Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các nhà sản xuất Mỹ đẩy mạnh đưa chuỗi cung ứng về nước

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các doanh nghiệp của Mỹ ghi nhận xu hướng đưa hoạt động sản xuất về nước (reshoring), từng là chủ đề được bàn tán thiếu động lực hành động, đang tăng tốc. Theo hãng kiểm toán Deloitte, các công ty Mỹ dự kiến ​​ đưa về nước gần 350.000 việc làm trong năm 2022, tăng 25% so với năm ngoái.

Xu hướng này có thể khiến thị phần các chuyến hàng có xuất xứ từ châu Á đến Mỹ giảm đến 40% vào năm 2030.

Trong cuộc họp báo báo cáo kết quả kinh doanh gần đây, Jim Hoffman, Giám đốc điều hành Công ty thương mại và dịch vụ kim loại Reliance Steel & Aluminium Co., có trụ sở ở Scottsdale, bang Arizona, nói: “Dù là đưa hoạt động sản xuất về quê hương hay về những nơi gần quê hương (nearshoring), tất cả đều đang diễn ra trên thực  tế và chúng tôi đang tăng tốc thực hiện”.

Trong một báo cáo công bố hôm 2-11, hãng kiểm toán Deloitte cho biết khoảng 62% nhà sản xuất mà hãng khảo sát đã bắt đầu đưa hoạt động sản xuất về nước hoặc những nơi gần nước của họ.  Cuộc khảo sát được thực hiện với 305 lãnh đạo tại các công ty vận tải và sản xuất, chủ yếu ở Mỹ, với doanh thu hàng năm từ 500 triệu đến hơn 50 tỉ đô la Mỹ.

Các công ty Mỹ dự kiến ​​sẽ đưa về nước gần 350.000 việc làm trong năm 2022, tăng 25% so với 260.000 vào năm 2021, theo số liệu được trích dẫn trong báo cáo có tựa đề “Tương lai của vận chuyển hàng hóa” của Deloitte. Cuối cùng, sự thay đổi này có thể làm giảm 20% thị phần các chuyến hàng có xuất xứ từ châu Á đến Mỹ vào năm 2025 và mức giảm sẽ lên đến 40% vào năm 2030, báo cáo cho hay.

Việc đưa các dây chuyền sản xuất trở về gần Mỹ và châu Âu đã được thảo luận trong nhiều năm song nhiều công ty vẫn thận trọng cân nhắc vì một quy trình như vậy được cho là quá tốn kém và phức tạp.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã biến phần lớn ý tưởng này thành hành động trong thực tế vì một số lý do: chuỗi cung ứng toàn cầu tắc nghẽn, thương mại điện tử tăng tốc, các áp lực địa chính trị dâng cao, các hạn chế xuất khẩu gia tăng và nhu cầu trỗi dậy trong lĩnh vực robot và tự động hóa.

Báo cáo Deloitte nhận định sự kết hợp của các lý do đó cuối cùng đã tạo ra động lực mạnh mẽ cho xu hướng chuyển hoạt động sản xuất về quê hương và những nước lân cận.

Một yếu tố quan trọng khác là Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật CHIPS và khoa học, được Mỹ ban hành trong năm nay, phân bổ các khoản trợ cấp khổng lồ cho các sản phẩm được sản xuất ở Mỹ, Canada hoặc Mexico. Kết quả là hàng loạt doanh nghiệp sốt sắng công bố các dự án sản xuất xe điện, pin, chip nhớ và khí tự nhiên lỏng tại Mỹ.

“Đại dịch Covid-19 và các sự kiện địa chính trị đã nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải có một tập hợp các tùy chọn nguồn cung ứng phân tán hơn, đảm bảo độ tin cậy và tính linh hoạt trong việc mua các vật liệu và thiết bị quan trọng. Về lâu dài, chúng tôi hy vọng xu hướng đưa hoạt động sản xuất về nước sẽ mở rộng ra ngoài các lĩnh vực mà chúng ta đang thảo luận”, Barbara Smith, Giám đốc điều hành Công ty Commercial Metals Co., nhà sản xuất kim loại và thép, có trụ sở tại Texas, nói.

Theo báo cáo của Deloitte, khi các chuỗi cung ứng được sắp xếp lại để rời khỏi Trung Quốc và đến các trung tâm sản xuất khác, áp lực chi phí lao động ở Tây Âu và Mỹ “đang giảm nhẹ nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực robot và tự động hóa”.

Tuy nhiên, một số hàng hóa sẽ đắt hơn nếu sản xuất ở Mỹ, chẳng hạn các sản phẩm chip, mặt hàng quan trọng trong xung đột thương mại Mỹ - Trung. Hiện tại, chi phí sản xuất chip ở Mỹ cao hơn 44% so với Đài Loan, theo một báo cáo gần đây từ các nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sach.

Trong khi chip chỉ chiếm 0,3% trong giá trị hàng hóa tiêu dùng cuối cùng tại Mỹ, có nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang và làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng ở Mỹ với biên độ rộng hơn, báo cáo nhận định.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho rằng cần có thêm bằng chứng trước khi khẳng định xu hướng đưa hoạt động sản xuất về Mỹ trong dài hạn. Họ ghi nhận số lượng cơ sở sản xuất tại Mỹ được lập kế hoạch tăng lên rõ rệt trong năm nay.

Họ viết trong báo cáo: “Sự gia tăng này liên quan đến việc hoạt động sản xuất về nước nhưng cường độ chưa đủ để cho thấy bất kỳ sự đảo ngược tình hình mạnh mẽ nào”.

Nhưng Mike McGaugh, Giám đốc điều hành Myers Industries, nhà sản xuất nhựa và cao su, trụ sở tại Akron, bang Ohio, chỉ ra rằng đó là một thực tế chứ không chỉ là một đốm sáng nhỏ. Trong một cuộc họp báo tuần trước, McGaugh khẳng định “reshoring” là một xu hướng thực sự.

Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy các vấn đề về chuỗi cung ứng đã khiến một số khách hàng lo lắng trong hai hoặc ba năm qua. Ngay cả khi chi phí lao động ở Mỹ cao hơn một chút, khả năng phản hồi nhu cầu nhanh và giao hàng nhanh có ý nghĩa quan trọng đối với khách hàng của chúng tôi”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới