(KTSG Online) - Kết quả quan trắc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021 cho thấy chất lượng không khí ở địa phương này còn tương đối tốt. Tuy nhiên, khi các dự án quy mô lớn đi vào hoạt động, một lượng lớn khí thải sẽ phát sinh, làm gia tăng tác động đến môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang vừa có báo cáo hiện trạng môi trường không khí tỉnh Hậu Giang năm 2021.
Theo đó, các nguồn chính gây tác động môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gồm có nguồn từ các cơ sở sản xuất, từ các đô thị và hoạt động giao thông vận tải, các nguồn tác động khác (bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung và sản xuất than củi). Trong đó, đáng chú ý là nguồn phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp của các cơ sở sản xuất.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 33 cơ sở đang hoạt động phát sinh khí thải công nghiệp, trong đó có 21 cơ sở nằm trong khu, cụm công nghiệp và 12 cơ sở nằm ngoài khu, cụm công nghiệp.
Đối với nguồn thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp lớn, gồm có các dự án như nhà máy xi măng Cần Thơ Hậu Giang của Công ty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ Hậu Giang; Trung tâm sản xuất nước giải khát và bao bì giai đoạn 1 của Công ty TNHH Number One Hậu Giang; Nhà máy chế biến thức ăn gia súc, thuỷ sản và lương thực của Công ty TNHH Thanh Khôi; Lò hơi công suất 20 tấn/giờ của Công ty TNHH Kim Trường Phúc; Nhà máy nhiệt diện Sông Hậu 1 của Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Sông Hậu 1…
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, kết quả quan trắc năm 2021 trên địa bàn tỉnh cho thấy chất lượng không khí còn tương đối tốt.
Cụ thể, đối với thông số bụi lơ lửng tổng số (TSP), kết quả tại các vị trí quan trắc trên địa bàn tỉnh có giá trị dao động từ 30,5-130 µg/m3, tức nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn là 300 µg/m3
Với thông số NO2, kết quả quan trắc nằm trong giới hạn cho phép khi có giá trị dao động từ 14-152 µg/m3, trong khi cho phép của quy chuẩn là 200 µg/m3.
Ngoài ra, các thông số H2S, SO2, CO và NH3, kết quả quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.
Tuy nhiên, đối với thông số tiếng ồn, có một số vị trí có kết quả vượt quy chuẩn như tại vị trí KK04 (Ngã 3 Cái Tắc- Thị trấn Cái Tắc); KK12 (trước cổng Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh); KK06 ngã ba quốc lộ 1- chợ Ngã Bảy); KK08 (vòng xoay Trần Hưng Đạo, thị xã Long Mỹ); KK10 (khu dân cư thị trấn Mái Dầm, gần nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1).
Ngoài các nguồn thải đang phát sinh như nêu trên, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang cho biết trên địa bàn tỉnh còn 3 dự án khi đưa vào hoạt động trong thời gian tới sẽ phát sinh lượng lớn khí thải, làm gia tăng tác động môi trường khí, gồm Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 của Tập đoàn Toyo Ink Group Berhad; Nhà máy điện rác Hậu Giang của Công ty TNHH MTV Greenity Hậu Giang và Nhà máy luyện, cán thép Sunpro của Công ty TNHH MTV Sunpro Steel.
Theo đó, đáng chú ý là nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 có tổng lượng khí thải phát sinh lên đến gần 55 triệu m3/ngày đêm (tương đương trên 2,285 triệu m3/giờ) và Nhà máy luyện, cán thép Sunpro phát thải lên đến gần 34,6 triệu m3/ngày đêm (tương đương 1,44 triệu m3/giờ).