(KTSG Online) - Sáu doanh nghiệp bán dẫn Mỹ với các tên tuổi lớn như Synopsys, Ampere Computing, Marvell, ARM… đã thể hiện sự quan tâm cũng như tìm hiểu về cơ hội đầu tư tại Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP).
- Kỳ vọng dòng vốn và công nghệ từ những đối tác chiến lược toàn diện
- Phát triển công nghiệp bán dẫn: Việt Nam: điểm đến đầy triển vọng của ngành bán dẫn toàn cầu
Ngày 8-12, đại diện các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ nói trên do ông John Neffeur, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) dẫn đoàn tham quan khu công nghệ cao TPHCM, nhà máy Intel Việt Nam cũng như tìm hiểu về việc đào tạo nhân lực thiết kế của ngành này tại SHTP.
Với vị trí chiến lược giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, chính sách ưu đãi linh hoạt, lợi thế sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ sinh thái ngành phát triển, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban SHTP gửi thông điệp đến các doanh nghiệp Mỹ rằng SHTP là một môi trường tốt cho ngành vi mạch bán dẫn để đầu tư.
“Các công ty vi mạch Mỹ và các nước có thể đến thành lập các trung tâm nghiên cứu, thiết kế vi mạch, nhà máy đóng gói và kiểm định chip”, ông Nguyễn Anh Thi nói.
Sau khảo sát và tìm hiểu, ông John Neuffer và các thành viên SIA đánh giá cao môi trường đầu tư của SHTP, và cho rằng buổi làm việc đã mở ra triển vọng lớn trong hợp tác, đầu tư, phát triển ngành vi mạch bán dẫn cho Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, trong đó SHTP đóng vai trò tiên phong.
Được thành lập năm 1977, SIA là hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu xứ cờ hoa và là động lực chính cho sức mạnh kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.
Đến nay, SIA quy tụ mạng lưới các doanh nghiệp thành viên chiếm tới 99% doanh thu ngành bán dẫn Mỹ, trong đó 2/3 là các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài. SIA đã có tiếng nói tích cực để phía Mỹ thúc đẩy hợp tác phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, hiện SHTP tập trung thu hút lĩnh vực giá trị cao, trong đó vi mạch bán dẫn đặc biệt ưu tiên mời gọi đầu tư, nhất là khâu thiết kế và lắp ráp, kiểm định chip. Những doanh nghiệp bán dẫn Mỹ nói trên là các doanh nghiệp lớn và uy tín trong ngành mà SHTP mong muốn hợp tác kêu gọi đầu tư.
Trước đó một ngày (chiều 7-12), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ và các lãnh đạo doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Mỹ, như Intel, Qualcom, Ampere, ARM… sang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Theo báo Chính phủ, tại buổi tiếp, Thủ tướng nhấn mạnh, trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước. Do đó, cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế, phù hợp với người Việt Nam.
Thủ tướng và ông John Neffeur đánh giá tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam-Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn là rất lớn và có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ ngoại giao của hai nước trong thời kỳ mới; tin tưởng hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước cùng phát huy, khai thác lợi thế của mỗi bên, mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp của hai quốc gia, góp phần cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển, đề án phát triển nguồn nhân lực, cùng với cơ chế ưu đãi phù hợp để thu hút các doanh nghiệp sản xuất, thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn hàng đầu của nước ngoài vào Việt Nam.
Cũng theo báo Chính phủ, Chủ tịch SIA đánh giá cao những bước tiến, thay đổi quan trọng và ấn tượng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, trở thành điểm đến, nhân tố có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Đánh giá cao nhân lực bán dẫn nói riêng và lĩnh vực công nghệ cao nói chung của Việt Nam, Chủ tịch SIA cho biết Mỹ đang có "cơn khát" nhân lực chất bán dẫn và ngay từ trong đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực Việt Nam đã là nguồn bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này. Ông khẳng định Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực.
Trước đó, ông Wade Cruse, đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á của Bain & Company (Mỹ), tập đoàn tư vấn thuộc nhóm “Big 3” thế giới, cùng với McKinsey & Company và Boston Consulting Group, cũng nhận định với KTSG Online rằng Việt Nam là một trong hai quốc gia hàng đầu được các nhà sản xuất bán dẫn Mỹ lựa chọn kế tiếp, bên cạnh Ấn Độ.