Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các điểm nóng du lịch thúc đẩy lạm phát của châu Âu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cơn bùng nổ du lịch trong mùa hè ở châu Âu, với giá cả mọi thứ từ phòng khách sạn cho đến giá vé máy bay đều tăng cao đáng kể, đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) khi họ vẫn đang chật vật kiểm soát lạm phát.

Du khách tham quan Đấu trường La Mã ở Rome, Ý trong tháng 7-2023. Ảnh: Reuters

Đối với những du khách phàn nàn về việc giá cả trên hòn đảo Sifnos của Hy Lạp vào mùa hè này đắt đỏ hơn, Isidora Chandeli, giám đốc Công ty điều hành chuỗi khách sạn Verina Hotels, chỉ đơn giản lấy mặt hàng trứng gà để giải thích.

“Du khách nghĩ rằng chúng tôi đang lợi dụng nhu cầu cao. Họ không tính đến tình trạng lạm phát cao mà tất cả chúng tôi phải đối mặt.  Ví dụ, một quả trứng năm ngoái có giá 25 cent , bây giờ đã là 45 cent”, Chandeli nói.

Khắp các điểm nóng du lịch của châu Âu, du khách chứng kiến tình trạng tăng giá mạnh do các doanh nghiệp chuyển chi phí tăng thêm sang cho khách hàng của họ.

Claudio Scarpa, người đứng đầu hiệp hội những người quản lý khách sạn ở Venice (Ý), cho biết các tiệm giặt trong thành phố này tăng giá dịch vụ với lý do hóa đơn năng lượng tăng vọt kể từ năm ngoái

“Điều đó có tác động đáng kể đến ngân sách của chúng tôi, buộc các khách sạn phải điều chỉnh tăng giá dịchvụ giặt là 20%”, Scarpa nói.

Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách của ECB lo ngại một làn sóng lạm phát mới trong mùa hè do cơn bùng nổ du lịch có thể làm phức tạp thêm nỗ lực kiểm soát giá cả của họ.

Chi phí của các chuyến bay, phòng khách sạn và các kỳ nghỉ tăng nhanh khi lĩnh vực du lịch, gần như ngừng hoạt động hoàn toàn vào năm 2020, phục hồi về sát  mức trước đại dịch.

Sự phục hồi của ngành du lịch, vốn trực tiếp cung cấp khoảng 4% GDP của Liên minh châu Âu (EU) và gián tiếp hỗ trợ 10% khác của GDP, đã làm tăng triển vọng phục hồi của nền kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, ngành du lịch cũng góp phần thúc đẩy lạm phát dịch vụ tăng nhanh. Với mức tăng 5,6% trong năm nay tính đến tháng 7, lạm phát dịch vụ trong khu vực đang mức cao nhất trong lịch sử và cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát tổng thể tăng 2% của ECB.

Fabio Panetta, thành viên của hội đồng điều hành ECB, đổ lỗi cho đợt tăng giá dịch vụ gần đây nhất  là do chi tiêu “mạnh tay” của người tiêu dùng cho các ngày lễ và kỳ nghỉ.

“Điều quan trọng là phải theo dõi yếu tố này và tác động của nó đối với các rủi ro lạm phát tổng thể”, ông nói.

Có rất nhiều bằng chứng về chi phí cao hơn trong lĩnh vực du lịch. Accor, chuỗi khách sạn lớn nhất châu Âu với hơn 3.000 địa điểm lưu trú trên khắp khu vực, cho biết đã tăng giá phòng trung bình 18% trong sáu tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá đặt phòng trung bình thông qua hãng ty lữ hành TUI Group (Đức) tăng 7% so với năm ngoái.

Theo nhà cung cấp dữ liệu RDC, chi phí trung bình của các chuyến bay ở châu Âu trong năm nay đã tăng 31,6% so với năm ngoái.

Dữ liệu từ Hội đồng Sân bay quốc tế châu Âu, đại diện cho hơn 500 sân bay tại 55 quốc gia, cho thấy, ngày càng có nhiều du khách đến từ bên ngoài châu Âu, đặc biệt là Mỹ. Những người bay đường dài đó có xu hướng chi tiêu nhiều hơn so với các khách địa phương ở các điểm du lịch.

Theo một cuộc khảo sát của Ủy ban Du lịch châu Âu, 41% du khách trong khu vực dự kiến chi hơn 1.500 euro mỗi người vào kỳ nghỉ hè năm nay, so với tỷ lệ 33% vào năm ngoái.

Trong khi đó, nhu cầu du lịch vẫn tăng vọt dù chi phí cao hơn.

Bộ trưởng du lịch Ý Daniela Santanchè ước tính, Ý đón  hơn 19 triệu du khách quốc tế và đạt 10 tỉ euro doanh thu từ du lịch trong tháng 7, bất chấp các đợt nắng nóng và lũ lụt. Những con số ấn tượng này giúp ngành du lịch của Ý tăng trưởng vượt mức trước đại dịch.

Hy Lạp đón 5,76 triệu du khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm nay, tăng 1/3 so với một năm trước đó và vượt qua mức trước đại dịch. Doanh thu du lịch của Hy Lạp đạt 1,75 tỉ euro trong tháng 5 , cao hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022.

Croatia, thành viên mới nhất của khu vực sử dụng đồng euro sau khi gia nhập vào tháng 1, chào đón 2,7 triệu lượt khách nước ngoài trong tháng 6, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Du lịch Héctor Gómez ca ngợi sự phục hồi “phi thường” sau khi 9,1 triệu du khách đến nước này trong tháng 6, tăng 10% so với năm ngoái.

Ramón Estalella, Tổng thư ký của CEHAT, một hiệp hội kinh doanh đại diện cho dịch vụ lưu trú kỳ nghỉ của Tây Ban Nha,  nói: “Mọi người đang chi tiêu ít hơn cho ô tô hoặc mua ít quần áo hơn, nhưng họ không từ bỏ các kỳ nghỉ”.

Estalella cho biết, mức tăng giá phòng 8% trong năm nay tính đến tháng 6 vẫn chậm hơn so với mức tăng lạm phát tổng thể kể từ năm 2019.

“Các chủ khách sạn đã không thể trang trải hết chi phí lạm phát”, ông nói, đồng thời cho biết thêm nhiều chủ khách sạn vẫn đang trả các khoản nợ tích lũy trong đại dịch.

Chandeli của Verina Hotels chia sẻ quan điểm đó khi nói rằng, giá phòng tăng 15% tại khách sạn Astra Verina ở đảo Sifnos trong năm nay là lần đầu tiên tăng trong bốn năm.

Tháng trước, ECB báo hiệu có thể sẵn sàng tạm dừng chuỗi tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 14-9. Nhưng nếu lạm phát dịch vụ vẫn ở mức cao, thì điều này có thể đủ để thuyết phục họ cần tăng lãi suất thêm nữa.

“Các nhà hoạch định chính ôn hòa sẽ có thể tranh luận trong cuộc họp tháng 9 rằng, dựa trên cơ sở dự báo tăng trưởng lạm phát thấp hơn, ECB nên dừng tăng lãi suất. Vấn đề là một mùa du lịch hè đắt đỏ có thể khiến lạm phát cơ bản vẫn tăng cao trong vài tháng nữa”, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Berenberg (Đức), nói.

Theo Financial Times

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới