Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Các nhà bán lẻ tăng tốc sử dụng robot để chống lạm phát

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tại một nhà kho rộng lớn ở thành phố Roosendaal, miền nam Hà Lan, cần cẩu tự động và xe tự hành lặng lẽ xếp quần áo để cung cấp cho các cửa hàng của nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Primark ở Pháp và Ý. Chúng là một trong những giải pháp mà Primark sử dụng để giảm nhu cầu nhân công khi thị trường lao động thắt chặt và ứng phó chi phí tăng cao do lạm phát.

Xe tự hành làm việc trong nhà kho của nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Primark ở thành phố Roosendaal, miền nam Hà Lan. Ảnh: Reuters

Với hàng hóa được chất đầy lên đến tận mái, nhà kho mới này, có diện tích bằng hơn 15 sân bóng đá, đã giúp giảm nhu cầu bổ sung không gian ở các nhà kho khác và nhân công, từ đó giúp giảm nền tảng chi phí theo thời gian.

Ngành bán lẻ áp dụng tự động hóa chậm hơn so với các lĩnh vực khác như ô tô và điện tử nhưng đang tăng tốc cho các nỗ lực này, từ việc triển khai các máy cho phép khách tự thanh toán ở các cửa hàng cho đến việc sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo trong chuỗi cung ứng.

Ngành bán lẻ đang đẩy mạnh tự động hóa trong bối cảnh thị trường lao động đang thắt chặt, lương lao động tăng và áp lực lạm phát siết chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo Liên đoàn robot học quốc tế (IFR), hoạt động lắp đặt robot công nghiệp trên toàn cầu trong năm nay tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, doanh số bán robot cho ngành dịch vụ tăng 37%. Lĩnh vực bán lẻ là động lực tăng trưởng quan trọng cho cả hai phân khúc robot này.

Mark Shirley, người đứng đầu bộ phận hậu cần của Primark, có trụ sở ở Ireland, cho biết khoản đầu tư 25 triệu euro cho việc tự động hóa ở nhà kho ở Roosendaal sẽ giúp tiết kiệm 8 triệu euro mỗi năm từ năm thứ tư. Con số đó là chưa tính khoản tiết kiệm nhờ không cần phải thuê thêm nhà kho mới.

Ông ước tính việc sử dụng cần cẩu tự động thay vì xe nâng thủ công đã làm tăng hiệu quả hoạt động của nhà kho này lên 80%. Và điều quan trọng là việc sử dụng các phương tiện tự hành đã giúp Primark không còn phải chịu sức ép cạnh tranh trong thị trường lao động cực kỳ chặt chẽ của Hà Lan.

Shirley nói với Reuters: “Khi xem xét toàn thể ngành bán lẻ, bạn sẽ thấy mọi người đang hành động theo cách đó để giảm thiểu rủi ro về nguồn cung lao động”.

Ông ước tính ngành bán lẻ đã tự động hóa được khoảng 40% và dự báo tỷ lệ này sẽ tăng lên 60-65% trong vòng 3-4 năm tới.

Cuộc trỗi dậy của robot có thể được nhìn thấy trong các cửa hàng thời trang và cửa hàng thực phẩm trên toàn cầu khi ngành bán lẻ, nơi sử dụng hàng triệu nhân công, phải vật lộn ứng phó với chi phí lương, năng lượng và hàng hóa thô đang tăng lên.

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng đang hạn chế chi tiêu trong thời buổi lạm phát. Amazon, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới, đã cảnh báo ngân sách mua sắm của các hộ gia đình đang ngày càng eo hẹp, đặc biệt là ở châu Âu.

Trên khắp khu vực này, các nhà bán lẻ đang thực hiện các cách tiếp cận khác nhau để giảm chi phí. Carrefour (Pháp), nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất châu Âu, tuyên bố sẽ cắt giảm chi phí và đơn giản hóa chủng loại hàng hóa. Trong khi đó, Tesco, nhà bán lẻ thực phẩm lớn nhất của Anh, chấp nhận giảm lợi nhuận bằng cách hạn chế tăng giá bán.

Một hệ thống lưu trữ áo quần vận hành tự động ở nhà kho của nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Primark ở thành phố Roosendaal, miền nam Hà Lan.

Về lĩnh vực thời trang, Inditex (Tây Ban Nha), chủ sở hữu của Zara, đã tăng giá bán để giảm tác động của chi phí đang tăng vọt. AB Food, chủ sở hữu của Primark, cho biết Primark sẽ hạn chế tăng giá, bất chấp lạm phát tăng với mức hai con số ở nhiều thị trường của công ty này trong năm nay. Lý do là khách hàng không đủ khả năng trả thêm để mua áo quần. Điều đó cũng đã khiến cho các nỗ lực tự động hóa càng quan trọng hơn.

Theo các chuyên gia tư vấn tại McKinsey, trong khi các quy trình tại các nhà bán lẻ trực tuyến phần lớn được tự động hóa, phần lớn hoạt động của các nhà bán lẻ truyền thống vẫn được thực hiện thủ công.

Anita Balchandani, người đứng đầu hoạt động tư vấn tiêu dùng của McKinsey ở Anh, nói: “Chúng ta đang ở giai đoạn mà công nghệ ngày càng tốt hơn và rẻ hơn, vì vậy tự động hóa ở một số lĩnh vực bán lẻ đã trở nên hấp dẫn hơn nhiều”.

McKinsey dự báo các công ty thời trang sẽ tăng gấp đôi đầu tư vào công nghệ, từ 1,6-1,8% doanh thu của họ vào năm 2021 lên 3-3,5% doanh thu vào năm 2030.

McKinsey cho rằng những thương hiệu thời trang được tích hợp đầy đủ các quy trình kỹ thuật số có thể cắt giảm một nửa thời gian cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường. Điều đó có thể giúp chi phí sản xuất giảm 20%.

Động lực cắt giảm chi phí cũng đang thúc đẩy quá trình tự động hóa trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, với việc các công ty đẩy mạnh đầu tư vào robot lau dọn, nhãn giá điện tử và các công nghệ giúp họ nắm bắt lượng hàng tồn kho theo thời gian thực và quản lý kế hoạch bổ sung hàng hóa.

Ocado, công ty tiên phong bán thực phẩm trực tuyến ở Anh, đang đón đầu làn sóng này bằng cách bán nhà kho tự động và robot hạng nhẹ cho các nhà bán lẻ ở Mỹ, châu Âu và châu Á.

Tại chuỗi cửa hàng Sam's Club thuộc sở hữu của Tập đoàn Walmart ở Mỹ, có gần 600 robot, do Công ty Brain Corp. phát triển, vừa lau sàn cửa hàng vừa quét các kệ hàng để kiểm tra mức tồn kho và giá cả.

Michel Spruijt, Giám đốc doanh thu của Brain Corp, cho biết sự chuyển đổi này có thể “giải phóng người lao động ra khỏi những nhiệm vụ tẻ nhạt”. Công ty của ông đang cung cấp robot cho một loạt nhà bán lẻ như Schnucks, Kroger, Carrefour và Albert Hypermarkets.

Tuy nhiên, một số nghiệp đoàn lao động đang phản đối tự động hóa. USDAW, một nghiệp đoàn đại diện cho khoảng 360.000 nhân viên cửa hàng, nhà máy và nhà kho ở Anh, cho biết các nhà tuyển dụng thường lãng phí tiền bạc vào công nghệ không hoạt động hiệu quả và không cung cấp các khóa đào tạo cần thiết cho nhân viên.

Một số chuyên gia cảnh báo, với sự thay đổi nhanh chóng trên thị trường, tự động hóa quy mô lớn sẽ không hiệu quả với tất cả mọi người.

Dan Myers, giám đốc phụ trách thị trường Anh và Ireland của Công ty vận tải hàng hóa XPO Logistics, cho biết các nhà bán lẻ đã đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ cho tự động hóa có thể mất thời gian hoàn vốn trong vòng một thập niên. Do vậy, họ cần phải đảm bảo rằng mô hình kinh doanh của họ sẽ không thay đổi trong thời gian này.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới