Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các công ty xứ kim chi chạy đua ứng phó Covid-19

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các công ty xứ kim chi chạy đua ứng phó Covid-19

Khánh Lan

(TBKTSG Online) – Hai hãng điện tử hàng đầu Hàn Quốc, Samsung và LG, cùng nhiều doanh nghiệp khác tại nước này đang gấp rút triển khai các biện pháp ngăn ngừa sự tấn công của dịch virus corona chủng mới (Covid-19) có thể tác động đến hoạt động sản xuất của họ.

Các công ty xứ kim chi chạy đua ứng phó Covid-19
Nhân viên mang đồ bảo hộ khử trùng một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc hôm 24-2. Ảnh: AP

Nhiều công ty áp dụng biện pháp cách ly, làm việc tại nhà

Tính đến hôm 24-2, tổng số ca nhiễm virus Covid-19 tại Hàn Quốc đã lên 833, gần gấp đôi so với hai ngày trước đó. Đà lây lan nhanh của dịch bệnh tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp ở nước này và buộc họ phải chạy đua ứng phó.

Cuối tuần trước, Samsung quyết định đóng cửa một nhà máy sản xuất mẫu điện thoại màn hình gập mới ra mắt Galaxy Z Flip ở TP. Gumi, nằm không xa TP. Daegu, tâm điểm của cơn bùng phát dịch Covid-19, sau khi một công nhân ở đây được xác nhận dương tính với virus corona.

Samsung cũng yêu cầu khoảng 1.500 công nhân khác ở nhà máy này phải tự cách ly. Một nguồn tin tiết lộ trong số công nhân này, có đến 900 người đi làm từ TP. Deagu.

Samsung cho biết nhà máy đã hoạt động trở lại chiều 24-2 và khẳng định hoạt động sản xuất chip và màn hình ở các nhà máy khác tại Hàn Quốc sẽ không bị ảnh hưởng. Thế nhưng chốt phiên giao dịch hôm thứ Hai, giá cổ phiếu của công ty giá trị nhất Hàn Quốc vẫn giảm sâu hơn 4%.

Nhà máy của Samsung ở Gumi chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tổng sản lượng smartphone hàng năm của hãng này nhưng chuyên sản xuất các dòng smartphone cao cấp và màn hình gập bao gồm Galaxy Z Flip.

Cùng ngày, hãng điện tử lớn thứ hai Hàn Quốc LG cho biết đã đóng cửa một trung tâm nghiên cứu và phát triển ở TP. Incheon trong tuần trước vì con của một nhân viên làm việc ở trung tâm này được xác nhận nhiễm Covid-19.

Hàng trăm nhân viên khác của trung tâm phải làm việc từ xa tại nhà. LG, đang vận các nhà máy sản xuất tivi ở khu công nghiệp Gumi, cũng yêu cầu những nhân viên cư trú ở Daegu phải làm việc ở nhà.

Hãng sản xuất màn hình LG Display, một công ty con khác của Tập đoàn LG, cũng yêu cầu các nhân viên từng đến khu vực Daegu trong thời gian gần đây không được đến văn phòng làm việc trong hai tuần.

Hôm 20-2, hãng chip SK Hynix yêu cầu 800 công nhân ở một nhà máy ở TP. Incheon phải tự cách ly sau khi phát hiện một thực tập sinh có tiếp xúc gần gũi với một bệnh nhân Covid-19 ở Daegu. 

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Công ty hóa dầu GS Caltex. Sau khi nhận thấy một số nhân viên có thể đã tiếp xúc với người đã nhiễm virus Covid-19, công ty này đã đóng cửa trung tâm nghiên cứu và phát triển ở TP. Daejeon, nằm giữa Daegu và Seoul.

Giữa tuần trước, hãng thép Hyundai Steel thuộc Tập đoàn Hyundai Motor, quyết định đóng cửa một phần của nhà máy tại TP. Pohang, tỉnh Bắc Gyeongsang sau khi một công nhân ở nhà máy này được xác nhận nhiễm Covid-19. Hyundai Steel đã khử trùng toàn bộ nhà máy và yêu cầu tất cả công nhân tự cách ly.

Hãng xe lớn nhất Hàn Quốc Huyndai cũng đang trong tình trạng báo động do nguồn cung linh kiện bị gián đoạn ở Trung Quốc và cái chết gần đây do nhiễm Covid-19 của một nhân viên làm việc ở nhà cung cấp của Huyndai tại TP. Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, gần nhà máy của Huyndai ở TP. Ulsan.

Có ít nhất 6 công nhân của Huyndai ở Ulsan bị yêu cầu tự cách ly tại nhà, trong đó có 4 người có liên quan đến nhà thờ của một giáo hội tại Daegu, nơi xuất hiện nhiều ca nhiễm nhất.

Hãng xe này đã hạn chế người ngoài đi vào tòa nhà trụ sở tại Seoul để ngăn ngừa nguy cơ lây lan virus Covid-19 đồng thời ngưng phỏng vấn tuyển dụng nhân viên mới. Huyndai cho biết đã trang bị camera tầm nhiệt ở tất cả nhà máy và văn phòng trên toàn quốc để giám sát thân nhiệt của nhân viên.

Tập đoàn SK cho biết 6 công ty con bao gồm Công ty hóa dầu SK Innovation và Công ty viễn thông SK Telecom cho phép nhân viên làm việc tại nhà trong những tuần tới.

Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc khuyến nghị 180.000 công ty thành viên sử dụng mô hình làm việc tại nhà và các công cụ hội nghị trực tuyến qua video để điều hành hoạt động kinh doanh.

Ngành bán lẻ, du lịch, hóa dầu điêu đứng

Trung tâm dịch vụ của hãng điện tử Samsung ở Seoul đóng cửa vào hôm 22-2 sau khi một khách hàng nhiễm Covid-19 ghé đến trung tâm này. Ảnh: Yonhap

Bán lẻ là ngành chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19 tại Hàn Quốc. Nhiều siêu thị, cửa hàng bách hóa và cửa hàng miễn thuế của các công ty bán lẻ lớn như Lotte Department Store, Shinsegae Department Store, E-mart, Homeplus, Shilla Duty Free và Lotte Duty Free buộc phải tạm thời đóng cửa vì có những khách hàng được xác định nhiễm virus Covid-19 ghé đến trong thời gian gần đây.

Họ ước tính đã tổn thất doanh thu hơn 200 tỉ won (165 triệu đô la Mỹ) do đóng cửa trong tháng qua.

Trong khi đó, ngành du lịch của Hàn Quốc đang điêu đứng khi chứng kiến lượng đơn đặt phòng, đặt tour giảm 80-90% trong tháng này. Ba công ty lữ hàng lớn nhất Hàn Quốc đều đã chuyển sang quy trình vận hành trong tình trạng khẩn cấp.

Hana Tour, hãng lữ hành lớn nhất Hàn Quốc, cho biết sẽ bắt đầu giảm ngày làm việc xuống 3 ngày mỗi tuần trong vòng hai tháng bắt đầu từ tháng 3 và nhân viên sẽ bị cắt giảm 20% lương.

Hãng lữ hàng lớn thứ hai Hàn Quốc Mode Tour cho nhân viên nghỉ phép lên đến hai tháng nhưng chỉ được hưởng tối đa 70% lương.

Ngành vận biển của Hàn Quốc cũng không thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng dịch Covid-19 do hoạt động vận chuyển hàng hóa và linh kiện với Trung Quốc giảm mạnh.

Nhu cầu đi lại hàng không giảm và vận tải biển giảm cùng với doanh số xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ sang Trung Quốc giảm đang gây tổn thương cho các công ty hóa dầu Hàn Quốc.

Công ty hóa dầu lớn nhất Hàn Quốc SK Innovation đã hạ dự báo lợi nhuận hoạt động trong quí này xuống 70% so với mức dự báo cách đây một tháng.

Tương tự, S-Oil, công ty hóa dầu lớn thứ ba Hàn Quốc cũng hạ dự báo lợi nhuận xuống 82%.

Ngày 24-2, tại cuộc họp với các trợ lý ở Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-moon nói rằng chính phủ sẽ cân nhắc kế hoạch bổ sung ngân sách khẩn cấp để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh và giảm nhẹ tác động kinh tế của nó.

Bộ Thương mại Hàn Quốc, Cơ quan Xúc tiến đầu tư và Thương mại Hàn Quốc cùng nhiều ban ngành hữu quan đang thành lập một hệ thống hỗ trợ các công ty đang chịu thiệt hại do các nhà máy của họ dừng hoạt động tại Trung Quốc.

Hôm 19-2, hãng xếp hàng tín dụng toàn cầu Standard and Poor’s (S&P) hạ dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc từ 2,1% xuống còn 1,6% trong năm nay khi cho rằng nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Theo Korea Herald, Yonhap, Arirang News

Vị trí đặt bình chọn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới