Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các hãng công nghệ Trung Quốc ‘đốt nóng’ cuộc cạnh tranh xe điện cao cấp

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phân khúc xe điện cao cấp ở Trung Quốc đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt khi các hãng công nghệ hàng đầu của đất nước như Huawei, Baidu và Xiaomi nhập cuộc. Các tính năng thông minh như công nghệ tự lái và các hệ thống điều khiển kích hoạt bằng giọng nói đang trở thành lợi thế bán hàng ở phân phúc này.

Chỉ hai tháng sau khi ra mắt thị trường, mẫu xe điện thông minh Aito M7 do Aito, thương hiệu liên doanh giữa Huawei và hãng xe Seres Group, phát triển, nhận được 90.000 đơn đặt hàng. Ảnh: China Daily

Các mẫu xe điện mới do các công ty công nghệ tung ra gần đây đang vẽ lại bức tranh thị trrường xe điện của Trung Quốc. Những mẫu xe cao cấp với các tính năng kỹ thuật số tiên tiến như tự động hóa đang khiến người tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dần rời xa các mẫu xe điện dẫn đầu phân khúc cao cấp Model 3 và Model Y của Tesla.

Tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, nơi những chiếc xe chạy bằng pin “thông minh” đang thu hút nhu cầu, Huawei, Baidu và Xiaomi trở thành mối thách thức đối với những đối thủ lâu đời và làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất và cuộc chiến giá.

“Các tính năng thông minh như công nghệ lái tự động và hệ thống điều khiển kích hoạt bằng giọng nói là những lợi thế để bán xe ở Trung Quốc hiện nay. Điều này không giống như một thập niên trước, khi mã lực và thiết kế ngoại thất thu hút người lái xe Trung Quốc”, Zhao Zhen, giám đốc bán hàng của đại lý ô tô Wan Zhuo Auto, có trụ sở tại Thượng Hải, nói.

Các tính năng thông minh của xe điện còn bao gồm nhận dạng khuôn mặt, nâng cấp phần mềm không dây, tính năng kết nối với điện thoại và tự đỗ xe.

Hôm 15-11, Aito, thương hiệu ô tô liên doanh giữa Huawei và hãng xe Seres Group, thông báo đã nhận được 90.000 đơn đặt hàng cho mẫu xe điện thể thao đa dụng (SUV) Aito M7 chỉ hai tháng sau khi mẫu xe này ra mắt thị trường. Những mẫu xe có số lượng giao hàng hàng tháng từ 10.000 chiếc trở lên được coi là sản phẩm bán chạy trong lĩnh vực ô tô Trung Quốc. Aito M7 có thể kết nối vạn vật giống như một chiếc điện thoại thông minh. Điều này cho phép chủ sở hữu Aito M7 có thể kết nối và điều khiển các thiết bị điện tử trong ngôi nhà thông minh như đèn, khóa cửa, cửa sổ, robot hút bụi hoặc máy điều hòa.

Hồi cuối tháng 10, JiYue 01, mô hình xe điện đầu tiên được phát triển bởi một liên doanh giữa hãng công cụ tìm kiếm Baidu và hãng xe Geely nhận được gần 10.000 đơn đặt hàng trong vòng sáu giờ kể từ thời điểm mở bán trước. Jiyue 01 có giá khởi điểm  259.900 nhân dân tệ (36.000 đô la Mỹ) và những khách hàng đặt hàng trước mẫu xe này trước khi ra mắt chính thức có thể nhận được các ưu đãi trong thời gian giới hạn.

Dù thông số phần cứng của mẫu xe này ngang bằng với các mẫu xe điện cao cấp phổ thông hiện nay, Jiyue 01 đang tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tự lái của Baidu để tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh. JiYue 01 được trang bị hệ thống lái tự động cấp 4 và công nghệ điều khiển kích hoạt bằng giọng nói. Mẫu xe này giá từ 249.000-339.900 nhân dân tệ và sẽ đối đầu với Model Y của Tesla, có giá từ 263.900-363.900 nhân dân tệ. Jiyue 01 có thể vận hành 720 km sau mỗi lần sạc đầy pin.

Nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi có thể sớm bắt đầu bán xe sedan SU7, mẫu xe điện đầu tiên do hãng tự phát triển, tương tự như mẫu xe Model 3. Một trong những ưu điểm lớn nhất của SU7 là khả năng tương thích hoàn hảo với mọi thiết bị của Xiaomi, từ điện thoại tới máy tính bảng và đồng hồ thông minh.

“Những người lái xe trẻ muốn sở hữu một chiếc ô tô có thể sử dụng như chiếc điện thoại thông minh. Họ đang háo hức chờ đợi mẫu xe điện của Xiaomi. Phân khúc xe điện cao cấp ở Trung Quốc sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt trong những tháng tới”. Gao Shen, một nhà phân tích độc lập ở Thượng Hải, nhận định khi đề cập đến các tính năng họp video từ xa và các ứng dụng video game được tích hợp ở các mẫu xe điện thông minh.

Về mặt kỹ thuật, Xiaomi có thể bắt đầu lắp ráp và bán chiếc SU7 đầu tiên sau khi được Bộ Công nghiệp và công nghệ thông tin Trung Quốc cấp phép. BAIC ORV, đối tác sản xuất của Xiaomi, có kế hoạch lắp ráp hai phiên bản SU7 cho Xiaomi. Phiên bản một động cơ sẽ sử dụng pin lithium iron phosphate của BYD và dự kiến đạt tốc độ tối đa 210 km/giờ. Phiên bản động cơ kép được trang bị pin lithium dựa trên nickel và cobalt của CATL dự kiến đạt tốc độ lên tới 265 km/giờ.

Thị trường xe điện Trung Quốc có đến 200 công ty tham gia, dẫn đến lo ngại về tình trạng dư thừa công suất. Tesla, công ty dẫn đầu hiện tại ở phân khúc xe điện cao cấp tại Trung Quốc, báo cáo lượng xe giao cho khác hàng giảm trong hai tháng liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10 do cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc (CPCA), nhà máy Gigafactory của Tesla ở Thượng Hải đã bàn giao 28.626 chiếc cho khách hàng ở Trung Quốc đại lục trong tháng 10, giảm 34,2% so với một tháng trước đó. Trong tháng 9, lượng xe mà Tesla giao ở Trung Quốc cũng giảm 32,8% so với tháng 8.

Li Auto, Xpeng và Nio, ba công ty khởi nghiệp xe điện hàng đầu của Trung Quốc, đang bám đuổi quyết liệt Tesla.

Đầu năm nay, CPCA dự báo ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số 50% hàng năm trong năm 2023, cung cấp khoảng 8,5 triệu chiếc cho thị trường trong nước.

 Theo SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới