Chỉ riêng Quảng Tây đã thu được 13 tỉ nhân dân tệ (1,82 tỉ đô la) từ tiền phạt vào năm ngoái, theo phân tích dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu công nghiệp Caijing. Số tiền này tương đương với khoảng 14% thu nhập thuế của Quảng Tây, tăng từ mức 9% vào năm 2021.

“Đó là dấu hiệu của sự tuyệt vọng. Các khoản tiền phạt tùy tiện và lạm dụng quá mức sẽ khiến các doanh nghiệp bỏ đi, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Victor Shih, giáo sư tại Đại học California ở San Diego (Mỹ), chuyên nghiên cứu về chính sách ngân hàng của Trung Quốc, nhận định.

Các chính quyền địa phương của Trung Quốc đã hứng chịu hai đòn giáng gồm đại dịch Covid-19 và cuộc chấn chính nợ ở lĩnh vực lĩnh bất động sản từ Bắc Kinh trong những năm gần đây. Điều này khiến nguồn thu của họ giảm mạnh, không đủ để chi trả lương và xây dựng đường sá trong khi chịu áp lực trả các khoản nợ. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính tổng nợ chính quyền địa phương ở Trung Quốc là khoảng 23 nghìn tỉ đô la Mỹ, bao gồm các khoản vay ngầm của hàng nghìn công ty tài chính do các tỉnh và thành phố thành lập.

Chính phủ trung ương đã nhắc lại trong tháng này rằng các chính quyền địa phương phải tự giải quyết các vấn đề nợ tiềm ẩn. Chỉ thị đó khiến các quan chức địa phương phải sáng tạo hơn để cải thiện nguồn thu và đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Năm ngoái, một cửa hàng tạp hóa ở tỉnh Thiểm Tây đã bị phạt 66.000 nhân dân tệ (9.240 đô la) vì bán 2,5 kg cần tây kém chất lượng. Trong khi đó, hồi tháng 8 năm ngoái, các quan chức ở Quảng Đông bị phát hiện làm giả bằng chứng để phạt xe tải bị nghi ngờ đổ rác trái phép.

“Các khoản phí và tiền phạt sẽ được chú ý hơn khi tăng trưởng kinh tế chậm lại, vì đây là những thứ mà các quan chức địa phương kiểm soát hàng ngày”, Liqian Ren, giám đốc chiến lược đầu tư Modern Alpha của WisdomTree Asset Management, nói và cho biết thêm các biện pháp như vậy chỉ là giải pháp tạm thời cho vấn đề tài chính thâm hụt.

Khi những trường hợp xử phạt và tăng phí gây ra sự phẫn nộ trên cộng đồng mạng, Bắc Kinh bắt đầu tăng cường giám sát. Sau vụ tăng phí đỗ xe gây bức xúc ở Quảng Tây vào tháng trước, chính quyền các thành phố ở Giang Tô, Nội Mông, Chiết Giang và Sơn Đông cũng bắt đầu chấn chỉnh mức phí đỗ xe đắt đỏ.

Hồi tháng 2, Thủ tướng Trung Quốc, lúc đó là ông Lý Khắc Cường, kêu gọi các tỉnh “kiên quyết chấm dứt các khoản phạt và  khoản phí tùy tiện”.

Các khoản phạt và thuế phí như vậy không có khả năng tạo ra sự khác biệt đối với với ngân sách đang thâm thủng của các chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Zerlina Zeng, nhà phân tích tín dụng cấp cao của CreditSights Singapore, cho biết, tăng cường xử phạt vẫn là một biện pháp quan trọng khi các tỉnh phải tự gánh vác vấn đề tài chính.

Bà cho rằng khi các khoản tiền phạt và các gánh nặng tuân thủ pháp lý khác “giết chết” doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính quyền địa phương sẽ càng mất nguồn thu nhập từ thuế, và càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào tiền phạt và các khoản tài chính được rót từ chính quyền trung ương.

“Điều này có thể gây bất lợi cho môi trường kinh doanh địa phương và dẫn đến một vòng luẩn quẩn ở những khu vực yếu kém”, bà cảnh báo.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới