Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các hãng chip buộc phải chọn lựa giữa Mỹ và Trung Quốc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Muốn nhận khoản trợ cấp liên bang để sản xuất ở Mỹ theo Đạo luật CHIPS và Khoa học của Mỹ,  các hãng chip có thể phải đối mặt với một quyết định khó khăn: hạn chế đầu tư để mở rộng công suất ở Trung Quốc.

Nhân viên làm việc trên một dây chuyền sản xuất chip nhó ở nhà máy của Sumsung tại thành phố Tây An, Trung Quốc. Ảnh: Samsung

Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đề xuất các quy tắc mới đặt ra chi tiết những hạn chế mà các hãng chip sẽ phải đối mặt khi hoạt động ở các nước đáng lo ngại khác như Trung Quốc, Nga, Iran nếu họ muốn nhận trợ cấp của chính quyền liên bang thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học để sản xuất chip tại Mỹ.

Theo đó, Mỹ cấm các hãng chip nhận trợ cấp từ đạo luật này thực hiện các giao dịch quan trọng để mở rộng đáng kể năng lực sản xuất đối với chip cao cấp ở những nước ngoài đáng lo ngại.

Các giao dịch quan trọng được định nghĩa là giao dịch có giá trị từ 100.000 đô la trở lên và “mở rộng đáng kể” là tăng công suất của nhà máy sản xuất chip logic cao cấp (các chip có kích cỡ nhỏ hơn 28 nanometer) từ 5% trở lên. Hãng chip nhận trợ cấp cũng không được phép tăng công suất hơn 10% tại các nhà máy hiện sản xuất chip có kích cỡ lớn hơn nanometer 28 của họ ở các nước đáng lo ngại. Nếu muốn xây dựng các nhà máy mới cho loại chip này, họ phải bảo đảm ít nhất 85% sản lượng phải được nước sở tại tiêu thụ.

Hạn chế này sẽ duy trì trong 10 năm sau khi các hãng chip nhận trợ cấp của chính quyền liên bang. Theo Bộ Thương mại Mỹ, các hãng chip nhận được trợ cấp cũng bị cấm  tham gia nghiên cứu chung và cấp phép sử dụng công nghệ  cho các tổ chức nước ngoài đáng lo ngại.

Đạo luật CHIPS và Khoa học, được ban hành hồi tháng 8 năm ngoái,  phân bổ khoản trợ cấp 52,7 tỉ đô la cho các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chip ở trong nước và khoản tín dụng thuế đầu tư trị giá 24 tỉ đô la dành cho các công ty đầu tư vào thiết bị sản xuất chip và xây dựng nhà máy chip mới ở Mỹ.

Các hạn chế nói trên khó khăn hơn so với những gì lãnh đạo doanh nghiệp, luật sư trong ngành chip và giới phân tích an ninh quốc gia mong đợi.

Angela Styles, luật sư của Akin Gump, hãng luật chuyên tư vấn cho các công ty công nghiệp bán dẫn, nói: “Điều này sẽ khiến nhiều công ty đặt câu hỏi liệu họ có muốn nhận khoản trợ cấp của Đạo luật CHIPS và khoa học hay không”.

Các hạn chế như vậy sẽ gây khó đặc biệt đối với các hãng chip ở khu vực Đông Á đã thiết lập hoạt động sản xuất đáng kể ở Trung Quốc, nơi họ đã đầu tư hàng tỉ đô la. Các hãng này gồm Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc, hai nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới và Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC) nhà sản xuất chip gia công lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khẳng định Mỹ không tìm cách tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc.

“Chúng tôi muốn các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc và ngược lại. Nhưng chúng ta phải mở rộng tầm mắt về những rủi ro có thể xảy ra với Mỹ”.

Bà nói thêm rằng Trung Quốc đã thể hiện rõ ý đồ tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ để xây dựng năng lực  quân sự của mình. “Chúng tôi không thể cho phép điều đó xảy ra”, bà nói.

Samsung cho biết đã thảo luận chặt chẽ với các cơ quan chính phủ có liên quan của Mỹ  và Hàn Quốc và sẽ xác định các bước tiếp theo sau khi xem xét các chi tiết khoản trợ cấp từ Đạo luật CHIPS và khoa học.

Samsung đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip cao cấp trị giá 17 tỉ  đô la ở Taylor, bang Texas và năm ngoái, hãng công bố kế hoạch đầu tư tiềm năng lên tới 200 tỉ USD vào các nhà máy sản xuất chip ở bang này.

SK Hynix đã tiết lộ kế hoạch nhà máy đóng gói chip cao cấp mới ở Mỹ. Hãng cho biết những vấn đề không chắc chắn sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán giữa chính phủ Hàn Quốc và Mỹ.

TSMC, có kế hoạch đầu tư trị giá 40 tỉ  đô la để xây dựng một tổ hợp chip cao cấp ở bang Arizona, từ chối bình luận.

Reva Goujon, Giám đốc tư vấn doanh nghiệp Trung Quốc của Rhodium Group, nói: “Về cơ bản, Mỹ đang sử dụng chính sách công nghiệp để ​​điều hướng chuỗi cung ứng bán dẫn theo cách mà nước này muốn và hướng đó đã được xác định rõ là rời xa Trung Quốc”.

Bà nhận định chính sách này gửi đến các hãng chip một tín hiệu rõ ràng rằng việc sản xuất chất chip cao cấp ở Trung Quốc sẽ không bền vững.

Đối với các hãng chip, các nhà máy của họ Trung Quốc là thành quả của nhiều năm đầu tư và đang chiếm một phần lớn năng lực sản xuất chip trên toàn cầu.

Samsung vận hành một nhà máy sản xuất chip nhớ flash NAND ở thành phố Tây An, miền trung Trung Quốc và một cơ sở đóng gói chip ở thành phố Tô Châu. SK Hynix vận hành các nhà máy sản xuất chip nhớ DRAM tại thành phố Vô Tích và sở hữu các nhà máy sản xuất chip nhớ flash NAND của Intel tại thành phố Đại Liên thông qua một thỏa thuận được ký kết vào năm 2020. TSMC vận hành các cơ sở sản xuất chip tại thành phố Nam Kinh và Thượng Hải.

Tính đến năm ngoái, cơ sở Tây An của Samsung sản xuất khoảng 16% sản lượng chip nhớ flash NAND toàn cầu, trong khi cơ sở Vô Tích của SK Hynix chiếm khoảng 12% sản lượng chip nhớ DRAM toàn cầu, và cơ sở Đại Liên sản xuất khoảng 6% sản lượng bộ chip flash NAND toàn cầu, theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ TrendForce. Các nhà máy ở Thượng Hải và Nam Kinh của TSMC đóng góp khoảng 6% tổng công suất sản xuất chip gia công của hãng này.

 Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới