(KTSG Online) - Ngày càng nhiều công ty có quy mô toàn cầu tự đặt ra mức giá hoặc tính phí cho mỗi tấn khí thải carbon của doanh nghiệp. Mục đích là giúp định hình kế hoạch đầu tư và kinh doanh hiệu quả để ứng phó các khoản thuế ô nhiễm trong tương lai hoặc các quy định mới khác về khí hậu khác.
- IMF: Nếu không đánh thuế carbon, nợ công của các nước sẽ tăng mạnh
- Thách thức mới khi EU ‘chặn’ dòng sản phẩm phát thải carbon cao
Giá carbon mà các công ty toàn cầu tự đặt ra dao động rất rộng, từ dưới 1 đô la đến 1.600 Mỹ cho mỗi tấn khí thải carbon. Các cơ quan quản lý cũng gợi ý nhiều mức giá. Chẳng hạn, chính quyền Tổng thống Joe Biden ước tính “chi phí xã hội” của carbon, khoảng 200 đô la/tấn. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đề xuất mức giá carbon ít nhất phải 85 đô la/tấn vào năm 2030.
Việc đưa chi phí phát thải carbon và các loại khí nhà kính khác vào các quyết định kinh doanh là những gì mà các nhà hoạt động khí hậu vận động trong nhiều thập niên như một giải pháp để buộc các tập đoàn lớn cắt giảm khí thải.
Giá carbon tiêu chuẩn toàn cầu sẽ không được ấn định tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 đang diễn ra ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất). Tuy nhiên, việc tự định giá carbon có nhiều ứng dụng trong kinh doanh chẳng hạn như cho phép các nhà điều hành doanh nghiệp tính phí thêm cho các bộ phận kinh doanh đang sử dụng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch. Điều này cũng có nghĩa là năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn hơn đối với doanh nghiệp .
“Các công ty có những chiến lược khác khi tự định giá carbon. Những công ty không sử dụng công cụ này có thể không lập kế hoạch đầy đủ cho thực tế trung và dài hạn về chi phí carbon”, Amir Sokolowski, giám đốc toàn cầu về biến đổi khí hậu của Dự án Công khai tác động của khí thải carbon (CDP), bình luận.
Một phân tích của CDP cho thấy, 20% trong số 5.345 công ty toàn cầu công bố thông tin liên quan đến khí hậu cho biết, doanh nghiệp đã sử dụng giá carbon nội bộ hồi năm ngoái, tăng từ mức 17% của năm trước; 22% cho biết đang dự định thực hiện điều này trong hai năm tới. Tuy nhiên, các công ty này vẫn chưa thống nhất mức giá carbon nào sẽ thúc đẩy hành động cắt giảm khí thải.
Mộ số nhà phân tích nói với Reuters rằng, một số lãnh đạo doanh nghiệp đã sẵn sàng tuân thủ các quy định giảm phát thải mới ngay cả khi chưa nắm rõ về những gì sắp xảy ra.
Theo Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel của Đại học Columbia, các công ty đang sẵn sàng cho thực tế rằng chi phí carbon là điều cần thiết. Tuy nhiên, mức giá carbon trung bình vẫn còn quá thấp để tác động lớn đến việc ra quyết định của doanh nghiệp.
Các công ty đứng trước sự lựa chọn không hề dễ dàng vì sử dụng mức giá carbon cao có thể làm thay đổi đáng kể các kế hoạch đầu tư nhưng nếu sử dụng mức giá carbon thấp thì lại có thể bị cáo buộc là “tẩy rửa xanh”, có nghĩa là chỉ “làm màu” để tự quảng cáo công ty hoạt động thân thiện với môi trường.
Một số lãnh đạo công ty cho biết, kế hoạch định giá carbon nội bộ giúp công ty cắt giảm lượng khí thải và làm rõ tác động của chi tiêu vốn và các hoạt động kinh doanh khác đối với hành tinh.
Theo Joe Speicher, giám đốc bền vững của nhà sản xuất phần mềm Autodesk (Mỹ), giá thị trường của tín chỉ phát thải carbon có thể dao động từ 5-1.500 đô la/tấn. Autodesk đã liên tục tăng giá carbon nội bộ và hiện đã tăng lên mức 20 đô la/tấn.
Theo ông, lý tưởng nhất là các cơ quan quản lý sẽ làm rõ cách các công ty nên xử lý chi phí phát thải. Công ty dùng giá carbon để giúp xác định những vấn đề như giá trị của khoản đầu tư vào các dự án thu giữ carbon.
Có nhiều thị trường carbon khác nhau đang hoạt động trên toàn cầu, trong đó có Hệ thống thương mại khí thải châu Âu (ETS), nơi carbon hiện giao dịch quanh mức 70 đô la/tấn. Nhiều công ty đã thiết kế cơ chế định giá carbon nội bộ.
Theo Jonas Otterheim, người đứng đầu bộ phận hành động vì khí hậu của hãng xe Volvo (Thụy Điển), khi lên kế hoạch áp dụng định giá carbon nội bộ, hãng không thể tìm ra một mô hình tốt để học hỏi vì có rất ít công ty làm như vậy trước đây.
Volvo đã tự định giá carbon là 1.000 krona mỗi tấn, tương đương 92 đô la, trong các quyết định từ việc sản xuất mẫu xe nào cho đến sử dụng vật liệu gì trong các nhà máy. Ví dụ, việc bổ sung chi phí ô nhiễm carbon vào nhôm khiến Volvo ưu tiên nhôm được sản xuất bằng năng lượng tái tạo, vốn phát thải carbon ít hơn 25% so với với nhôm được sản xuất theo quy trình thông thường.
Tương tự, Volvo đã xem xét lại chi phí thực tế của những mẫu xe lớn khi các quy định siết chặt phát thải hơn của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực. Otterheim cho biết, những mẫu xe lớn có biên lợi nhuận cao hơn nhưng nếu tính thêm phí khí thải thì có thể sẽ không còn hấp dẫn để sản xuất nữa.
Nhà sản xuất dược phẩm Amgen ở bang California (Mỹ) định giá carbon nội bộ là 1.000 đô la/tấn đối với các dự án có mức phát thải cao. Số tiền thu được sau đó sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án cắt giảm khí thải.
“Các dự án bền vững có chi phí cao hơn các dự án truyền thống nhưng được coi là hợp lý để lên kế hoạch đầu tư nếu giúp giảm chi phí carbon 1.600 đô la/tấn”, báo cáo công bố khí thải 2032 của Amgen cho biết. Amgen đặt mục tiêu trung hòa carbon (Net Zero) trong hoạt động kinh doanh vào năm 2027.
Gunther Thallinger, thành viên hội đồng quản trị của hãng bảo hiểm Allianz của Đức và là thành viên của Hội đồng tư vấn khí hậu của Liên hợp quốc, nhận định một thị trường carbon toàn cầu toàn diện sẽ là “cú hích lớn” cho nỗ lực cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, sự biến động về giá hiện tại là một vấn đề, đặc biệt với một số mức giá carbon chỉ dưới 5 đô la/tấn. “Tôi lo ngại điều này đang đi theo hướng tẩy rửa xanh”, ông nói.
Theo Reuters