Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các đồng tiền châu Á lao dốc sau khi Fed báo hiệu tiếp tục tăng lãi suất

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các đồng tiền chủ chốt ở châu Á rơi về các mức thấp mới sau khi giới đầu tư đổ xô mua đô la Mỹ vì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới. Bên cạnh đó, đồng bạc xanh cũng được tiếp thêm sức mạnh do lo ngại cuộc xung đột Nga-Ukraine leo thang.

Cả 3 đồng tiền lớn ở châu Á gồm đồng won của Hàn Quốc, yen của  Nhật và nhân dân tệ của Trung Quốc đều giảm trong phiên giao dịch sáng 22-9. Ảnh: Reuters

Hôm 21-9, Fed quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đưa lãi suất liên bang lên biên độ 3-3,25%, cao nhất kể từ năm 2008.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu rằng Fed có thể sẽ thực hiện thêm nhiều đợt tăng lãi suất mạnh mẽ và có thể đưa lãi suất lên mức 4,6% trong năm 2023 để kiềm chế lạm phát, ngay cả khi điều đó sẽ gây rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế và việc làm.

Thị trường ngay lập tức phản ứng trong phiên giao dịch sáng 22-9 với chỉ số đô la Mỹ và hợp đồng tương lai đô la Mỹ tăng lên mức cao mới trong 20 năm. Đồng đô la Mỹ cũng được hưởng lợi từ nhu cầu trú ẩn an toàn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tổng động viên một phần để bổ sung lực lượng chiến đấu ở Ukraine và ngầm đe dọa trả đũa phương Tây bằng vũ khí hạt nhân.

Triển vọng Fed tăng lãi suất cao hơn nữa khiến các đồng tiền châu Á đồng loạt giảm về các mức thấp hơn.

Đồng yen của Nhật Bản nằm trong những đồng tiền giảm giá mạnh trong phiên giao dịch sáng 22-9, mất 0,6% và chạm mức thấp nhất trong 24 năm, 145 yen ăn 1 đô la Mỹ. Dù vậy, trong cuộc họp chính sách cùng ngày, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức thấp kỷ lục -0,1% và vẫn giữ lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%.

BOJ vẫn là một ngoại lệ trong một làn sóng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu để chống lại lạm phát, và có khả năng sẽ trở thành cơ quan tiền tệ lớn cuối cùng trên thế giới giữ chính sách lãi suất âm.

Đồng yen yếu từng được hoan nghênh vì giúp thúc đẩy xuất khẩu, nhưng giờ đây đã trở thành vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản khi khiến chi phí nhập khẩu nhiên liệu và nguyên liệu tăng cao.

Sáng nay, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc giảm 0,6%, chạm mức thấp nhất trong hơn hai năm và tiến gần ngưỡng 7,1 NDT ăn 1 đô la Mỹ, bất chấp Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) liên tục ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày của NDT cao hơn mức kỳ vọng của thị trường.

Lãi suất ở cả Nhật Bản và Trung Quốc thấp hơn nhiều so với lãi suất ở Mỹ trong năm nay, gây áp lực lên đồng tiền của các nước này và làm cán cân thương mại của cả hai nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó, đồng won của Hàn Quốc có lúc giảm đến 1%, rơi về mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng đô la Mỹ. Sáng nay, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho đã tổ chức cuộc họp với các quan chức của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) và các cơ quan quản lý tài chính khác, đồng thời tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp để giảm bớt áp lực lên đồng won.

Đồng won của Hàn Quốc đã giảm hơn 15% trong năm nay, khiến nó trở thành đồng tiền ở khu vực châu Á mới nổi có hiệu suất kém nhất trong năm nay.

Các nhà giao dịch cho biết, để làm chậm tốc độ giảm giá của đồng won, giới chức trách đã sử dụng ngoại hối để can thiệp vào thị trường, thay vì chỉ đơn giản là đưa ra các tuyên bố trấn an thị trường. Các quan chức Hàn Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng báo cáo các giao dịch ngoại hối hàng giờ.

Tại Ấn Độ, đồng rupee giảm 0,5%, xuống mức thấp kỷ lục 80,43 ăn 1 đô la Mỹ. Sức mạnh của đồng bạc xanh đã gây áp lực lớn đối với đồng rupee trong năm nay, đồng tiền này đã giảm gần 8% kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Giá dầu thô cao cũng làm giảm giá trị của đồng rupee do Ấn Độ phụ thuộc lớn vào dầu nhập khẩu. Sự phụ thuộc này có thể khiến đồng rupee giảm thêm trong thời gian tới.

Tại Đông Nam Á, đồng baht của Thái Lan giảm 0,6%, về mức thấp nhất trong 16 năm so với đô la Mỹ, trong khi đó, đồng peso của Philippines giảm xuống mức thấp kỷ lục mới, 58,445 ăn 1 đô la Mỹ.

Hôm trước đó, đồng baht lần đầu tiên giảm vượt qua mức 37 ăn 1 đô la Mỹ kể từ tháng 10-2006. Đồng baht yếu sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu và ngành du lịch của Thái Lan. Nhưng giới chức trách Thái Lan lo ngại đà suy giảm quá nhanh của đồng baht sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô, kéo theo chi phí sản xuất tăng. Bộ Tài chính Thái Lan dự kiến sẽ họp với Ngân hàng trung ương Thái Lan để xem xét các yếu tố khiến đồng baht giảm giá và tác động đối với nền kinh tế.

Christopher Wong, nhà chiến lược tiền tệ tại Ngân hàng OCBC (Singapore) nói: “Tôi lo ngại rằng môi trường vĩ mô của khu vực châu Á mới nổi có vẻ không hứa hẹn khi Fed có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất và cuộc xung đột ở Ukraine tiếp tục leo thang”.

Theo Investing, Reuters, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới