Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các hộ gia đình ở Anh nợ tiền điện và khí đốt kỷ lục 3 tỉ bảng

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -Các hộ gia đình ở Anh đang gánh khoản nợ tiền điện và khí đốt kỷ lục 3 tỉ bảng (3,8 tỉ đô la Mỹ). Điều này cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vẫn đang diễn ra, với hóa đơn năng lượng còn tương đối cao.

Các hộ gia đình ở Anh vẫn chật vật thanh toán hóa đơn năng lượng dù giá điện và khí đốt đã giảm đáng kể trong năm qua. Ảnh: PA Images

Số liệu trên được Cơ quan quản lý các thị trường khí đốt và điện của Anh (Ofgem) công bố hôm 15-12.  Theo Ofgem, đây được xem là khoản nợ xấu, khó thu hồi. Ofgem cho biết, ngân sách hộ gia đình hạn chế đã đẩy tổng số tiền nợ của họ với các nhà cung cấp năng lượng lên tới 400 triệu bảng kể từ giữa tháng 10. Vì vậy, Ofgem đã thông báo triển khai cuộc tham vấn về đề xuất hỗ trợ các nhà cung cấp bù đắp chi phí nợ cao hơn bằng cách tính thêm một khoản phụ phí vào tất cả các hóa đơn năng lượng của hộ gia đình. Các bên tham vấn bao gồm ngành năng lượng, các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng và người dân.

Khoản phụ phí này sẽ bổ sung thêm khoảng 16 bảng (20 đô la Mỹ) vào hóa đơn của mỗi hộ gia đình hàng năm thông qua việc điều chỉnh đơn giá cho mỗi đơn vị năng lượng (KWh). Ofgem giải thích, động thái này là cần thiết để đảm bảo tài chính cho các nhà cung cấp năng lượng và có thể hỗ trợ cho những hộ gia đình khó khăn.

“Chúng tôi hiểu rằng, áp lực chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng nặng nề đến mọi người. Điều này thể hiện rõ qua số nợ hóa đơn lượng ngày càng tăng và đạt mức cao kỷ lục”, Tim Jarvis, tổng giám đốc thị trường của Ofgem, cho biết.

Tuy nhiên , ông lưu ý, Ofgem cần phải hành động để đảm bảo các nhà cung cấp nặng lượng có thể thu hồi được chi phí hợp lý, giúp duy trì sự ổn định của thị trường.

Giá điện và khí đốt ở Anh đã giảm kể từ mùa đông năm ngoái khi giá khí đốt bán buôn đạt mức cao kỷ lục do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, đẩy mức giá trần năng lượng ở Anh lên tới 4.059 bảng mỗi năm, khiến chính phủ phải vào cuộc để trợ cấp cho các hộ gia đình. Giá trần năng lượng là mức số tiền điện và khí đốt trung bình tối đa mà các nhà cung cấp có thể thu từ mỗi hộ gia đình ở Anh hàng năm. Giá trần này được sử dụng để tính toán giá của mỗi đơn vị năng lượng. Vì vậy, giá trần chỉ  giúp giới hạn mức mà nhà cung cấp tính giá cho mỗi đơn vị năng lượng, chẳng hạn như KWh điện, chứ không phải giới hạn chi phí năng lượng tối đa mà mỗi hộ gia đình cụ thể phải trả.

Sau khi chương trình trợ cấp chấm dứt, nhiều hộ gia đình phải vật lộn để thanh toán hóa đơn điện và khí đốt. Dù giá bán buôn khí đốt và điện đã giảm nhưng vẫn ở trên mức trước khủng hoảng năng lượng. Giá trần năng lượng hiện nay ở Anh giảm xuống còn 1.834 bảng mỗi năm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức thông thường dưới 1.100 bảng mỗi năm trước khủng hoảng.

Ofgem thiết kế khoản phụ phí vào hóa đơn năng lượng để tránh lặp lại tình trạng hỗn loạn của thị trường vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 khi 30 nhà cung cấp sụp đổ do giá khí đốt bán buôn tăng cao và mức trần giá năng lượng khiến họ không thể chuyển thêm chi phí sang người tiêu dùng.

Vào thời điểm đó, Ofgem đã hỗ trợ các nhà cung cấp năng lượng còn lại bằng cách cho phép họ tính phụ phí 82 bảng mỗi năm đối với hàng triệu khách hàng (của các nhà cung cấp đã sụp đổ) chuyển sang sử dụng dịch vụ của họ.

Các nhà hoạt động chỉ trích đề xuất thu phụ phí mới nhất của Ofgem vì cho rằng các công ty năng lượng tiếp tục thu về hàng tỉ đô la lợi nhuận, trong khi nhiều người tiêu dùng đang vật lộn với các hóa đơn.

“Mức phụ phí gây sốc này là không công bằng. Các nhà cung cấp năng lượng đã kiếm hàng tỉ đô la  lợi nhuận trong năm nay trong khi hàng triệu người phải sống trong những ngôi nhà lạnh lẽo, ẩm ướt. Mức nợ tiền điện và khí đốt cao kỷ lục là do hệ thống năng lượng có vấn đề của Anh, chứ không phải lỗi của người dân”, Simon Francis, điều phối viên của Liên minh chấm dứt nghèo nhiên liệu (EFPC), nói.

Gillian Cooper, giám đốc năng lượng của tổ chức bảo vệ người dùng Citizens Advice, kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn để hỗ trợ các hộ gia đình đang gặp khó khăn.

“Nếu không hành động, chúng ta sẽ vẫn mắc kẹt trong một chu kỳ, trong đó mức nợ năng lượng ngày càng tăng dần, đẩy mức trần giá lên cao, dẫn đến hóa đơn cao hơn cho tất cả mọi người”, bà nói.

Theo Financial Times, Guardian

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới