Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nhà sản xuất Mỹ vẫn ‘đau đầu’ với chuỗi cung ứng

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tình trạng khan hiếm của nhiều loại hàng hóa và việc tắc nghẽn ở các cảng lớn của Mỹ đã giảm bớt, nhưng nhiều nhà sản xuất ở Mỹ vẫn phập phồng với nỗi lo các lô hàng không được giao đúng thời hạn, làm hỏng kế hoạch kinh doanh của họ.

Công nhân lắp ráp máy lát đường ở nhà máy của Công ty Calder Brothers tại Taylors, bang Nam Carolina, Mỹ. Ảnh: Reuters

Glen Calder đã kỳ vọng lô hàng bộ giảm tốc bánh răng từ Ý mà ông đang cần để chế tạo một mẫu máy lát đường của công ty ông sẽ đến vào tuần trước. Nhưng khi gọi điện thoại vào hôm 15-12 để kiểm tra tình trạng đơn hàng, ông nhận được câu trả lời rằng lô hàng sẽ bị trì hoãn ba tháng.

Calder, Phó chủ tịch điều hành Calder Brothers, một nhà sản xuất các sản phẩm lát đường, có 80 nhân viên, ở Taylors, bang Nam Carolina, nói trong cơn bực dọc: “Họ không giải thích, không xin lỗi, không có gì cả”.

Calder cho biết nhà máy của ông đã cắt thép để lắp ráp máy lát đường sử dụng linh kiện từ Ý, nhưng giờ sẽ phải gấp rút chuyển sang sản xuất những mẫu máy móc khác. Các đơn đặt hàng cho những chiếc máy lát đường, vốn đã bị trì hoãn, sẽ không thể được thực hiện ngay bây giờ.

Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã đeo bám các nhà sản xuất như Calder Brothers suốt thời kỳ đại dịch Covid-19. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng một năm trước, các nhà sản xuất ở Mỹ phải đối mặt với tình trạng thiếu mọi thứ, từ thép, nhôm cho đến chip và nhựa dẻo.

Các điều kiện nguồn cung đã được cải thiện trong những tháng gần đây. Chẳng hạn, số lượng các tàu đang chờ dỡ hàng tại các cảng nhập khẩu lớn nhất của Mỹ đã giảm rõ rệt.

Cuộc khảo sát hàng tháng mới nhất của Viện Quản lý cung ứng (ISM), có trụ sở ở bang Arizona cho thấy tỷ lệ người được hỏi cho rằng thời gian giao hàng của nhà cung cấp nhanh hơn so với tháng trước đạt mức cao nhất kể từ năm 2019. Số người cho rằng đơn hàng giao chậm hơn đã giảm xuống dưới mức trung bình so với mức cao kỷ lục của năm ngoái; nhiều mặt hàng đã không còn khan hiếm như trước. Dù vậy, các chuỗi cung ứng vẫn còn lâu mới trở lại bình thường.

“Nói một cách hài hước là tôi đang chơi trò đập chuột mỗi tuần với các nhà cung cấp không giao hàng”, Calder nói khi ám chỉ đến việc ông phải liên tục giải quyết các vấn đề khó khăn liên quan đến nguồn cung.

Nhưng ông không đơn độc trong trò chơi mới này. Trong cuộc khảo sát gần đây với 179 công ty của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị (AEM), có trụ sở ở bang Wisconsin, 98% công ty cho biết vẫn còn đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng. Đáng lo ngại hơn, và đáng ngạc nhiên so với các báo cáo gần đây bao gồm dữ liệu của ISM, cho thấy dòng chảy nguồn cung đã cải thiện, gần 60% công ty trong cuộc khảo sát của AEM cho hay các vấn đề nguồn cung vẫn tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.

Một thước đo khác, Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI ) của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ khu vực New York đã tăng cao hơn trong tháng 10 và tháng 11, đảo ngược một số cải thiện ở các nút thắt cổ chai nguồn cung toàn cầu tồn tại trong hầu hết năm qua.

Và bây giờ, mối lo ngại mới đang xuất hiện ở Trung Quốc. Trải qua phần lớn thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, các nhà máy của Trung Quốc đã phải vật lộn để theo kịp sự gia tăng bất ngờ của nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa sản xuất công nghiệp. Việc Bắc Kinh gần đây đột ngột dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 đã gây ra một làn sóng lây nhiễm lớn, có thể một lần nữa cản trở hoạt động của các nhà máy tại đây.

Chắc chắn, một số nhà sản xuất đã tự tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua.

Keith Johnson, Chủ tịch Kondex Corp, công ty sản xuất các bộ phận kim loại cho các nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp như Deere & Co , AGCO, nói: “Có cảm giác rằng mọi người cuối cùng cũng đang thoát ra khỏi tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong hai năm qua”.

Kondex cuối cùng đã có thể bổ sung thêm số lượng công nhân cần thiết để đạt được mục tiêu sản xuất tại nhà máy ở Lomira, bang Wisconsin. Kondex đã nâng lực lượng lao động lên 280 người, nhiều hơn số lượng công nhân mà công ty sử dụng trước đại dịch. Nhưng không dễ để lấp đầy những vị trí công việc sản xuất  này.

Nhóm công nhân mới của Johnson bao gồm 18 người được thuê từ bên ngoài bang Wisconsin thông qua một công ty cung ứng lao động. Họ sống trong các nhà trọ địa phương và chi phí nhân công của Kondex cao hơn khoảng 3 lần so với các công ty thuê được nhân công tại chỗ. Kondex đang đầu tư vào tự động hóa và các thiết bị khác để giúp giải quyết khủng hoảng lao động.

“Nhưng rất nhiều công việc nằm trong kế hoạch đó đã bị trì hoãn do sự chậm trễ của chuỗi cung ứng”, Johnson nói.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới