Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các cuộc gặp thượng đỉnh bên lề APEC 2014 và một số thành quả

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các cuộc gặp thượng đỉnh bên lề APEC 2014 và một số thành quả

Phúc Minh

(TBKTSG Online) – Ngày 10-11, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2014 khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham dự của lãnh đạo 21 nước thành viên. Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo được xem là sự kiện đáng chú ý và đạt được một số thành quả.

Các cuộc gặp thượng đỉnh bên lề APEC 2014 và một số thành quả
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ tư, từ trái) hội đàm với các nhà lãnh đạo quốc gia tại Diễn đàn APEC 2014 ở Bắc Kinh. Ảnh toadayonline.com

Mỹ-Trung nới lỏng thời hạn thị thực

Ngày 10-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến bên lề hội nghị APEC. Ông Obama kêu gọi Trung Quốc mở cửa các thị trường, tiến hành chuyển đổi tiền tệ và khẳng định Mỹ có lợi ích khi Trung Quốc phồn thịnh. Ông Obama nói: "Mỹ ủng hộ sự trỗi dậy của một Trung Quốc phồn thịnh, hòa bình và ổn định”. Ông Obama cũng hy vọng cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Phát biểu tại hội nghị APEC ngày 10-11, Tổng thống Obama thông báo Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận lãnh sự về việc gia tăng thời hạn hiệu lực đối với thị thực cấp cho công dân hai nước.

Theo thỏa thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 12-11, Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng thời hạn cấp cho thị thực cho du khách và thương nhân hai nước từ 1 năm lên 10 năm. Trong khi đó, thị thực cho du học sinh được tăng thời hạn từ 1 năm lên 5 năm. Đây được xem là thay đổi đáng kể vì hiện nay, chỉ có công dân các nước có mối quan hệ gần gũi với Mỹ như Liên minh châu Âu (EU) và Brazil mới nhận được những ưu tiên này.

Theo ông Obama, thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Obama cho biết năm 2013, khoảng 1,8 triệu người Trung Quốc đã đến Mỹ, đóng góp 21 tỉ đô la Mỹ cho nền kinh tế Mỹ và hỗ trợ hơn 100.000 ngàn công ăn việc làm cho công dân Mỹ. Ông Obama hy vọng với thỏa thuận lãnh sự song phương, các con số nói trên sẽ tăng gấp bốn lần trong thời gian tới.

Tổng thống Mỹ-Nga trò chuyện, hy vọng hạ nhiệt căng thẳng  

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc trò chuyện không chính thức ngắn gọn bên lề Hội nghị cấp cao APEC tại Bắc Kinh. Ảnh: WSJ

Ngày 10-11, Tổng thống Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã có cuộc trò chuyện không chính thức ngắn gọn bên lề hội nghị APEC tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, quan chức Mỹ và Nga cho biết hai nhà lãnh đạo "chỉ tiếp xúc trong 5 phút và không có thời gian đề cập đến các vấn đề".

Mặc dù vậy, người ta hy vọng cuộc tiếp xúc này sẽ giúp hai bên cải thiện quan hệ và mở ra cuộc trao đổi chính thức tại Hội nghị G20 ở Úc vào giữa tháng 11-2014 và hạ nhiệt căng thẳng giữa hai cường quốc. Thời gian qua, mối quan hệ Nga – Mỹ vô cùng căng thẳng nên lời chào giữa lãnh đạo được dư luận hết sức chú ý.

Lần cuối ông Obama và ông Putin gặp nhau là vào tháng 6-2014 tại Pháp trong Lễ kỷ niệm 70 năm quân Đồng minh đổ bộ lên đảo Normandy trong Thế chiến II. Nhưng thời điểm đó, họ gần như tránh mặt nhau do cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang.

Nhật-Hàn nhất trí xúc tiến cuộc đàm phán cấp vụ

Tối ngày 10-11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cũng có cuộc trò chuyện khi ngồi cạnh nhau trong bữa tiệc tối của các nhà lãnh đạo APEC.

Theo quan chức Nhật Bản, ông Abe và bà Park "đã thảo luận nhiều vấn đề" và hai nhà lãnh đạo "nhất trí xúc tiến cuộc đàm phán cấp vụ với thái độ hòa nhã" giữa hai bộ ngoại giao.

Lần gần nhất ông Abe và bà Park trò chuyện là vào tháng 3-2014 tại La Hay trong cuộc hội đàm ba bên với Tổng thống Mỹ Obama.

Nhật-Trung tìm cách hòa giải

Trước đó trong ngày 10-11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc họp “phá băng” bên lề hội nghị APEC tại Bắc Kinh sau hơn hai năm căng thẳng trong quan hệ hai nước liên quan đến tranh chấp chủ quyền một nhóm đảo không có người ở trên biển Hoa Đông.

Cuộc họp giữa ông Tập và ông Abe làm dấy lên hy vọng hai nước có thể giảm căng thẳng trong thời gian tới.

Ngày 7-11, hai bên đã ra tuyên bố chung nhất trí nối lại các cuộc đối thoại chính trị, ngoại giao và an ninh.

Nga-Trung ký hàng loạt thỏa thuận

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: WSJ

Ngày 9-11, cũng đã ký 17 thỏa thuận, chủ yếu nhằm thúc đẩy hợp tác năng lượng giữa hai nước.

Một trong các thỏa thuận đáng chú ý nhất là dự án xây dựng một đường ống nhằm cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc trị giá 400 tỉ đô la Mỹ, cung cấp 38 tỉ mét khối khí đốt/năm, theo biên bản ghi nhớ đạt được giữa hai nước vào tháng 5-2014.

Cuộc gặp song phương tại APEC 2014 là cuộc gặp lần thứ 10 giữa nguyên thủ hai nước Nga-Trung trong chưa đầy hai năm, cho thấy Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực đẩy mạnh mối quan hệ đặc biệt giữa hai bên.

Đọc thêm:

>> APEC: Lãnh đạo Nhật – Trung gặp nhau, tìm cách hòa giải

>> Nhật – Trung nhất trí nối lại hội đàm các cấp

>> Nga-Trung ký hàng loạt thỏa thuận tại APEC, cạnh tranh TPP-FTAAP

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới