(KTSG Online) - Nhiều công ty Mỹ áp dụng chiến lược “tích trữ” nhân viên thay vì sa thải khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Với thị trường lao động đang thắt chặt, doanh nghiệp lo ngại sẽ khó tuyển dụng khi hoạt động kinh doanh phục hồi.
- Giới trẻ Mỹ bỏ qua đại học để gia nhập thị trường lao động đang ‘nóng’
- Nhà máy ở Mỹ chật vật tuyển dụng công nhân
Khi những cơn bão ập đến các trang trại ở bang California vào mùa đông năm ngoái, Kevin Kelly biết rằng nhà máy nhỏ sản xuất bao bì đựng thực phẩm của ông ở ngoại ô thành phố San Francisco sẽ sớm chứng kiến nhu cầu giảm.
Trong các biến cố làm giảm nhu cầu tương tự trước đây, Kelly nhanh chóng cắt giảm 10% số công nhân, tương đương khoảng 15 người. Tuy nhiên, sau khi phải vật lộn để tuyển đủ công nhân trong giai đoạn bùng nổ mua sắm vào thời kỳ đại dịch Covid-19, ông không làm như vậy trong đợt khó khăn này.
“Tôi biết sẽ khó thuê được công nhân khi hoạt động kinh doanh bình thường trở lại chứ chưa nói đến việc đào tạo họ”, Kelly, CEO của Emerald Packaging nói.
Vì vậy, ông đã giữ chân công nhân nhưng tìm mọi cách để hạn chế số giờ làm việc, bao gồm cả việc cắt giảm thời gian làm thêm giờ.
Hiện nay, các nhà tuyển dụng trên khắp đất nước Mỹ cũng đang thực hiện chiến lược tương tự. Đối mặt với thị trường lao động thắt chặt nhất trong nhiều thập niên, nhiều chủ sở hữu lao động không sẵn sàng sa thải nhân viên, ngay cả khi nền kinh tế đang có dấu hiệu hạt nhiệt.
Báo cáo hàng tháng của Challenger, Grey & Christmas, công bố hôm 3-8, cho thấy trong tháng trước, các thông báo sa thải ở Mỹ rơi xuống mức thấp trong gần một năm khi các công ty “mệt mỏi vì phải sa thải những công nhân cần thiết”.
Không rõ liệu chiến lược này, được các nhà kinh tế gọi là “tích trữ lao động” sẽ tồn tại lâu không nếu nền kinh tế Mỹ rơi vào cơn suy thoái sâu thoái sâu sắc như một chuyên gia đã dự đoán sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) triển khai chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên để kiểm soát lạm phát.
Tin tốt là cho đến nay, dù chậm hơn nhưng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng và thị trường việc làm tiếp tục ổn định. Hôm 4-8, Bộ Lao động Mỹ cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của đất nước trong tháng 7 giảm xuống còn 3,5%, sát với mức thấp kỷ lục. Một số công ty lớn đã áp dụng chiến lược “tích trữ” nhân viên chính thức.
Trao đổi với các nhà đầu tư vào tháng 12 năm ngoái, Alan H. Shaw, CEO của Công ty đường sắt Norfolk Southern, cho biết để cạnh tranh tốt hơn với vận tải đường bộ, công ty cần tránh sa thải công trong thời kỳ suy thoái để sau đó chật vật tuyển dụng lại khi nền kinh tế được cải thiện. Những khó khăn trong việc đưa công nhân trở lại làm việc đã ảnh hưởng đến khả năng phục vụ khách hàng của công ty trong thời kỳ mua bùng nổ thời đại dịch.
Chiến lược tích trữ nhân viện hiện đang bị thử thách vì khối lượng vận chuyển đường sắt đã giảm trở lại. “Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển dụng vì tin tưởng vào nền kinh tế và người tiêu dùng Mỹ”, Shaw nói.
Nhiều công ty không tuyển dụng với tốc độ chóng mặt như một năm trước nhưng cũng không vội vã thu hẹp đội ngũ nhân viên.
Cơ hội việc làm ở Mỹ trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, theo cuộc khảo sát hàng tháng được Bộ Lao động Mỹ công bố trong tuần này. Tuy nhiên, các quyết định sa thải và nghỉ việc không tự nguyện cũng đạt mức thấp nhất trong sáu tháng.
“Có rất nhiều hoạt động tích trữ nhân viên đang diễn ra và vẫn còn rất nhiều hoạt động tuyển dụng trong các ngành đang có nhu cầu cao”, Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng của Conference Board ở New York nói.
Cuộc khảo sát mới nhất của Conference Board về niềm tin của CEO cho thấy, trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tiếp tục ứng phó cơn suy thoái tiềm ẩn thì cuộc chiến giành giật người lao động vẫn diễn ra khốc liệt. 40% CEO cho biết, có kế hoạch tăng tuyển dụng trong 12 tháng tới. 40% CEO khác dự định duy trì quy mô lực lượng lao động.
Cũng theo kết quả của cuộc khảo sát, hầu hết các CEO đều kỳ vọng đợt suy thoái đối với kinh tế Mỹ trong thời gian tới, nếu diễn ra thì sẽ rất ngắn và nông. “Nếu đúng như vậy, bạn nên giữ lực lượng lao động của mình”, Peterson nói.
Arnold Kamler, CEO của Kent Internationa, đã rút ra bài học chiến lược tích trữ lao động sau khi vấp phải kinh nghiệm đau thương. Nhu cầu về những chiếc xe đạp mà công ty này nhập khẩu và sản xuất tại một nhà máy nhỏ ở Nam Carolina vô cùng lớn trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, doanh số bán xe đạp bốc hơi và hàng tồn kho chất đống trong kho của công ty và thậm chí ở các góc của nhà máy.
Ông đã sa thải 60% công nhân tại nhà máy ở Nam Carolina vào cuối năm ngoái. Một quyết định khiến doanh nhân này hối hận.
“Tôi nghĩ rằng khi tuyển dụng lại vào tháng 3, chúng tôi sẽ không gặp vấn đề gì”, ông nói và cho biết, chỉ khoảng 1/3 công nhân quay trở lại sau khi bị sa thải. Vì vậy, công ty đang chật vật tìm kiếm và đào tạo công nhân mới. Nhà máy hiện có 85 công nhân nhưng Kamler muốn có 110 người.
Theo Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của ZipRecruiter ở Los Angeles, các nhà tuyển dụng đang cho biết, đang giữ lại những công nhân mà bình thường họ không giữ lại. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng này cho rằng, không có nhiều doanh nghiệp đang giữ chân những người lao động dư thừa.
Thomas Simons, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hành Jefferies, nhận định ở một giai đoạn nào đó, các doanh nghiệp sẽ muốn cải thiện biên lợi nhuận thay vì giữ lại những nhân viên dư thừa như giải pháp đề phòng cho khó khăn trong việc tuyển dụng lại sau này.
Tuy nhiên, vào tuần trước khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới hàng tuần đạt mức thấp nhất kể từ tháng 2, chuyên gia này đã cho rằng, “quan điểm đó ngày càng trở nên khó bảo vệ”.
Trong khi đó, tại Công ty Emerald Packaging, hoạt động kinh doanh đã phục hồi sau tình trạng suy giảm do cơn bão mùa đông hồi cuối năm ngoái.
“Chúng tôi đang thực sự kiếm được nhiều tiền hơn so với khi nhu cầu tăng vọt vì giá nguyên liệu thô như nhựa nhiệt dẻo tăng cao làm giảm lợi nhuận trong thời kỳ nhu cầu bùng nổ”, CEO Kevin Kelly nói và cho biết, vẫn tiếp tục tuyển dụng vì còn thiếu từ 15 đến 18 công nhân.
Theo Reuters