Thứ tư, 20/11/2024
30.6 C
Ho Chi Minh City

Các hãng xe Nhật Bản chấm dứt việc chèn ép nhà cung cấp

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đồng ý dừng cách hành xử chèn ép nhà cung cấp của họ và cam kết đối xử công bằng hơn với các doanh nghiệp nhỏ. Đây cũng là vấn đề mà các nhà cung cấp ở Nhật Bản khác đang đối mặt trong các lĩnh vực khác bao gồm ngành bán lẻ.

Công nhân làm việc tại nhà máy của Jatco, nhà cung cấp bộ phận truyền động ô tô, ở tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Việc các hãng xe của Nhật Bản mặc cả để hạn chế giá của các nhà sản xuất linh kiện và phụ tùng một cách bất công và đôi khi bất hợp pháp đang là mối lo ngại lớn hiện nay khi chính phủ Nhật Bản tìm cách tăng lương ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong cuộc họp báo hôm 23-5, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) cho biết, các công ty thành viên của JAMA sẽ chấp nhận tất cả các chi phí cơ bản cũng như chi phí của năng lượng và nguyên liệu thô tăng thêm từ các nhà cung cấp. Họ cũng đồng ý tham khảo ý kiến của các nhà cung cấp về khả năng chấp nhận chi phí lao động tăng thêm.

“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này. 14 công ty thành viên của JAMA cam kết nỗ lực phát triển giao dịch kinh doanh trong toàn bộ chuỗi cung ứng dựa trên tiền đề tuân thủ pháp luật”, Masanori Katayama, Chủ tịch JAMA đồng thời là Chủ tịch của hãng xe Isuzu Motors nói.

Việc lạm dụng nhà thầu phụ của các nhà sản xuất ô tô nổi lên hồi tháng 3 khi Ủy ban Thương mại công bằng Nhật Bản (JFTC) báo cáo rằng hãng xe Nissan cắt giảm bất hợp pháp các khoản thanh toán khoảng 3 tỉ yen (19,1 triệu đô la Mỹ) đối với 36 nhà thầu phụ trong khoảng thời gian từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2023. Đây là khoản thanh toán bị cắt giảm lớn nhất kể từ khi Đạo luật thầu phụ của Nhật Bản ban hành vào năm 1956. Hiện tại, Nissan đã giải quyết số tiền này cho các nhà cung cấp.

JFTC cảnh báo Nissan không được mặc cả bất công với nhà thầu phụ, đồng thời yêu cầu JAMA hướng dẫn các thành viên thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Bởi những trường hợp tương tự liên tục xảy ra trong ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản những năm gần đây.

Ông Masanori Katayama kêu gọi các hãng xe liên lạc chặt chẽ hơn với nhà cung cấp và giúp họ dễ dàng bày tỏ các quan ngại trong quá trình đàm phán. Ông cho biết thêm, JAMA sẽ hợp tác với Hiệp hội công nghiệp phụ tùng ô tô Nhật Bản để giải quyết vấn đề chèn ép nhà cung cấp.

Đầu tháng này, Đài truyền hình TV Tokyo đưa tin, Nissan đã tiếp tục gây áp lực với các nhà thầu phụ và cắt giảm thanh toán ngay cả sau khi bị JFTC cảnh báo hồi tháng 3. Makoto Uchida, CEO Nissan, người tham dự cuộc họp báo 23-5 cho biết, công ty vẫn đang kiểm tra xem báo cáo của TV Tokyo có đúng hay không.

“Chúng tôi chân thành xin lỗi tất cả các bên liên quan khi truyền thông đưa tin về vụ việc này trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực để đảm bảo các giao dịch kinh doanh phù hợp”, ông Uchida, người cũng là Phó Chủ tịch JAMA nói.

Hôm 24-5, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản, Ken Saito kêu gọi Nissan nhanh chóng hoàn tất cuộc điều tra về cáo buộc trên và đưa ra lời giải thích.

Việc các công ty lớn lợi dụng sự thống trị thị trường để o ép các nhà thầu phụ duy trì hoặc giảm giá là vấn đề tồn tại ở Nhật Bản trong nhiều thập niên và vẫn còn phổ biến. Trong năm tài chính 2022, JFTC đã đưa ra 6 cảnh báo hành chính và 8.665 thông báo cho các công ty về khả năng vi phạm Đạo luật nhà thầu phụ. Các nhà sản xuất nhận được 37% số thông báo, trong khi tỷ lệ này ở các công ty bán buôn và bán lẻ là 19,8%.

Giới chức trách Nhật Bản đang nỗ lực hành động để xác định rõ hơn và giải quyết hiệu quả hơn tình trạng lạm dụng nhà thầu phụ của các tập đoàn lớn. Bộ Công nghiệp Nhật Bản đã tăng số lượng thanh tra viên phụ trách việc đối xử không công bằng với các nhà cung cấp nhỏ lên 330 người trong năm nay, từ mức 120 người trong năm 2018.

JFTC đang tìm cách củng cố Đạo luật thầu phụ vào năm tới bằng cách đưa ra quy định mới xem việc các công ty lớn phớt lờ yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp đang chịu chi phí đầu vào cao hơn là bất hợp pháp.

JFTC cũng đang tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về Đạo luật thầu phụ nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. JFTC thông qua sự phối hợp với Cơ quan doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đã chỉ định tháng 11 hàng năm là “Tháng quảng bá giao dịch hợp đồng thầu phụ công bằng”.

Japan Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới