Thứ ba, 1/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các hãng buôn hàng hóa tiếp tục kiếm bộn lợi nhuận

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lợi nhuận của các hãng buôn hàng hóa hàng đầu thế giới không còn bùng nổ như sau cuộc chiến Nga-Ukraine nhưng vẫn ở mức cao trong lịch sử. Các hãng này tiếp tục được hưởng lợi nhờ tình trạng gián đoạn thương mại do thuế quan, các lệnh trừng phạt kinh tế và cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ.

Các hãng buôn hàng hóa hàng đầu thế giới tiếp tục kiếm được lợi nhuận lớn từ thị trường dầu mỏ và ngũ cốc. Ảnh: bsl.gov

Tại hội nghị thượng đỉnh hàng hóa toàn cầu do Financial Times tổ chức ở Lausanne (Thụy Sĩ) hồi đầu tuần qua, lãnh đạo của các hãng buôn hàng hóa tiết lộ, dù lợi nhuận năm 2024 và quí 1-2025 có sự điều chỉnh giảm so với mức đỉnh trong giai đoạn 2022-2023 nhưng vẫn vượt xa hầu hết bất kỳ giai đoạn nào trong lịch sử.

Các hãng này nằm là trong số các công ty kinh doanh hàng hóa lớn nhất thế giới xét theo doanh thu hàng năm. Tuy nhiên, do phần lớn đều thuộc sở hữu tư nhân,  với cổ phần nắm giữ bởi những người sáng lập và nhân viên, nên kết quả kinh doanh của các hãng thường không được công bố công khai.

Ngành kinh doanh hàng hóa trải rộng từ các sản phẩm năng lượng cho đến kim loại và nông sản kiếm được khoản lợi nhuận khổng lồ kể từ sau chiến sự ở Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và giá cả lương thực tăng vọt trên toàn cầu. Giá dầu Brent trung bình trong năm 2022 đạt 100 đô la Mỹ/thùng.

Vitol, Trafigura, Mercuria Energy và Gunvor, 4 hãng kinh doanh năng lượng tư nhân lớn nhất thế giới thu về tổng lợi nhuận hơn 50 tỉ đô la Mỹ vào năm 2022 và 2023 nhờ giá dầu thô và khí đốt cao và thị trường biến động mạnh.

Các hãng này mua dầu, khí đốt và các sản phẩm năng lượng khác ở những nơi có giá thấp và bán ở nơi có giá cao hơn, tận dụng sự biến động về cung cầu giữa các khu vực do tác động của tình hình địa chính trị, thời tiết, hay gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hiện nay, tình trạng cực đoan của giá cả hàng hóa năng lượng và ngũ cốc đã thoái lùi. Nhưng ngành buôn hàng hóa vẫn đang được hưởng lợi từ sự gián đoạn dòng chảy thương mại do tác động của thuế quan và các lệnh trừng phạt kinh tế và cuộc khủng hoảng hàng hải ở Biển Đỏ. Ngoài ra, những hãng buôn lớn lớn nhất cũng đang bắt đầu gặt hái thành quả từ hàng tỉ đô la đầu tư vào các tài sản chiến lược và đa dạng hóa sang các thị trường mới, giúp bù đắp cho sự sụt giảm lợi nhuận giao dịch.

Theo các nguồn thạo tin, lợi nhuận của Vitol (Thụy Sĩ) trong năm 2024 thấp hơn mức 13,2 tỉ đô la của năm trước, nhưng không giảm đáng kể.

Trafigura (Singapore), công ty có thu nhập hàng năm đạt đỉnh trên 7 tỉ đô la trong giai đoạn năm 2022-2023, dự báo đạt lợi nhuận ròng trong nửa năm kết thúc vào tháng 3-2022 sẽ tương đương với hai kỳ báo cáo trước, khi công ty công bố lợi nhuận nửa năm là 1,5 tỉ đô la và 1,3 tỉ đô la.

Tại hội nghị ở Lausanne, giám đốc tài chính của Trafigura, Stephan Jansma cho biết, hiệu suất tài chính của công ty đã đạt đến một tầm cao mới.

“Tầm cao này không bằng với mức lợi nhuận rất cao trong hai năm 2022 và 2023, nhưng cao hơn đáng kể so với lợi nhuận mà chúng tôi có trước thời kỳ Covid-19”, ông nói.

Mercuria (Thụy Sĩ) dự kiến ​​thu nhập hàng năm sẽ ổn định ở mức khoảng 1,5-2 tỉ đô la. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9-2024, công ty kiếm được lợi nhuận 2,1 tỉ đô la. Con số này thấp hơn mức lợi nhuận kỷ lục 3 tỉ đô la vào năm 2022, nhưng cao hơn nhiều so với bất kỳ mức lợi nhuận hàng năm nào trước đó của Mercuria . Cho đến năm 2021, Mercuria chưa bao giờ kiếm được hơn 1 tỉ đô la trong một năm.

Gunvor chịu một số khoản lỗ trên thị trường dầu mỏ vào năm ngoái nhưng lợi nhuận của công ty trong năm 2024 sẽ vẫn ở mức tốt thứ tư hoặc thứ năm trong lịch sử, CEO Gunvor, Torbjörn Törnqvist cho biết.

Russell Hardy, CEO Vitol kỳ vọng, lợi nhuận của công ty sẽ được thiết lập lại ở mức cao hơn trước đại dịch, nhưng thấp hơn mức bùng nổ gần đây.

Các hãng buôn hàng hóa đang chuyển một phần đáng kể lợi nhuận cho cổ đông, đồng thời đầu tư vào các tài sản như nhà máy điện và nhà máy lọc dầu cũng như đa dạng hóa sang các thị trường mới như kim loại.

“Chúng tôi hiện đang xem xét đầu tư 5 đến 10 dự án, với mỗi dự án có giá trị nửa tỉ đô la trở lên”, CEO Mercuria, Marco Dunand phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh hàng hóa toàn cầu ở Lausanne.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới