Thứ sáu, 6/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Dự án đường ống khí đốt Nga-Trung rơi vào bế tắc

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nỗ lực của Nga nhằm ký kết một thỏa thuận xây dựng đường ống bán đến 50 tỉ mét khối khí đốt sang Trung Quốc hàng năm rơi vào bế tắc khi Moscow không đồng ý yêu cầu của Bắc Kinh về giá và sản lượng mua cam kết.

Nga và Trung Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận về mức giá và khối lượng mua hàng năm từ dự án đường ống khí đốt Power of Siberia 2. Ảnh: pipeline-journal.net

Giá mua thấp, Nga không chấp nhận

Thỏa thuận về dự án đường ống khí đốt Power of Siberia 2 (PS-2), kết nối khu vực Tây Siberia của Nga và khu vực đông bắc của Trung Quốc đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc đẩy trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng trước.

Việc phê duyệt dự án đường ống này sẽ giúp cải thiện hoạt động kinh doanh sa sút của Gazprom, công ty độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga, bằng cách kết nối thị trường Trung Quốc với các mỏ khí đốt ở miền Tây của Nga, nơi từng cung cấp cho châu Âu.

Tờ Financial Times hôm 2-6 dẫn ba nguồn thạo tin cho biết, Bắc Kinh đã yêu cầu trả mức giá gần bằng giá khí đốt trợ cấp trong nước ở Nga và chỉ cam kết mua một phần nhỏ so với công suất hàng năm theo kế hoạch là 50 tỉ mét khối (bcm) khí đốt của dự án PS-2. Theo các nguồn tin, Nga không chấp nhận mặc cả này.

“Rõ ràng là Nga sẽ không thể kiếm được bất kỳ lợi nhuận nào bằng cách xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc”, Vladimir Milov, cựu Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga, nói khi đề cập đến mức giá mua mà Trung Quốc đề xuất ở dự án PS-2.

Trong khi Moscow khẳng định vẫn tin tưởng khả năng đạt thỏa thuận đường ống PS-2 “trong tương lai gần”, hai nguồn tin nói rằng đàm phán bế tắc là lý do khiến Alexei Miller, CEO của Gazprom, không tham gia cùng ông Putin trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh hồi tháng trước.

Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Carnegie Russia Eurasia ở Berlin, nhận xét việc Nga không đạt được thỏa thuận về dự án PS-2 với Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã trở thành đối tác ở thế “thượng phong” như thế nào trong mối quan hệ giữa hai nước

“Về mặt chiến lược, Trung Quốc có thể cần khí đốt của Nga như một nguồn cung an toàn không phụ thuộc vào trên các tuyến vận chuyển hàng hải. Nhưng để đạt được mục tiêu chiến lược đó, Trung Quốc thực sự cần một mức giá khí đốt rất rẻ và các nghĩa vụ linh hoạt”, Gabuev nói.

Nhân viên kiểm tra van gas tại trạm nén Atamanskaya ở khu vực Amur của Nga, một phần của đường ống dẫn khí Power Of Siberia 1 (PS-1) của Gazprom. Ảnh: Reuters

Không muốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga

PS-2 là dự án đường ống khí đốt thứ 3 kết nối Nga với Trung Quốc. Đầu năm nay, dự án đường ống khí đốt Viễn Đông Trung-Nga đã được khởi công, dự kiến cung cấp cho Trung Quốc 10 bcm khí đốt mỗi năm kể từ năm 2027. Một dự án đường ống khác, có tên gọi Power of Siberia 1 (PS-1), vẫn đang được xây dựng, chưa vận hành đầy đủ công suất.

Nga đã tăng vận chuyển khí đốt qua dự án PS-1 từ 10,4 bcm vào năm 2021 lên 22,7 bcm vào năm 2023. Con số này chiếm 34% sản lượng nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Trung Quốc. Nga kỳ vọng PS-1 sẽ đạt công suất tối đa 38 bcm/năm vào năm 2025.

Nếu thực hiện đúng kế hoạch, ba đường ống trên cuối cùng sẽ cung cấp 98 bcm khí đốt mỗi năm cho Trung Quốc. Con số đó tương đương với tổng lượng khí đốt xuất khẩu qua đường ống của Nga vào năm ngoái và 1/4 tổng lượng tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc trong năm đó.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ cản trở chiến lược an ninh năng lượng của Trung Quốc, nước nhập Bắc Kinh đã nỗ lực để đa dạng hóa nhập khẩu năng lượng nhằm giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ nguồn cung nào.

Trung Quốc đã có ba đường ống tiếp nhận khí đốt từ Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan. Ở phía tây nam, nước này cũng đã xây dựng đường ống để nhập khẩu khí đốt từ Myanmar. Trên bờ biển phía đông nam, Trung Quốc đã phát triển một cụm thiết bị đầu cuối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể tiếp nhận hàng nhập khẩu từ hơn 20 quốc gia bao gồm Qatar và Úc.

Trung Quốc đặt mục tiêu đạt đỉnh phát thải carbon vào năm 2030, năm mà PS-2 ​​bắt đầu hoạt động nếu dự án này sớm được bật đèn xanh. Để đạt mục tiêu, chính phủ nước này sẽ cần phải cắt giảm tiêu thụ khí đốt tương đương với 50 bcm mà PS-2 vận chuyển hàng năm.

Với tốc độ triển khai công suất điện mặt trời và điện gió nhanh chóng, Trung Quốc có thể đạt đỉnh phát thải sớm hơn 5 năm so với thời hạn đặt ra ban đầu.

Nga sẽ chấp nhận các điều kiện của Bắc Kinh?

Theo một báo cáo gần đây của CGEP, nhu cầu khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc dự kiến ​​đạt khoảng 250 bcm vào năm 2030, tăng từ mức dưới 170 bcm trong năm 2023.

Báo cáo cho biết, nhu cầu khí đốt của Bắc Kinh vào năm 2030 vẫn có thể được đáp ứng phần lớn hoặc toàn bộ thông qua các hợp đồng cung cấp khí đốt vận chuyển bằng đường ống và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện có. Tuy nhiên, đến năm 2040, chênh lệch giữa nhu cầu nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc và các hợp đồng cung cấp hiện có sẽ lên tới 150 bcm.

Gabuev cho biết, Gazprom có ​​thể sẽ phải chấp nhận các điều kiện của Trung Quốc vì không tìm ra thị trường khác thay thế châu Âu để hấp thụ nguồn cung khí đốt dư thừa.

“Trung Quốc tin rằng thời gian đang ủng hộ nước này. Trung Quốc vẫn có thể chờ đợi để giành được những điều kiện tốt nhất từ ​​phía Nga. Đường ống này có thể được xây dựng khá nhanh chóng vì các mỏ khí đốt ở Nga đã được phát triển. Rốt cục thì Nga không còn lựa chọn nào khác để bán khí đốt từ các mỏ này”, ông nói.

Trước cuộc chiến ở Ukraine, Gazprom bán khí đốt cho châu Âu với giá cao để trợ cấp cho thị trường nội địa Nga.

Dựa vào dữ liệu hải quan giai đoạn 2019-2021, các nhà nghiên cứu của CGEP ước tính, Trung Quốc mua khí đốt của Nga với giá thấp hơn các nhà cung cấp khác. Mức giá trung bình mà Trung Quốc trả để mua khí đốt của Nga là 4,4 đô la Mỹ / một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu). Trong khi đó, mức giá mà Bắc Kinh trả để mua khí đốt của Myanmar và Uzbekistan lần lượt là 10 đô la và  5 đô la/ MMBtu.

Trong cùng giai đoạn đó, Nga xuất khẩu khí đốt sang châu Âu với giá khoảng 10 đô la/ MMBtu, theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương Nga.

Xuất khẩu khí đốt của Gazprom sang châu Âu giảm xuống còn 22 bcm vào năm 2023, từ mức trung bình 230 bcm /năm trong thập niên trước cuộc xung đột Nga-Ukraine. Con số này có thể sẽ giảm hơn nữa khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine hết hạn vào cuối năm nay.

Những tác động tiềm tàng của dự án PS-2

Báo cáo của CGEP nhận định, nếu được triển khai, dự án PS-2 sẽ tác động sâu sắc đến thị trường khí đốt châu Á cũng như toàn cầu. 50 bcm khí đốt của Nga cung cấp cho Trung Quốc mỗi năm qua đường ống này sẽ thay thế sản lượng LNG nhập khẩu tương đương của Trung Quốc. Con số đó hơn tổng sản lượng xuất khẩu LNG của Nga trong năm 2023.

Nếu PS-2 bắt đầu vận hành vào năm 2030 như kế hoạch hiện tại của Gazprom, khí đốt bổ sung từ Nga có thể gây áp lực lên một trường vẫn đang đối mặt với nguồn cung dư thừa từ làn sóng đầu tư LNG mới nhất. Từ năm 2024 đến năm 2030, công suất xuất khẩu LNG mới trên toàn cầu có thể tăng dần lên và đạt gần 300 bcm/năm.

Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, làn sóng nguồn cung LNG lớn chưa từng có này sẽ đẩy thị trường vào tình trạng cung vượt cầu trong giai đoạn từ năm 2026 đến cuối thập niên 2020 hoặc đầu thập niên 2030. Trung Quốc dự kiến hấp thụ phần lớn nguồn cung LNG dư thừa. Tuy nhiên, dự án PS-2 có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa bằng cách làm suy yếu nhu cầu LNG của Trung Quốc.

PS-2 cũng có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của các nhà nhập khẩu LNG Trung Quốc với tư cách là những nhà kinh doanh có thể chi phối thị trường khí đốt toàn cầu. Với nguồn cung khí đốt dồi dào nhờ 50 bcm từ dự án PS-2, họ sẽ tìm cách tối ưu hóa lợi nhuận từ LNG nhập khẩu bằng cách đẩy mạnh hoạt động tái xuất.

Theo CGEP, điều này có thể củng cố vai trò của Trung Quốc như là thế lực cân bằng thị trường LNG toàn cầu vào thập niên 2030, với những hậu quả sâu rộng đối với dòng chảy thương mại LNG, tính thanh khoản thị trường và địa chính trị năng lượng.

Viện nghiên cứu châu Âu về châu Á (EIAS), có trụ sở ở Brussels (Bỉ), nhận định, việc Trung Quốc tiếp cận nguồn khí đốt giá rẻ của Nga, kết hợp với giá năng lượng tăng cao ở châu Âu, có nguy cơ làm trầm trọng thêm hoạt động bán phá giá của các ngành công nghiệp Trung Quốc ở thị trường nước ngoài, cũng như gia tăng cạnh tranh đối với ngành sản xuất của châu Âu.

Do nhập khẩu dầu và LNG từ Mỹ với giá cao, nguồn dự trữ trong khu vực hạn chế và tình trạng bất ổn ở Trung Đông, châu Âu hiện đối mặt với chi phí năng lượng đắt đỏ hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.

 Theo Financial Times, eias.org, energypolicy.columbia.edu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới