(KTSG Online) - Vòng đàm phán thứ 3 về hiệp ước ô nhiễm nhựa của Liên hợp quốc chứng kiến các cường quốc dầu mỏ bao gồm Saudi Arabia, Nga và Iran thúc đẩy các đề xuất quản lý rác thải nhựa, thay vì bắt buộc hạn chế sản xuất nhựa theo kêu gọi của nhiều nước khác.
- 169 nước nhất trí soạn dự thảo hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu
- Các nước bất đồng về hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa
Hôm 19-11, sau 7 ngày thảo luận ở Nairobi (Kenya), vòng đàm phán thứ 3 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) về ô nhiễm nhựa của Liên hợp quốc kết thúc trong bế tắc. Bất đồng xảy ra khi các nước sản xuất dầu mỏ ngăn chặn nỗ lực soạn thảo hiệp ước quốc tế ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm giảm ô nhiễm nhựa. Họ đề xuất nên tập trung quản lý rác thải nhựa, thay vì thu hẹp hoạt động sản xuất nhựa.
Vòng đàm phán nhằm đạt được tiến triển trong thỏa thuận về giảm ô nhiễm nhựa giống như Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 về cắt giảm khí thải nhà kính. Nhưng các cuộc đàm phán đã khép lại mà không đưa ra bất kỳ kế hoạch chính thức nào cho công việc soạn dự thảo hiệp ước ô nhiễm nhựa trước vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến tổ chức tại Canada vào tháng 4-2024.
Các đại biểu không đạt được đồng thuận về việc trao cho INC một nhiệm vụ rõ ràng để giải quyết các điểm đàm phán cốt lõi trong hiệp ước dự kiến, bao gồm sản xuất nhựa, hóa chất trong nhựa, vi nhựa và nhựa sử dụng một lần, trước tháng 4.
Tính đến tối 19-11, các chính phủ và quan sát viên đã đệ trình hơn 500 đề xuất sửa đổi đối với các phương án được đưa ra để đàm phán. Nhưng rốt cục, chưa có đề xuất nào được nhất trí.
Graham Forbes, người đứng đầu phái đoàn của tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) tại cuộc thảo luận ở Nairobi, cho biết một số quốc gia đã cản trở những đề xuất có ý nghĩa.
“Bạn không thể giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm trừ khi bạn kiềm chế, giảm thiểu và hạn chế sản xuất nhựa”, Forbes nói.
Theo những người có mặt tại cuộc đàm phán và tài liệu do các đại biểu công bố, Saudi Arabia, Nga và Iran nằm trong số các nước lập luận rằng đề xuất giảm sản xuất nhựa mang tính ràng buộc không nên nằm trong phạm vi đàm phán. Thay vào đó, họ đề xuất phương pháp tiếp cận từ nhỏ đến lớn, mang tính tự nguyện, tập trung vào cải thiện hoạt động tái chế nhựa.
Trong một tuyên bố bằng văn bản, phái đoàn Nga cho rằng việc sản xuất các polymer sơ cấp (các hóa chất dựa trên nhiên liệu hóa thạch để tạo ra nhựa), không nên đưa ra thảo luận trong quy trình đàm phán của Liên hợp quốc và không nên là “một phần của công cụ giảm ô nhiệm nhựa trong tương lai”.
Phái đoàn Iran cho biết, bất kỳ hiệp ước nào cũng nên “loại trừ các giai đoạn khai thác và chế biến nguyên liệu thô (của nhựa)”, vì không có ô nhiễm nhựa nào được tạo ra khi đó.
Tuy nhiên, nghị quyết của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) về giải quyết ô nhiễm nhựa hồi năm ngoái, cho biết, “vòng đời đầy đủ” của nhựa, bao gồm cả sản xuất thượng nguồn, phải được giải quyết thông qua một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.
Điều này cuối cùng có thể tạo ra một thỏa thuận tập trung vào giải quyết các rủi ro đối với khí hậu, đa dạng sinh học và sức khỏe con người do 400 triệu tấn rác thải nhựa được tạo ra trên toàn cầu hàng năm, theo ước tính của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP)
Trước vòng đàm phán mới nhất, Liên minh tham vọng cao về chấm dứt ô nhiễm nhựa, gồm 63 thành viên như Na Uy, Canada, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi dự thảo đầu tiên cần đặt ra các quy định ràng buộc về giảm sản xuất nhựa.
Bất kỳ biện pháp hạn chế sản xuất nhựa nào cũng sẽ là đòn giáng mạnh vào các công ty nhiên liệu hóa thạch. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết thị trường vật liệu nhựa sẽ là động lực thúc doanh thu của ngành dầu khí trong những năm tới, bù đắp cho nhu cầu nhiên liệu suy yếu khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo phân tích của IEA, các sản phẩm hóa dầu như nhựa và phân bón sẽ chiếm hơn 1/3 mức tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2030 và gần một nửa tăng trưởng nhu cầu dầu vào năm 2050.
Các đại diện của ngành hóa dầu đã có mặt tại Nairobi để vận động các giải pháp không yêu cầu hạn chế sản xuất nhựa. 143 nhà vận động hành lang đại diện cho lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch và hóa chất đã đăng ký tham dự vòng đàm phán tại Nairobi.
Ngành này cho rằng cần hỗ trợ nhiều hơn cho “tính tuần hoàn” , trong đó sản phẩm nhựa được tái sử dụng, tái chế.
Các tổ chức thương mại đại diện cho ngành hóa dầu khẳng định nhựa cần thiết trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo và vệ sinh nước uống, thực phẩm.
Theo Benny Mermans, Chủ tịch Hội đồng Nhựa thế giới, các giải pháp hỗ trợ tính tuần hoàn của sản phẩm nhựa “sẽ giúp tránh được những hậu quả khôn lường do những hạn chế về phía nguồn cung đối với một loại nguyên liệu thiết yếu để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.
Các công ty liên quan đến các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đang chịu áp lực ngày càng tăng về trách nhiệm rác thải nhựa
Các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng châu Âu đã đệ đơn khiếu kiện các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống gồm Coca-Cola, Danone và Nestlé vì những tuyên bố sai lệch về khả năng tái chế chai đựng nước giải khát họ. Mới đây, PepsiCo đã bị chính quyền bang New York (Mỹ) kiện với cáo buộc các sản phẩm của công ty gây ra tình trạng ô nhiễm nhựa dọc theo sông Buffalo, được cho là làm ô nhiễm nguồn nước, gây hại cho đời sống hoang dã.
Theo Financial Times