Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các công ty nước ngoài hưởng lợi lớn nhất từ luật khí hậu của Mỹ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các công ty nước ngoài, chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là những bên được hưởng lợi lớn nhất từ chương trình đầu tư gần 370 tỉ đô la Mỹ cho năng lượng xanh để bảo vệ khí hậu trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ.

Panasonic ước tính kiếm được hơn 2 tỉ đô la Mỹ tín dụng thuế mỗi năm dựa trên công suất của các nhà máy pin mà công ty đang vận hành hoặc đang xây dựng ở bang Nevada và bang Kansas của Mỹ. Ảnh: Nikkei Asia

Phân tích của The Wall Street Journal (WSJ) cho thấy, kể từ khi ban hành một năm trước, đạo luật IRA đã thúc đẩy gần 110 tỉ đô la đầu tư vào các dự án năng lượng sạch ở Mỹ. Các công ty có trụ sở ở nước ngoài, phần lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tham gia vào các dự án chiếm hơn 60% số tiền đầu tư đó. 15 trong số 20 khoản đầu tư lớn nhất cho năng lượng sạch được rót vào các nhà máy sản xuất pin, chủ yếu liên quan đến các doanh nghiệp nước ngoài.

Các nhà sản xuất nước ngoài trong dự án nhà máy pin này có thể nhận tín dụng thuế từ IRA, khiến doanh nghiệp trong mảng này trở thành một trong bên được hưởng lợi nhiều nhất từ luật bảo vệ khí hậu của Mỹ. Các khoản tín dụng thường gắn với khối lượng sản xuất để khuyến khích những nhà đầu tư lớn nhất.

Panasonic của Nhật Bản là một trong số ít công ty ước tính công khai số tiền được hưởng này của đạo luật IRA. Panasonic cho biết, có thể kiếm được hơn 2 tỉ đô la tín dụng thuế mỗi năm dựa trên công suất của các nhà máy pin mà công ty đang vận hành hoặc xây dựng ở bang Nevada và bang Kansas.

Panasonic đang xem xét xây dựng nhà máy pin thứ ba ở Mỹ. Điều này có nghĩa là số tiền tín dụng thuế mà công ty nhận được sẽ còn tăng. Panasonic là nhà cung cấp pin của Tesla.

Đạo luật IRA được thiết kế để xây dựng chuỗi cung ứng trong nước cho các ngành năng lượng xanh. Tuy nhiên, trong thực tế, công nghệ chế tạo pin và thiết bị năng lượng tái tạo lại nằm trong tay các công ty nước ngoài. Vì vậy, chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy các công ty này đầu tư vào Mỹ.

“Đó là bằng chứng cho thấy chúng ta vẫn đang sống trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Bạn không thể đột nhiên dựng lên các biên giới và yêu cầu sản phẩm này phải được sản xuất tại Mỹ bởi các công ty Mỹ”, Aniket Shah, người đứng đầu bộ phận chiến lược quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp ( ESG) của ngân hàng đầu tư Jefferies nhận xét.

Các chuyên gia ước tính, đạo luật IRA có thể thu hút khoảng 3 nghìn tỉ đô la đầu tư cho năng lượng sạch trong thập niên tới. Các công ty Mỹ, gồm hãng xe điện Tesla, nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời First Solar và nhà sản xuất nhiên liệu hydrogen Air Products & Chemicals cũng đang đầu tư mạnh mẽ để tận dụng các ưu đãi của IRA.

Tuy nhiên, sẽ mất nhiều năm để xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch đầy đủ tại Mỹ vì các công ty nước ngoài thống trị gần như mọi công đoạn trong quy trình sản xuất pin, từ vật liệu thô đến các linh kiện phức tạp.

Các khoản đầu tư lớn của các doanh nghiệp nước ngoài nhìn chung được các cộng đồng người dân Mỹ hoan nghênh. Chỉ có một số khoản đầu tư từ các công ty Trung Quốc vấp phải phản ứng dữ dội khi căng thẳng giữa hai nước leo thang.

Gần 8 tỉ đô la của ít nhất 10 trong số các dự án mà WSJ phân tích có liên quan đến các công ty có trụ sở tại Trung Quốc hoặc có quan hệ đáng kể với Trung Quốc thông qua các hoạt động cốt lõi hoặc các nhà đầu tư lớn.

Trong số các dự án đối mặt với làn sóng phản đối có hai dự án ở bang Michigan. Đó là nhà máy sản xuất pin trị giá 3,5 tỉ đô la mà Ford đang xây dựng dựa vào công nghệ và chuyên môn từ hãng pin lớn nhất thế giới CATL của Trung Quốc và nhà máy sản xuất linh kiện pin trị giá 2,4 tỉ đô từ Gotion, cũng có trụ sở tại Trung Quốc.

Ford giữ 100% quyền sở hữu nhà máy sản xuất pin ở Michigan, một phần để tránh nguồn vốn công chảy vào CATL. Ford đã được cấp phép sử dụng công nghệ và dịch vụ sản xuất pin của CATL.

Thế nhưng, những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc cho rằng, các khoản thanh toán cấp phép công nghệ mà Ford trả cho CATL có nghĩa là công ty Trung Quốc này hưởng lợi ích gián tiếp từ sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ.

“Những gì chúng ta đang thấy là chính sách đối ngoại mâu thuẫn với chính sách khí hậu và chính sách thương mại. Với tư cách là một quốc gia, chúng ta sẽ phải quyết định điều gì quan trọng hơn: sự thù địch của chúng ta với Trung Quốc hay mong muốn khử carbon một cách nhanh chóng”, Shah nói.

Công ty khởi nghiệp Microvast, trụ sở tại Texas hiện có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất linh kiện pin trị giá hơn 500 triệu đô la ở Kentucky. Năm ngoái, công ty này được xem ứng cử viên nhận khoản tài trợ 200 triệu đô la từ Bộ Năng lượng Mỹ (DOE). Tuy nhiên, sau đó, DOE từ chối đơn xin cấp tài trợ của Microvast. Động thái này diễn ra sau các nghị sĩ đảng Cộng hòa lên tiếng chỉ trỉ mối quan hệ của Microvast với Trung Quốc, bao gồm một công ty con ở Trung Quốc đóng góp đến 60% doanh thu của Microvast.

DOE cho biết, sẽ tính đến một số yếu tố khi đánh giá các dự án như vậy, bao gồm rủi ro công nghệ và khả năng ảnh hưởng từ nước ngoài. Microvast khẳng định bản thân là công ty Mỹ và CEO Yang Wu là công dân Mỹ nhưng gần đây, công ty đã loại bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy ở Kentucky.

“Chúng ta phải đảm bảo rằng những đồng tiền thuế của người dân sẽ không được chuyển cho người Trung Quốc”, Cathy McMorris Rodgers, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và thương mại của Hạ viện Mỹ nói.

Vấn đề dự kiến ​ được giải quyết khi Bộ Tài chính Mỹ hoàn thành các hướng dẫn về tín dụng thuế dành cho xe điện. Cơ quan này này đã đề xuất rằng xe điện sử dụng vật liệu pin được sản xuất bởi một “tổ chức nước ngoài đáng lo ngại” chẳng hạn như một công ty Trung Quốc sẽ không đủ điều kiện nhận tín dụng thuế bắt đầu từ năm 2025.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới