Thứ Tư, 17/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các địa phương lên kế hoạch phục vụ đi lại dịp cao điểm Tết 2024

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, các đơn vị vận tải đã chuẩn bị xong các phương án bố trí phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Những tỉnh thành khác như Hà Nội cũng bố trí thêm tuyến xe; Lâm Đồng đề xuất cho mức phụ thu giá cước tăng từ 40-60% so với hiện hành, Nghệ An đề nghị không tự ý tăng giá cước vận tải.

Ảnh minh họa là một bến xe tại TPHCM. Năm nay, lượng xe phục vụ tại cả 2 bến xe Miền Đông cũ và mới sẽ tăng khoảng 10%. Ảnh: TL

TTXVN thông tin, ở TPHCM, dự báo lượng khách đi lại dịp cao điểm Tết Nguyên đán 2024 sẽ tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2023, có nhu cầu đi lại nhiều từ 23 tháng Chạp. Theo đó, bến xe Miền Đông cũ và mới dự kiến phục vụ hết công suất trong dịp cao điểm Tết này, tức từ 31-1 đến hết 19-2-2024. Lượng xe cũng sẽ tăng khoảng 10%.

Đối với ngành hàng không, đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, cảng dự kiến phục vụ từ 800-900 chuyến bay mỗi ngày. Để đảm bảo an toàn và đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại của hành khách, ngành hàng không sẽ tăng thêm máy bay, phục vụ 24/24 trong thời gian cao điểm.

Một số địa phương khác như ở Hà Nội, theo TTXVN, đại diện Công ty CP bến xe Hà Nội, dự kiến, lượng xe ra vào bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm có thể tăng 350%. Hiện nay, lượng xe đã được bố trí cho từng tuyến theo kế hoạch dự báo. Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng sẽ hỗ trợ giảm tải lượng hành khách liên tỉnh đi các tuyến đường ngắn.

Ở tỉnh Lâm Đồng, Sở Giao thông Vận tải tỉnh thông tin đã đề xuất UBND tỉnh quy định mức phụ thu giá cước vận tải hành khách ở một số luồng tuyến trong dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới. Mức phụ thu tăng từ 40-60% so với giá cước hiện hành đối với từng khu vực cụ thể. Theo đề xuất này, các tuyến đi liên tỉnh từ Bình Định ra phía miền Trung, miền Bắc sẽ có mức phụ thu tối đa không quá 60% giá cước hiện hành. Đối với các tuyến liên tỉnh còn lại sẽ áp dụng mức phụ thu tối đa không quá 40% giá cước.

Toàn tỉnh hiện có hơn 100 hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa. Trong số đó có gần 250 xe chạy tuyến cố định đi hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Ngành giao thông vận tải tỉnh Nghệ An cũng đã chuẩn bị các điều kiện về bến bãi, phương tiện, tổ chức vận chuyển hành khách đảm bảo an toàn cho dịp Tết này. TTXVN đưa tin, Sở Giao thông vận tải đề nghị các doanh nghiệp vận tải tăng chuyến vận tải hành khách công cộng để kết nối và hỗ trợ hành khách đi lại thuận tiện đến các đầu mối giao thông tập trung như nhà ga, cảng hàng không, bến xe…

Sở cũng đã đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết và không tự ý tăng giá cước vận tải.

Trường hợp có nhu cầu tăng giá cước, doanh nghiệp phải xây dựng phương án phù hợp, đúng với quy định của Bộ Tài chính để trình Sở Giao thông vận tải xem xét. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng phải niêm yết công khai giá vé tại quầy bán vé của bến xe.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới