(KTSG Online) - Tác động vô hình của đại dịch sẽ đeo bám ngành hàng không trong nhiều năm tới. Các hãng bay lớn nhất thế giới phải tìm cách xóa khỏi bảng cân đối kế toán khoản nợ hàng tỉ đô la Mỹ tích lũy trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19. Phần lớn nỗ lực đó sẽ phụ thuộc vào tình hình giá nhiên liệu và nhu cầu đi lại hàng không có phục hồi bền vững hay không.
- Giá nhiên liêu tăng vọt, đe dọa đà phục hồi của ngành hàng không toàn cầu
- Ngành hàng không dự đoán phải mất 2-3 năm tới mới phục hồi hoàn toàn
Mười trong số các hãng hàng không hàng đầu ở Mỹ và châu Âu đã tích lũy nợ tổng cộng 193 tỉ đô la Mỹ trong hai năm qua, theo Financial Times.
“Khoản nợ tích tụ này là rất lớn”, Izabela Listowska, nhà phân tích tín dụng tại S&P Global Ratings nói và cho biết, không có cách khắc phục nhanh chóng cho vấn đề cụ thể này.
Một số hãng hàng không có bảng cân đối kế toán yếu hơn đang gặp khó khăn. Đầu tháng này, hãng hàng không Scandinavian Airlines (Thụy Điển) đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để cho phép hãng tái cơ cấu tài chính, sau khi hãng bay đối thủ Norwegian Air (Na Uy) phá sản và tái cơ cấu nợ vào năm 2020 và 2021.
Hiện tại, các hãng bay lớn ở Mỹ và châu Âu đang ở thế mạnh hơn nhiều nhờ được bảo vệ bởi một “bức tường” tiền mặt được xây dựng từ sự kết hợp của việc huy động vốn từ cổ đông, thị trường nợ và trong nhiều trường hợp là gói giải cứu tài chính từ chính phủ của họ
Ở Mỹ, một số hãng bay đã sử dụng các chương trình khách hàng thường xuyên làm tài sản thế chấp để huy động tiền. Trong khi đó, ở châu Âu, hãng bay Lufthansa (Đức) nhận được khoản vay cứu trợ 9 tỉ euro từ chính phủ Đức nhưng đã trả xong trước thời hạn.
Tập đoàn hàng không IAG, chủ sở hữu của British Airways (Anh) đã huy động được 2,75 tỉ euro từ các cổ đông và khai thác thị trường nợ doanh nghiệp, bao gồm khoản vay trị giá 2 tỉ bảng từ các ngân hàng được nhà nước bảo lãnh.
“Rất nhiều tiền mặt được huy động từ thị trường nợ đang nằm trên bảng cân đối kế toán của các hãng hàng không”, ông Jonathan Root, Phó Chủ tịch cấp cao tại hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s nói.
Các hãng bay không còn bận tâm huy động tiền mặt để bảo đảm sự sống còn nữa, thay vào đó, mối lo lắng hiện tại là làm thế nào có đủ máy bay để đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh, đồng nghĩa với dòng tiền đã trở lại. Một số hãng, đặc biệt là các hãng bay giá rẻ như Spirit, Ryanair và Wizz Air, sẽ chở hành khách nhiều hơn vào mùa hè này so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Marie Owens Thomsen, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), điều này có nghĩa là mức lỗ trong toàn ngành dự báo sẽ giảm xuống khoảng 10 tỉ đô trong năm nay và khả năng sinh lời sẽ trở lại vào năm 2023.
Tuy cuộc khủng hoảng Covid-19 sắp kết thúc với việc các nước loại bỏ hầu hết các hạn chế đi lại nhưng triển vọng của ngành vận tải hàng không dân dụng lại đối mặt với nhiều thách thức.
Cổ phiếu của các hãng bay lớn đã giảm giá trong năm nay. Cổ phiếu của Tập đoàn hàng không IAG đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ mùa thu năm 2020 và cổ phiếu của hãng bay giá rẻ easyJet giảm về mức thấp nhất trong 10 năm.
Cùng với chi phí do gián đoạn chuyến bay, bao gồm cả chi trả bồi thường cho hành khách bị hoãn/hủy chuyến, các hãng bay phải đối mặt với triển vọng kinh tế đang xấu đi. Bên cạnh đó, mối lo lạm phát có thể hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng mặc dù các hãng cho biết chưa có dấu hiệu suy yếu của nhu cầu đi máy bay.
Đáng lo ngại hơn nữa là giá dầu vẫn ở mức cao, gây tốn kém hơn vì nhiên liệu có thể chiếm tới 1/3 tổng chi phí của họ.
Cho đến nay, doanh nghiệp có thể chuyển chi phí nhiên liệu tăng thêm sang cho hành khách bằng cách nâng giá vé nhưng các hãng hàng không châu Âu có thể sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn vào năm 2023 khi các hợp đồng quyền chọn mua, giúp phòng vệ rủi ro giá nhiên liệu trong tương lai hết hạn.
“Bất kể các thách thức tăng trưởng kinh tế tác động đến các hãng bay như thế nào, điều quan trọng nhất là họ có thể duy trì số tiền mặt mà họ đang nắm giữ hay không”, Jonathan Root nói.
Phần lớn vấn đề này sẽ phụ thuộc vào việc liệu nhu cầu du lịch mạnh mẽ trong mùa hè này chỉ đơn giản là sự giải phóng nhu cầu bị dồn nén trong hai năm qua hay là sự khởi đầu của đà phục hồi bền vững về du lịch bằng đường hàng không, bao gồm cả hạng thương gia.
Ít nhất, có một điểm sáng từ lạm phát là thực tế nó sẽ làm xói mòn khoản nợ tổng thể của ngành và làm cho chi phí trả nợ trở nên hợp lý hơn.
“Tôi nghĩ rằng các mức nợ trong ngành không thực sự an toàn. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng có thể được coi là có thể chấp nhận được”, Owens Thomsen, nhà kinh tế trưởng toàn cầu ở công ty quản lý Indosuez Wealth Management ở Geneva, Thụy Sĩ, nói.
Theo Financial Times