(KTSG Online) – Thị trường nhà của Hồng Kông ảm đạm đến mức các căn nhà bị các ngân hàng phát mãi với giá rẻ vẫn khó tìm được người mua.
- Cuộc chiến giảm giá bán nhà Hồng Kông sắp bắt đầu?
- Ngành môi giới bất động sản Hồng Kông ồ ạt cắt giảm nhân sự khi thị trường suy sụp
Ngồi chật kín trong một văn phòng nhỏ ở một khu trung tâm tài chính của Hồng Kông trong một ngày gần đây là 20 người đang chờ cuộc đấu giá bất động sản tịch biên bắt đầu.
Những người tham gia đấu giá, bao gồm những phụ nữ luống tuổi tay xách túi hàng tạp hóa và những cặp vợ chồng trung niên mặc áo phông và giày thể thao đang tìm kiếm cơ hội mua một căn nhà giảm giá tại thị trường bất động sản từ lâu được coi là đắt đỏ nhất thế giới.
Trong số 24 bất động sản được rao bán, phần lớn là nhà bị các ngân hàng tịch biên do chủ nhà mất khả năng trả nợ vay thế chấp. Nhưng trước tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản Hồng Kông, những người mua tiềm năng này tỏ ra thận trọng.
Chỉ một trong số các bất động sản bán thành công. Số bất động sản còn lại không bán được do không có người nào trả giá được đặt giá thấp hơn mức giá tối thiểu.
Tại cuộc đấu giá, Anita Lam để mắt tới một căn hộ ở khu Tiêm Sa Chủy. Căn hộ nằm gần với nơi cô ấy sống hiện tại và mang đến cơ hội nâng cấp chỗ ở với giá hời. Nhưng giá đặt của cô không đạt đến mức giá tối thiểu của căn hộ này. Cô quyết không trả giá cao hơn vì ngân sách hạn hẹp.
Các cuộc đấu giá nhà bị tịch biên đã trở nên phổ biến hơn ở Hồng Kông khi số lượng nhà cửa bị chủ nợ tịch thu tăng lên. Theo Công ty môi giới Centaline Property Agency, trong tháng 9, số nhà tịch biên bán đấu giá thông qua công ty này tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái lên con số 271, cao nhất kể từ năm 2009.
Các công ty đấu giá khác cũng đang chứng kiến số lượng nhà phát mãi tăng đột biến. Theo Alger Cheng, Tổng giám đốc bộ phận đấu giá của Công ty C S Auctioneers, số lượng bất động sản bị tịch biên giao cho công ty bán đấu giá tăng lên gần 300 trong tháng 9 từ mức khoảng 100 vào đầu năm.
Cheng cho biết, các ngân hàng hiện sẵn sàng giảm giá nhà tịch biên để tăng doanh số bán hàng vì họ dự báo lượng hàng tồn kho của những ngôi nhà phát mãi sẽ chỉ tăng lên trong bối cảnh chu kỳ bất động sản đi xuống. Những bất động sản này có thể chiết khấu hơn 20% so với giá thị trường để thu hút người mua.
Thị trường bất động sản Hồng Kông đã trải qua đợt tăng giá kéo dài hai thập niên, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và khiến thành phố này được xếp hạng là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới vào năm 2020.
Nhưng kể từ năm 2021, giá nhà ở Hồng Kông giảm nhanh sau làn sóng di cư của cư dân, chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt, nền kinh tế suy yếu và lãi suất tăng hơn gấp đôi. Theo Centaline, giá nhà ở Hồng Kông hiện đã giảm 17% so với mức đỉnh năm 2021, dù có sự phục hồi ngắn trong nửa đầu năm nay.
Trong những năm bùng nổ, giá nhà của Hồng Kông tăng hơn 10% một năm. Để sở hữu một ngôi nhà, người dân phải vay mượn rất nhiều từ ngân hàng. Theo mReferral Mortgage Brokerage Services, các đơn đăng ký vay thế chấp mới với tỷ lệ khoản vay bằng 80% giá trị nhà, chiếm 36% tổng số trong năm 2022, tăng từ 14% vào năm 2019, khi Hồng Kông nới lỏng các quy định vay thế chấp đối với người mua nhà lần đầu.
Những người đi vay này là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong môi trường lãi suất cao hiện nay, với khoản thanh toán thế chấp hàng tháng tăng 30% kể từ tháng 3-2022 đối với khoản vay 30 năm cho bất động sản trị giá 5 triệu đô la Hồng Kông (638.000 đô la) trở lên.
Theo Dick Ip, Trợ lý Phó chủ tịch của Pan Asian Mortgage Advisory, chu kỳ giảm giá của thị trường bất động sản cũng góp phần gây áp lực lên các chủ sở hữu đang gặp khó khăn, khiến họ khó bán nhà nhanh chóng với mức giá có thể hoàn trả đủ khoản vay của họ.
Theo tính toán của Thời báo Kinh tế Hồng Kông, số lượng nhà bán lại với mức giá lỗ lên tới 95 căn trong tháng 9, mức cao nhất trong năm nay.
Tuy nhiên, tác động của thị trường bất động sản lên khu vực ngân hàng là rất nhỏ. Theo Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA), tỷ lệ nợ vay thế chấp quá hạn chỉ là 0,07% vào cuối tháng 6.
Giá nhà có thể giảm thêm 5% trong nửa cuối năm, Louis Chan, người đứng đầu bộ phận bất động sản dân cư của Centaline, dự báo. Điều này sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn khi các chủ nhà không có động lực trả nợ do khoản nợ vay thế chấp của họ vượt quá giá trị ngôi nhà mà họ mua. Chan cho biết, tổng số nhà ở bị tịch biên có thể tăng lên hơn 1.000 vào cuối năm nay.
Doanh số bán nhà mới ở Hồng Kông đạt 8.792 căn trong 9 tháng đầu năm và dự kiến sẽ lượng giao dịch nhà mới đạt 11.000 cho cả năm 2023. Đây là mức thấp thứ hai trong gần một thập niên, theo Centaline.
Trên thị trường nhà thứ cấp, tình hình cũng không mấy khả quan. Theo Centaline, 9 tháng đầu năm có 24.158 giao dịch trên thị trường nhà thứ cấp. Tổng số giao dịch nhà thứ cấp dự báo cho cả năm là khoảng 31.000, thấp nhất kể từ năm 1996, khi dữ liệu bắt đầu được thống kê.
Theo Bloomberg