(KTSG Online)-Công ty chứng khoán Ngân hàng Bản Việt (VCSC) cho rằng giá dầu cao hơn đã gây áp lực lên lợi nhuận của các hãng hàng không. Trên thực tế giá dầu đã cao gấp đôi so với giá dự báo và ảnh hưởng của chiến tranh Nga- Ukraine sẽ khiến các hãng rơi vào vòng xoáy chi phí mới nhiều rủi ro hơn.
Theo Cục Hàng không Việt Nam (CAAV), từ mức thấp kỷ lục chỉ 1.311 chuyến bay vào tháng 9-2021 (tương ứng 5% con số của tháng 9.2019) do các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc di chuyển bằng đường hàng không nhằm kiểm soát làn sóng dịch COVID-19 thứ tư trong nước, đến tháng 2-2022, đã có 25.220 chuyến bay được khai thác, chủ yếu bao gồm các chuyến bay trong nước, chứng tỏ thị trường hàng không nội địa đã phục hồi khá nhanh.
VCSC ước tính rằng số lượng các chuyến bay trong nước trong tháng 2 đã gần bằng mức trước khi dịch Covid-19 khởi phát. Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho các hãng hàng không trước “lệnh” mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế từ 15-3.
Tuy nhiên, niềm vui này chỉ giúp cho giá cổ phiếu của các hãng hàng không trên thị trường xanh được vài phiên cách đây 2 tuần. Khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, giá dầu trên thị trường thế giới nhảy vọt, cộng với những hệ lụy thua lỗ kéo dài của 2 năm dịch bệnh khiến ngành vận tải hàng không khó đỡ nổi.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước năm 2021, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã bày tỏ sự lo ngại về rủi ro giá dầu. Theo đó, tại thời điểm hết tháng 6-2021, giá dầu SingJet Kerosene trung bình năm 2021 được dự báo khoảng 70,44 đô la Mỹ/thùng. Tuy nhiên, rủi ro về giá nhiên liệu đối với hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) rất lớn trước nhiều yếu tố khó dự đoán như diễn biến dịch bệnh, tình hình triển khai tiêm vaccine Covid-19, các yếu tố kinh tế vĩ mô trên thế giới và chính sách của các quốc gia dầu mỏ lớn. Chỉ cần với 1 đô la/thùng/năm tăng/giảm thì chi phí tăng/giảm tương ứng 87 tỉ đồng/năm.
Sang đến quí 1-2022, những rủi ro được cảnh báo nói trên đã thể hiện bằng những con số nhảy vọt rất cụ thể. Ảnh hưởng từ những căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang và nay đã chuyển thành xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine, giá nhiên liệu bay thời gian qua tăng mạnh với mức giá giao ngay ngày 10-3 lên tới 161 đô la/thùng (trong khi giá bình quân năm 2021 chỉ khoảng 73 đô la/thùng). Với mức tăng hơn gấp đôi này, kết quả SXKD của Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways đã bị tác động rất mạnh. Hãng nào càng bay nhiều thì chi phí càng lớn và số lỗ càng nhân lên.
Đại diện một hãng hàng không cho biết, do chi phí nhiên liệu luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí của doanh nghiệp vận tải hàng không (thông thường chiếm khoảng 30-40% chi phí SXKD), nên với sản lượng điều hành hiện tại, nếu giá nhiên liệu bay tăng thêm 1 đô la trong 9 tháng cuối năm sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng thêm 106 tỉ đồng.
Tuy thị trường thế giới đang tìm cách khắc phục các gián đoạn nguồn cung để bình ổn mức giá, nhưng nhìn chung các nhà phân tích dự báo mặt bằng giá bình quân sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Với mức giá future ngày 10-3 và kịch bản sản lượng hiện tại, tổng chi phí nhiên liệu năm 2022 của các hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines hay Vietjet là sẽ cao hơn kế hoạch khoảng 4.800 tỉ đến 6.200 tỉ đồng do cả yếu tố giá và sản lượng (tạm tính sản lượng khai thác tương đương nhau). Còn nếu quy về mặt bằng sản lượng điều hành hiện tại, chi phí sẽ tăng khoảng 2.400 tỉ đến 3.750 tỉ đồng do mức giá tăng cao hơn dự kiến đầu năm (dự kiến đầu năm giá 80 đô la).
Điều này cộng hưởng với những hệ lụy do phải điều chỉnh khai thác bay đổi hướng để tránh cuộc chiến Nga - Ukraine khiến chi phí cụ thể của các chuyến tăng lên nhiều. Ví dụ chặng Hà Nội - Paris bay bằng tàu B787 bay tránh Nga qua Trung Quốc và Kazakhstan khiến thời gian bay tăng thêm 02h05 phút, ước chi phí tăng thêm 20.000 đô la Mỹ/chuyến bay.
Ở một góc độ khác, do cạnh tranh hàng không khốc liệt nên từ mấy năm gần đây và trong thời điểm dịch bệnh, các hãng vẫn đổ tải mạnh vào nội địa nhằm giữ và chiếm lĩnh thị phần, làm cho giá vé bình quân sụt giảm liên tiếp, chồng thêm lỗ.
Sự phục hồi của thị trường nội địa không đỡ nổi giá vé bình quân ở mức rất thấp, chi phí kinh doanh cao và bị ảnh hưởng lớn bởi rủi ro giá dầu và chiến tranh Nga-Ukraine thì ngày cân bằng được tài chính và phục hồi của các hãng hàng không vẫn còn rất xa.