(KTSG Online) - Với các tín hiệu phục hồi rõ ràng của ngành du lịch sau cơn suy thoái do Covid-19, các hãng bay ở Mỹ đang lao vào cuộc cạnh tranh tuyển dụng phi công với số lượng lớn nhất trong 3 thập kỷ bên cạnh các gói phúc lợi tốt nhất.
Tuyển dụng với số lượng lớn nhất trong 3 thập kỷ
Các hãng bay ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã sẵn sàng cho năm tuyển dụng phi công bận rộn nhất trong hơn ba thập kỷ khi ngành này sốt sắng bổ sung lực lượng lao động bị giảm mạnh trong thời kỳ ban đầu của dịch bệnh.
Kể từ ngày 8-11, Mỹ cho phép nhập cảnh đối với du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19, hứa hẹn mở ra làn sóng du lịch đến Mỹ với mục đích tham quan, đầu tư và đoàn tụ gia đình. Cơn bùng nổ du lịch sẽ tiếp tục khi biên giới của nhiều nước khác cũng mở cửa trở lại và các doanh nghiệp đa quốc gia cử nhân viên đi công tác nước ngoài. Sau khi tìm cách bảo tồn lượng tiền mặt dự trữ bằng cách kêu gọi hàng ngàn phi công nghỉ hưu sớm, các hãng bay của Mỹ hiện phải chạy đua tuyển dụng phi công với quy mô chưa có tiền lệ.
Theo Công ty tư vấn phi công FAPA, các hãng bay lớn ở Mỹ dự kiến tuyển dụng 4.200 phi công trong năm nay, hơn 9.000 phi công trong năm sau và đó sẽ là năm tuyển dụng phi công với số lượng lớn nhất trong hơn ba thập kỷ. Theo số liệu của FAPA, vào năm 2019, khi tốc độ tuyển dụng chóng mặt, các hãng bay lớn của Mỹ đã chỉ chiêu mộ khoảng 5.000 phi công.
Các hãng hàng không khu vực, nơi nhiều phi công bắt đầu sự nghiệp của họ, cũng đang săn lùng, cạnh tranh tuyển dụng phi công bằng những khoản tiền thưởng hậu hĩnh.
Tim Genc, cố vấn trưởng của FAPA cho biết: “Hiện không có đủ phi công để đáp ứng tất cả nhu cầu”.
Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, phi công Eric Bensinger chuẩn bị thư xin việc để tìm kiếm một chân phi công ở một hãng bay.
Nhưng rồi dịch bệnh ập đến, các hãng bay ngừng tuyển dụng, các chương trình đào tạo phi công cũng bị dừng lại. Đội ngũ phi công trẻ không có kinh nghiệm lái máy bay đối mặt với khó khăn, trong khi đó, những phi công lớn tuổi đã cân nhắc có nên rút ngắn sự nghiệp hay không bằng cách chấp nhận gói bồi thường để về hưu sớm.
Bensinger nói: “Lúc đó, tôi đã hơi lo lắng và bắt đầu xem xét tìm việc ở các ngành khác”.
Tuy nhiên, trong mùa hè vừa qua, anh đã tham gia 3 cuộc phỏng vấn xin việc, nhận được ba lời đề nghị và chấp nhận làm phi công cho một hãng bay với khoản tiền thưởng ban đầu là 10.000 đô la sau khi ký hợp đồng và được thưởng thêm 5.000 đô la sau một năm làm việc. “Tôi vẫn không thể tin được vào lúc này,” anh nói.
Covid-19 khiến cuộc khủng hoảng thiếu phi công trầm trọng hơn
Các hãng bay của Mỹ hiện đang thiếu nhân sự trầm trọng sau khi họ thoát ra cuộc khủng hoảng Covid-19. Họ phải chật vật tìm kiếm mọi vị trí từ nhân viên hành lý đến tài xế xe tải chở nhiên liệu.
Tình trạng thiếu hụt nhân sự đó đã góp phần gây ra sự gián đoạn kéo dài trong ngày, khiến hàng ngàn chuyến bay khởi hành trễ. Nhưng các hãng bay nói rằng đó có thể chỉ là vấn đề ngắn hạn. Họ cho biết hiện tại họ không gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên để điền vào danh sách phi công của họ. Nhưng giới phân tích cho rằng đại dịch Covid-19 có thể đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thiếu phi công vốn đã được cảnh báo từ lâu.
Dòng chảy phi công từ quân đội, nguồn cung cấp phi công quan trọng bấy lâu nay cho các hãng bay thương mại, đã chậm lại. Hơn nữa, một quy định liên bang được áp dụng từ năm 2013 yêu cầu các ứng viên phi công muốn làm việc ở các hãng bay khu vực phải có kinh nghiệm ít nhất 1.500 giờ bay, đã khiến các phi công trẻ phải mất thêm nhiều năm huấn luyện mới có thể gia nhập các hãng bay lớn.
Đội ngũ phi công hiện tại cũng đang già đi với phần lớn đang tiến đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65. Làn sóng nghỉ hưu sớm của phi công tăng tốc trong thời kỳ dịch bệnh khi họ được các hãng bay trả các khoản bồi thường hấp dẫn. Có hơn 4.400 phi công ở bốn hãng bay lớn nhất của Mỹ đã chọn về hưu sớm vào năm ngoái.
Để bảo đảm bảo nguồn cung ứng viên phi công ổn định, các hãng bay hàng đầu ở Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác với các trường dạy bay.
Geoff Murray, đối tác tại hãng tư vấn Oliver Wyman, cho biết hiện các hãng bay lớn của Mỹ đang rút phi công từ các đơn vị liên kiết trong khu vực để lấp đầy khoảng trống, trong khi đó, các hãng bay nhỏ hơn cũng ráo riết tìm kiếm phi công lại sau một năm tạm dừng tuyển dụng.
Cạnh tranh tuyển dụng và giữ chân bằng tiền thưởng
Công ty hàng không Mesa Air Group, đối tác của American Airlines và United Airlines, đang rao tuyển dụng phi công với mức thưởng 20.000 đô la ngay sau khi ký hợp đồng nhận việc.
Jonathan Ornstein, Giám đốc điều hành Mesa Air Group, cho biết ngày càng khó giữ chân phi công khi các hãng bay lớn và các hãng bay vận chuyển hàng hóa đang cạnh tranh thu hút họ. Tỷ lệ tiêu hao phi công của Mesa đã tăng gấp ba lần. Ông ví nguồn phi công dự trữ hiện nay giống như một hồ chứa nước đang cạn.
Tháng trước, Shane Tackett, Giám đốc tài chính hãng bay Alaska Air Group, cảnh báo tỷ lệ tiêu hao phi công ở Horizon Air, đơn vị thành viên của Alaska Air Group, dự kiến sẽ tăng mạnh bất thường do các hãng khác đang rầm rộ tuyển dụng với các gói phúc lợi tốt.
Các lãnh đạo của American Airlines cho biết họ có thể không phục hồi các tuyến bay khu vực nhanh được vì thiếu phi công.
American Airlines đã bắt đầu tuyển dụng phi công trở lại vào tháng 7 và dự kiến sẽ chiêu mộ khoảng 440 phi công vào cuối năm nay.
Trong năm tới, hãng bay này có kế hoạch tuyển dụng hơn 2.000 phi công nữa. Chip Long, Phó Chủ tịch American Airlines, nói việc tuyển dụng đủ con số đó không phải là vấn đề nhưng hãng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.
Ba hãng bay khu vực thuộc sở hữu của American Airlines gần đây đã đưa ra gói phúc lợi tăng tiền thưởng thêm cho phi công đến mức 150.000 đô la mỗi năm. Ric Wilson, Phó Chủ tịch Envoy Air, một trong những hãng bay khu vực thuộc sở hữu hoàn toàn của American Airlines, cho biết mục đích của gói phúc lợi là ngăn chặn “nạn săn trộm” của các hãng khác. “Tôi nghĩ việc một số hãng hàng không muốn lấp đầy buồng lái máy bay của họ bằng nhân viên của chúng tôi là điều tự nhiên. Chúng tôi muốn đảm bảo điều đó không xảy ra”, ông nói.
Theo Wall Street Journal