Thứ năm, 5/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các nền kinh tế mới nổi đối mặt rủi ro sai lầm chính sách

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi đang đối mặt với tình thế bế tắc khi tăng trưởng kinh tế sụt giảm, đồng nghĩa với việc không thể thắt chặt các điều kiện tiền tệ. Trong khi đó, lạm phát tăng cao cũng không cho phép các ngân hàng trung ương ngừng tăng lãi suất và hệ quả là rủi ro phạm sai lầm chính sách tiền tệ ngày càng tăng.

Người mua sắm xem giá ở một quầy thịt ở chợ Lehel tại Budapest, Hungary, nước chứng kiến lạm phát tăng 21,1% trong tháng 10, thuộc hàng cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) Ảnh: Bloomberg

Các nước từ Ba Lan đến Colombia, Ấn Độ đến Hàn Quốc đang cố gắng tìm ra cách xác định chi phí vay phù hợp để không làm tê liệt nền kinh tế nhưng vẫn đủ để kiềm chế giá tiêu dùng. Câu trả lời không rõ ràng hoặc dễ dàng. Chừng nào Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) còn tiếp tục tăng lãi suất và Trung Quốc còn gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 thì các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển vẫn phải phụ thuộc các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát.

Các thị trường mới nổi đã chứng kiến một cuộc tháo chạy của nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay dù lãi suất đã tăng với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Trái phiếu chính phủ của doanh nghiệp giảm mạnh nhất ít nhất là kể từ năm 2009 và đồng tiền đối mặt với việc hướng đến mức mất giá hàng năm tồi tệ nhất kể từ vụ vỡ nợ của Nga năm 1998.

Bất kỳ đợt bán tháo tài sản nào nữa đều có thể khiến doanh nghiệp mất khả năng tiếp cận thị trường vốn đã đẩy họ vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hoặc thậm chí là sự sụp đổ kinh tế như tình cảnh hiện nay của Sri Lanka.

Bài học cay đắng của Hungary

Các nước Đông Âu bao gồm Romania, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Hungary đang chứng kiến lạm phát cao ở mức hai con số (các cột bên trái), dẫn đến xác suất suy thoái tăng cao (các cột bên phải) trong năm tới. Ảnh: Bloomberg

“Sai lầm chính sách chắc chắn là điều mà chúng tôi phải lo lắng. Nếu bạn tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản nữa, liệu điều đó có khiến nền kinh tế của bạn chìm xuống không?”, Tilmann Kolb, nhà phân tích thị trường mới nổi tại UBS Global Wealth Management nói.

Hungary là nước đầu tiên nhận được bài học cay đắng này. Sau một trong những chu kỳ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất thế giới với lãi suất chuẩn tăng lên 21 lần trong 16 tháng, quốc gia Đông Âu này đã dừng tăng sau một cuộc họp chính sách trong tháng 9.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Hungary buộc phải tiếp tục lập trường “diều hâu” do lạm phát tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1996 và đồng forint của nước này giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng euro.

Giờ đây, áp lực đang gia tăng theo hướng ngược lại khi nền kinh tế Hungary bị thu hẹp và các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán một cuộc suy thoái sẽ xảy ra vào nửa đầu năm 2023.

Kinh nghiệm của Hungary là một lời cảnh báo sớm cho nhiều thị trường mới nổi khác. Ở Đông Âu, cả Cộng hòa Czech lẫn Ba Lan đều đang hướng đến kịch bản xấu vì các dự báo cho thấy có thể phải đối mặt với xác suất suy thoái lần lượt là 82,5% và 67,5% dù đã tạm dừng tăng lãi suất từ nhiều tháng trước. Với lạm phát dao động ở mức hai con số, hai nước này có thể có rất ít cơ hội để chống lại đà suy giảm GDP.

“Câu hỏi đặt ra là liệu người Ba Lan có thể ngừng tăng lãi suất hay không? Họ muốn dừng tăng vì lo lắng về nền kinh tế, nhưng nếu như vậy, lạm phát sẽ không được kiểm soát”, Amer Bisat, người đứng đầu toàn cầu về thu nhập cố định tại các thị trường mới nổi của BlackRock, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới, có trụ sở ở New York nói.

Không phải tất cả các lý do để tạm dừng thắt chặt tiền tệ là hoàn toàn phi lý. Lạm phát thực sự đã có dấu hiệu đạt đỉnh ở một số thị trường mới nổi, đặc biệt là những nước chứng kiến giá cả tăng vọt sớm như Brazil.

Tăng trưởng giá tiêu dùng của Mỹ đã chậm lại vào tháng 10. Điều này khuyến khích các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư chuyển sự chú ý sang những lo ngại về tăng trưởng. Tuy nhiên, những câu chuyện như Hungary có thể buộc các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc kỹ lưỡng. Rốt cuộc, có thể còn quá sớm để dừng cuộc chiến chống lại chi phí sinh hoạt đang gia tăng.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan đang xuất hiện ở Colombia, nước nổi tiếng với cà phê thơm, ngọc lục bảo tinh xảo và những loại trái cây hiếm. Nước này vừa ghi nhận giá cả tiêu dùng tăng tháng thứ sáu liên tiếp ngay cả khi nền kinh tế chững lại. Dữ liệu công bố hôm 5-12 cho thấy, lạm phát của Colombia đã tăng nhanh hơn dự kiến vào tháng 11, lên 12,53% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong 24 năm qua.

Điều này sẽ duy trì áp lực buộc ngân hàng trung ương của Colombia phải kéo dài chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh nhất từ ​​trước đến nay. Thế nhưng nếu tăng thêm lãi suất, tăng trưởng sẽ chịu tổn thương.

Theo dự báo của Ngân hàng Barclays, tốc độ tăng trưởng GDP của Colombia sẽ giảm đáng kể, từ 7,5% vào năm 2022 xuống còn 1,8% vào năm 2023.

Châu Á cũng đối mặt tình thế nan giải

Câu hỏi hóc búa về các sự lựa chọn chính sách cũng đang lan sang châu Á. Dù lục địa này may mắn có nhu cầu nội địa mạnh mẽ, lãi suất chuẩn thấp hơn so với các khu vực thị trường mới nổi khác và lạm phát tăng nhẹ hơn nhưng các nước trong khu vực này vẫn đối mặt với nguy cơ dòng vốn tháo chạy do lợi suất thực tế đang ở mức âm rất sâu. Các nước láng giềng của Trung Quốc cũng rất nhạy cảm với những trục trặc tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ủy ban chính sách tiền tệ của Hàn Quốc đã bất đồng trong cuộc họp hồi tháng trước về thời điểm dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Trong số bảy thành viên của ủy ban, ba người muốn dừng lại sau khi tăng thêm 25 điểm cơ bản, hai người muốn tiếp tục tăng lãi suất cao hơn mức đó và một người cho rằng lãi suất đã tăng đủ.

Sự chia rẽ quan điểm này làm nổi rõ mức độ phức tạp của việc đánh giá mức lãi suất phù hợp cuối cùng đối với các nền kinh tế mới nổi khi Fed chưa xác định được mức lãi suất cao nhất trong chu kỳ thắt chặt chính sách hiện tại. Trong khi đó, các quan chức Hàn Quốc đã bác bỏ các dự báo của hai ngân hàng Citigroup và Nomura Holdings về khả năng nước này có thể giảm lãi suất sớm nhất là vào giữa năm 2023.

Tại Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đã giảm hơn một nửa, xuống còn 6,3% trong quý gần nhất ngay cả khi tốc độ tăng giá tiêu dùng vẫn cao hơn mức cho phép của các nhà hoạch định chính sách.

Ấn Độ là một nước chậm trễ trong việc tăng chi phí đi vay. Điều này đã tạo ra dư địa cho việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa nhưng lãi suất tăng thêm có thể làm suy yếu tham vọng tăng trưởng của Ấn Độ. Xác suất tăng lãi suất mạnh hơn của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ trong tháng 12 sắp tới là 50:50.

Carlos Casanova, nhà kinh tế cao cấp tại Ngân hàng UBP (Thụy Sĩ), cho rằng nhu cầu cân bằng giữa giải quyết lạm phát và duy trì hoạt động kinh tế sẽ được nhìn thấy rõ hơn trên toàn thế giới vào năm tới nhưng tình thế tiến thoái lưỡng nan đã xuất hiện ở châu Á.

Các lời kêu gọi tạm dừng tăng lãi suất đang ngày càng mạnh hơn ở các thị trường mới nổi, cho thấy sự mệt mỏi với các chu kỳ tăng lãi suất. Ví dụ, ở Ba Lan, dữ liệu mới nhất lần đầu tiên cho thấy lạm phát hàng năm tăng chậm lại sau 8 tháng và các lập luận về việc chấm dứt thắt chặt tiền tệ đã nổi lên ngay lập tức. Trong tháng 11, lạm phát của Ba Lan tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 17,9% trong tháng 10.

“Quy mô lãi suất tăng thêm của Ba Lan là rất hẹp, nhưng cam kết giữ nguyên lãi suất vào thời điểm áp lực lạm phát cao dường như quá sớm và không linh hoạt. Các ngân hàng trung ương đang cam kết chấm dứt tăng lãi suất quá sớm”, Dan Bucsa, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Âu và Đông Âu của Ngân hàng UniCredit, viết trong một báo cáo.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới