(KTSG Online) - Khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt bóp nghẹt ngân sách người tiêu dùng, mùa mua sắm Giáng sinh năm nay khó có thể mang lại sự nhẹ nhõm cho các nhà bán lẻ châu Âu với mọi thứ hàng hóa, từ giày thể thao cho đến túi xách...
- Lạm phát cao kỷ lục, châu Âu đứng trước lựa chọn khó khăn
- Chi phí năng lượng tàn phá ngành thời trang châu Âu
Tuần trước, Amazon.com (Mỹ) đã đưa ra một chỉ báo rõ ràng về triển vọng kinh doanh trong mùa lễ Giáng sinh sắp tới khi dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng chậm lại trong giai đoạn này. Amazon cảnh báo rằng người tiêu dùng sẽ mua sắm thận trọng trong thời kỳ bão giá và doanh nghiệp cũng sẽ chi tiêu ít hơn. Ngay cả những tên tuổi bán lẻ lớn ở châu Âu cũng cảnh báo về những tháng khó khăn sắp tới.
Hãng đồ thể thao của Đức Adidas đã hạ dự báo triển vọng kinh doanh của năm 2022. Nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới H&M (Thụy Điển) công bố chiến dịch cắt giảm chi phí trị giá 2 tỉ krona (177 triệu đô la Mỹ) sau khi ghi nhận lợi nhuận quí 3 thấp hơn kỳ vọng do chi phí đầu vào tăng, chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại và đã quyết định rút hoạt động kinh doanh khỏi Nga.
Lợi nhuận trong năm tài chính 2022 của hãng bán lẻ thời trang trực tuyến ASOS của Anh giảm đến 90%, chỉ còn 22 triệu bảng so với 177 triệu bảng vào năm ngoái.
Trong năm nay, cổ phiếu của ASOS giảm mạnh thứ hai trong số 350 công ty niêm yết hàng đầu tại Anh, thổi bay 2/3 giá trị vốn hóa thị trường của công ty này.
Bức tranh kinh doanh tương tự cũng được ghi nhận tại các công ty như Unilever, nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh có trụ sở tại Anh, và Reckitt Benckiser (Anh-Hà Lan), nhà sản xuất các mặt hàng thiết yếu như sản phẩm tẩy rửa Dettol, bao cao su Durex. Cả hai đều đã cảnh báo về áp lực chi phí sinh hoạt đang tăng cao với người tiêu dùng.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số cổ phiếu ngành bán lẻ châu Âu (STXE 600 RTL PR Index) giảm 40% giá trị trong năm nay, gấp đôi mức giảm của chỉ số STOXX 600, đại diện cho giá cổ phiếu của 600 công ty nhỏ, vừa và lớn tiêu biểu ở 17 nước châu Âu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với người tiêu dùng và các nhà bán lẻ ở châu Á.
Ciaran Callaghan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phiếu châu Âu tại Amundi, công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, nói: “Người tiêu dùng đang chịu rất nhiều áp lực và sẽ giảm một số khoản chi tiêu tùy ý, trong khi chi phí của các nhà bán lẻ đang tăng lên”.
Callaghan cho biết đà tăng chi phí của các khoản vay thế chấp và các hóa đơn khác đang gây áp lực lớn cho người tiêu dùng, và giá nguyên liệu thô cao hơn, chẳng hạn như cotton, cũng đang đẩy chi phí của các nhà bán lẻ tăng lên.
Các nhà đầu tư và các nhà chiến lược dự báo tỷ suất lợi nhuận của các nhà bán lẻ châu Âu sẽ bị siết chặt trong năm tới do áp lực chi phí ngày càng trầm trọng hơn, khi các đồng tiền trong khu vực suy yếu và nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
Theo dữ liệu của Eurostat, chi phí của các công ty trong khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) đã tăng hơn 40% trong năm nay do hóa đơn năng lượng cao hơn, đồng thời tiền lương, giá vải và chi phí vận tải cũng tăng.
Các đồng tiền trong khu vực đang yếu hơn, với đồng euro và đồng bảng Anh giảm lần lượt khoảng 12% và 14% so với đô la Mỹ trong năm nay, cũng khiến hàng hóa đắt hơn đối với những lĩnh vực bán lẻ cần nhiều hàng nhập khẩu.
Trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, một loạt công ty bán lẻ ở châu Âu đã thông báo kế hoạch thuê nhân viên làm việc thời vụ. Các nhà bán lẻ người Anh bao gồm Boots và John Lewis cho biết họ sẽ tuyển dụng 10.000 người. Tuy nhiên, khi tiền lương tăng lên ở những thị trường lao động đang thắt chặt ở châu Âu, sự cạnh tranh tuyển dụng sẽ rất gắt gao.
Một số công ty đã cố gắng chuyển một phần chi phí tăng thêm sang khách hàng, ngay cả khi nhu cầu giảm.
IKEA (Thụy Điển), thương hiệu nội thất gia đình lớn nhất thế giới, là một trong số đó. Công ty báo cáo doanh thu hàng năm cao kỷ lục nhờ giá bán sản phẩm tăng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của IKEA trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8 vẫn giảm đến 45%, xuống còn 931 triệu đô la Mỹ do chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển tăng, cũng như việc đóng cửa các nhà máy ở Nga.
Nhưng các công ty khác lại đang phải vật lộn với lượng sản phẩm tồn đọng cao, khiến họ có thể phải bán giảm giá.
"Nhiều nhà bán lẻ ở châu Âu đang hoạt động với mức tồn kho tăng cao và để giải phóng số hàng tồn đó, họ sẽ phải chiết khấu và khuyến mãi nhiều hơn. Điều đó sẽ không tốt cho lợi nhuận gộp của họ", Ciaran Callaghan nói.
Stephane Ekolo, nhà chiến lược tại Công ty môi giới Tradition ở London, cho biết xu hướng tồn kho cao của các nhà bán lẻ châu Âu có thể sẽ tiếp diễn trong năm tới. Ông nói: “Chúng ta sẽ chứng kiến ngày càng nhiều dấu hiệu rõ ràng hơn về sự xói mòn nhu cầu”.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Kantar, 50% người Anh dự định chi tiêu ít hơn vào Giáng sinh năm nay. Họ đã hạn chế chi tiêu vào tháng trước với niềm tin xuống gần mức thấp kỷ lục khi đối mặt với lạm phát 10% và bối cảnh chính trị hỗn loạn.
Tại khu vực eurozone, nơi lạm phát ở mức cao tương tự, thương mại bán lẻ các sản phẩm phi thực phẩm trong tháng 8 giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Eurostat. Amazon.com đã ghi nhận người tiêu dùng châu Âu đang chi tiêu ít hơn so với người tiêu dùng Mỹ.
Trevor Green, nhà chiến lược cổ phần tại Công ty Aviva Investors, nói: “Khó có thể lạc quan đối với chi tiêu bán lẻ khi niềm tin của người tiêu dùng vẫn giảm xuống mức thấp kỷ lục và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả người dân trong khu vực”.
Theo Reuters