Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các hãng hàng không tranh nhau đặt mua máy bay mới với số lượng cực lớn

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Một cuộc cạnh tranh dữ dội đang diễn ra giữa Airbus và Boeing để giành những đơn hàng lớn trong bối cảnh ngành hàng không thế giới hồi phục sau Covid-19. Tuy vậy, các chuyên gia hàng không đã cảnh báo về những rủi ro tài chính và quản trị của cơn sốt mới.

IndiGo đặt hàng 500 máy bay thân hẹp A320 của Aribus tại triển lãm hàng không Paris Air Show 2023. Ảnh minh hoạ: Indigo

Nhu cầu bùng nổ ở Ấn Độ

Đơn hàng 500 chiếc máy bay Airbus thân hẹp của hãng IndiGo trở thành hợp đồng lớn nhất của một hãng chế tạo máy bay trong lịch sử hàng không thế giới. Hợp đồng này cũng mở ra sự vươn lên mạnh mẽ của Ấn Độ để trở thành thị trường hàng không lớn thứ ba toàn cầu sau Mỹ và Trung Quốc vào năm 2030.

Các máy bay mới của IndiGo sẽ được giao từ năm 2030 đến 2035. Trong thông cáo báo chí, IndiGo cũng cho biết họ cũng đang chờ giao 480 máy bay đã đặt hàng trước đó với Airbus vào cuối thập niên này. IndiGo hiện đang vận hành đội máy bay Airbus gồm 300 chiếc.

Tại triển lãm hàng không Paris Air Show, CEO Pieter Elbers của IndiGo phát biểu: “Thật khó để phóng đại tầm quan trọng của đơn đặt hàng lịch sử 500 chiếc Airbus A320 của IndiGo. Đơn hàng với gần 1.000 máy bay trong thập niên tới cho phép IndiGo hoàn thành sứ mệnh của mình là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gắn kết xã hội và đi lại hàng không ở Ấn Độ”.

Đơn đặt hàng trị giá nhiều tỉ đô la Mỹ của IndiGo diễn ra khi cạnh tranh nóng lên trong lĩnh vực hàng không dân dụng và bùng nổ du lịch tại Ấn Độ.

Air India vào tháng 2 đã đặt hàng 470 máy bay từ cả Boeing và Airbus, bao gồm 70 máy bay loại thân rộng để khai thác các chuyến bay quốc tế đường dài. Bắt đầu hoạt động vào tháng 8 năm ngoái và sẽ bắt đầu các tuyến quốc tế trong năm nay, hãng đồng hương non trẻ Akasa Air cho biết sẽ đặt hàng máy bay mới ở mức "ba chữ số" trên đơn đặt hàng 72 máy bay hiện có với Boeing.

Quốc gia Nam Á này đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba vào cuối thập niên này. Hãng tư vấn hàng không CAPA ước tính rằng lưu lượng hàng không nội địa của Ấn Độ sẽ tăng 20% trong năm kết thúc vào tháng 3-2024 lên 160 triệu lượt khách, trong khi lưu lượng quốc tế có thể tăng 27% lên 75 triệu lượt.

Chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng lên kế hoạch đầu tư 11,8 tỉ đô la để xây mới và hiện đại hóa sân bay. Số sân bay trên toàn quốc sẽ tăng lên 220 vào năm 2025 từ con số 140 hiện nay.

Đơn hàng tới tấp

Chỉ trong vài tháng đầu năm 2023, đơn hàng máy bay mới đã tấp nập đến Airbus và Boeing, với số lượng vượt 1.000 chiếc.

Tháng 3, hai hãng hàng không của Saudi Arabia là Saudi Arabian Airlines và Riyadh Air công bố kế hoạch đặt mua tổng cộng 78 máy bay Boeing. Riyadh Air là hãng hàng không quốc gia mới thành lập của Saudi Arabia trong bối cảnh quốc gia này đẩy mạnh cạnh tranh với các trung tâm hàng không trong khu vực.

Đầu tháng 5, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu Ryanair cũng thông báo đạt thỏa thuận đặt mua tới 300 máy bay Boeing. CEO Michael O'Leary của Ryanair nói rằng hãng chấp nhận trả giá cao hơn các đơn hàng trước nhằm đảm bảo nguồn cung máy bay thân hẹp. Các chuyên gia hàng không dự báo loại máy bay này sẽ trở nên khan hiếm hơn vào cuối thập niên này.

Giữa tháng 5, hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Turkish Airlines thông báo dự định đặt mua tới 600 máy bay vào tháng 6 này và có thể công bố tại triển lãm hàng không đang diễn ra tại Paris.

Hồi tháng 4 khi công bố kế hoạch chiến lược 10 năm, hãng Turkish Airlines đã đặt mục tiêu đạt công suất phục vụ 170 triệu hành khách vào năm 2033, tăng gấp đôi so với 85 triệu hành khách trong năm 2023.

Để hiện thực hóa, Chủ tịch Ahmet Bolat nhấn mạnh rằng Turkish Airlines sẽ mua 200 máy bay thân rộng phục vụ các tuyến bay dài và 400 máy bay thân hẹp từ Airbus và Boeing.

Đánh giá về tham vọng của Turkish Airlines, ông Rob Morris - người đứng đầu bộ phận tư vấn toàn cầu tại hãng tư vấn hàng không Ascend by Cirium có trụ sở tại London, cho rằng: "Hãng bay của Thổ Nhĩ Kỳ đang ấp ủ tham vọng xây dựng trung tâm hàng không có thể kết nối các địa điểm tại châu Âu với các điểm đến ở khắp châu Á và châu Phi”.

Việc Turkish Airlines lên kế hoạch mở rộng phi đội máy bay, tăng công suất vận tải hành khách sẽ làm nóng cuộc cạnh tranh trong ngành hàng không giữa trung tâm hàng không Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ với các đối thủ ở châu Âu và Trung Đông.

Lâu nay, các hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh gay gắt với các hãng bay đối thủ ở vùng Vịnh như Emirates, Qatar Airways và Etihad về vận tải hành khách quá cảnh. Năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ khai trương sân bay mới trị giá 12 tỉ đô la tại Istanbul. Sân bay này được đánh giá là “có lợi thế địa lý” để cạnh tranh với các trung tâm hàng không khác tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Doha (Qatar).

Cùng lúc với đơn hàng của IndiGo, Reuters đưa tin Airbus đang thương thảo để bán máy bay cho hãng Viva Aerobus. Số lượng máy bay thân hẹp mà hãng bay giá rẻ Mexico dự định đặt từ Airbus ở mức ba chữ số, tức ít nhất từ 100 chiếc.

Rủi ro trước mắt

“Có thể, các hãng hàng không lo ngại nguồn cung máy bay mới trong tương lai sẽ khan hiếm nên đổ xô đặt hàng sớm”. chuyên gia hàng không Rob Morris nhận định về số đơn hàng lớn nối tiếp nhau.

Các chuyên gia khác nói rằng số lượng đặt hàng khổng lồ như vậy cho thấy các hãng bay đang cạnh tranh gay gắt giành thị phần mà không chờ chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định.

Chuyện đổ xô mua máy bay mới của các hãng chắc chắc đi kèm rủi ro.

“Các hãng đang chạy đua mua máy bay mới để phục vụ cùng một lượng nhu cầu đi lại. Kết quả cuối cùng có thể là không hãng nào giành được lợi nhuận”, Reuters dẫn lời một chuyên gia.

Thời gian giao hàng sau năm 2030 cũng là canh bạc về lạm phát khi những điều khoản điều chỉnh giá trong hợp đồng có thể khiến giá trị đơn hàng lớn tăng thêm hàng tỉ đô la vào thời điểm máy bay được bàn giao.

Do đó, các chuyên gia nhận định rằng: “Chỉ những hãng bay có khả năng kiểm soát chi phí chặt chẽ hoặc có các cam kết chính trị mạnh mẽ mới có thể tự tin khi tham gia cuộc đua tranh mua bán rất nhiều tỉ đô la này”.

Theo Reuters, Bloomberg, Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới