(KTSG Online) – Thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực kiến tạo hệ sinh thái vi mạch bán dẫn với kỳ vọng trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của cả nước.
- Thủ tướng Chính phủ khảo sát tiến độ nhiều dự án tại Đà Nẵng
- Khu thương mại tự do Đà Nẵng: còn rất nhiều việc phải làm
Tổng giám đốc Marvell Việt Nam, ông Lê Quang Đạm nhận định, thành phố Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để có trở thành trung tâm vi mạch bán dẫn của Việt Nam. Địa phương có lợi thế về nguồn lao động, cơ sở hạ tầng và quyết tâm cao của chính quyền trong việc đầu tư cho lĩnh vực này. Vì vậy, tập đoàn sẽ triển khai trung tâm thiết kế vi mạch tại thành phố.
Nhiều chính sách cho vi mạch
Marvell – “ông lớn” về công nghệ của Hoa Kỳ là một trong những doanh nghiệp có cam kết đầu tư, kinh doanh về vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng trong sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng 2024” vừa được tổ chức tại thành phố.
Tại sự kiện, nhiều chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng đã có một bước tiến dài trong việc phát triển lĩnh vực bán dẫn. Địa phương chỉ mới bắt đầu tham gia “cuộc đua bán dẫn” từ cuối năm 2023 nhưng đến nay đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn của thế giới. Trong đó, Synopsys, Marvell đã có mặt tại Đà Nẵng còn Nvidia, Qualcom, Intel… đã đến khảo sát cơ hội đầu tư và đang có kế hoạch hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại thành phố.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trở thành một trong ba trung tâm vi mạch bán dẫn lớn của Việt Nam, hình thành mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn gắn với phát triển đồng bộ hệ sinh thái vi mạch bán dẫn. Trong đó, thành phố sẽ thu hút tối thiểu 5.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành này cùng ít nhất 20 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, dịch vụ thiết kế…
Để đạt mục tiêu này, Đà Nẵng tập trung vào phát triển chính sách, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Về chính sách, nhà đầu tư chiến lược sẽ được Nhà nước cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; được lựa chọn hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này. Doanh nghiệp cũng được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế và được hỗ trợ chi phí mua thiết bị hỗ trợ sản xuất, chi phí di chuyển tài sản…
Đối với nguồn nhân lực, Đà Nẵng xác định đây là “lõi hạt nhân”, tạo nên ngành công nghiệp bán dẫn. Vì vậy, chính quyền địa phương sẽ triển khai nhiều chương trình đào tạo, ưu tiên thu hút chuyên gia, giảng viên nước ngoài chuyên ngành vi mạch bán dẫn và đẩy mạnh kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài có uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo.
Về cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn, bên cạnh việc tập trung thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao và 3 khu công nghệ thông tin tập trung hiện hữu, Đà Nẵng phấn đấu cuối năm 2024 tiếp tục đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 90.000 m2, đáp ứng không gian làm việc cho hơn 6.000 nhân sự.
Thành phố cũng cũng nghiên cứu, đầu tư mở rộng giai đoạn 2 dự án Khu công viên phần mềm số 2 với diện tích 2,5ha; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn và nhiều hoạt động khác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước cùng những công ty bán dẫn hàng đầu thế giới đến thành phố hợp tác đầu tư.
Giải quyết thách thức nguồn nhân lực
Nhiều ý kiến cho rằng, để đưa lĩnh vực vi mạch bán dẫn phát triển mạnh như kỳ vọng, Đà Nẵng phải giải quyết nhiều thách thức, trong đó có nguồn nhân lực.
Theo ông Lê Văn Dũng, cố vấn cấp cao Tập đoàn Sovico, công nghệ chíp bán dẫn của thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ. Muốn thành công, Đà Nẵng cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và mời các đối tác vào thành phố xây dựng nhà máy sản xuất chip. Những công việc này phải làm thật nhanh.
Theo khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, dù thành phố có số lượng nhân lực vi mạch bán dẫn cao hơn trung bình cả nước nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2023, với 52.000 người, lực luợng lao động trong ngành này chỉ chiếm khoảng 8,7% trong tổng lực lượng lao động toàn thành phố. Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC… với khoảng 550 kỹ sư.
Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, dự kiến đến năm 2030, thành phố cần đào tạo từ 1.500 – 2.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.