Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nông trại Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nông trại Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Ngành nông nghiệp Mỹ, nơi sử dụng nhiều lao động nhập cư, đang thiếu hụt nhân công trầm trọng dù các chủ nông trại chào mời các mức lương cao.

Các nông trại Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng lao động
Thu hoạch dâu ở một nông trại tại hạt Santa Barbara, bang California, Mỹ. Ảnh: Los Angeles Times.

Trong bối cảnh đó, các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ lại tìm cách vận động một dự luật hạn chế nhập cư và điều này đang đặt ngành nông nghiệp Mỹ đứng trước một cuộc khủng hoảng lao động, theo báo The Wall Street Journal.

Câu chuyện nhập cư ngáng trở dự luật nông nghiệp

Hôm 18-5, với 198 phiếu ủng hộ và 213 phiếu chống, dự luật nông nghiệp Mỹ trị giá 867 tỉ đô la Mỹ đã không thể thông qua tại Hạ viện Mỹ. Dự luật này không được tán thành không phải vì nội dung của nó mà vì chủ yếu vì sự chia rẽ trong nội bộ các nghị sĩ đảng Cộng hòa về vấn đề nhập cư. Nắm số ghế đa số tại Hạ viện, đảng Cộng hòa thừa sức thông qua dự luật.

Tuy nhiên, vào phút cuối, 30 hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng 183 hạ nghị sĩ đảng Dân chủ đã bỏ phiếu chống dự luật. Trong khi các hạ nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối các điều kiện khắt khe đặt ra đối với người nhận phiếu trợ cấp thực phẩm trong dự luật nông nghiệp thì những hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa chống đối dự luật vì họ muốn một dự luật bảo thủ về vấn đề nhập cư có tên gọi Bảo đảm tương lai nước Mỹ (Securing America's Future Act) do Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Bob Goodlatte đề xuất phải được Hạ viện bỏ phiếu trước nhưng không được các lãnh đạo đảng Cộng hòa chấp nhận.

Dự luật Bảo đảm tương lai của nước Mỹ đặt ra những hạn chế về nhập cư, chẳng hạn đòi hỏi những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ trước năm 18 tuổi phải duy trì thu nhập trên mức nghèo khổ, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị trục xuất, cắt giảm lượng người nhập cư hợp pháp vào Mỹ xuống 25% trong vòng một thập kỷ.

Song một vấn đề lớn hơn ít nhận được sự chú ý của truyền thông là các hạn chế nhập cư bị tách riêng ra khỏi hiện thực nền kinh tế nông nghiệp Mỹ và tình trạng thiếu lao động trong ngành nông nghiệp Mỹ đang khiến các chủ nông trại Mỹ phải chuyển hoạt động sản xuất ở nước ngoài.

Tình trạng thiếu hụt lao động tại các nông trại Mỹ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi tỷ lệ thất nghiệp nói chung ở Mỹ đang giảm nhanh. Bộ Lao động Mỹ ước tính khoảng 50% trong số 1,2 triệu lao động trong ngành nông nghiệp Mỹ là những người nhập cư bất hợp pháp và nếu họ bị trục xuất, tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành nông nghiệp Mỹ sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew ở Washington, số lượng người Mexico rời Mỹ cao hơn số người đến trong giai đoạn 2009-2014. Nhiều lao động nhập cư trong ngành nông nghiệp Mỹ đã chuyển sang làm các công việc khác có mức lương cao hơn chẳng hạn như công nhân xây dựng

Trả lương cao vẫn không tuyển đủ nhân công

Steve Barnard, Chủ tịch công ty kinh doanh bơ Mission Produce ở bang California, người trồng bơ từ năm 1983, cho biết nhà thầu mà ông thuê để tuyển dụng lao động đã cắt nguồn cung lao động 50% trong năm nay. Nhiều chủ nông trại đã phải nâng lương cho nhân công để giữ chân họ. Một số chủ nông trại ở bang California đang trả mức lượng hơn 20 đô la Mỹ/giờ kèm theo các khoản phục lợi khác chẳng hạn như thưởng một phần lợi nhuận cho nhân công.

Những lao động làm việc cho công ty của Barnard có thể kiếm mức thu nhập lên đến 400 đô la Mỹ mỗi ngày. Dĩ nhiên, chi phí trả lương cao chỉ phù hợp cho những công ty sản xuất các loại nông sản có giá trị cao. Các chủ nông trại trồng các mùa vụ có giá trị thấp như rau xà lách, cà chua, cam…không thể trả lương cao. Tuy vậy, nhiều chủ nông trại vẫn không thể tìm đủ nhân công dù chào mới các mức lương cao.

Ngày càng có nhiều chủ trang trại Mỹ nạp đơn xin tuyển dụng theo diện thị thực H-2A dành những lao động nước ngoài đến Mỹ làm việc theo mùa vụ. Số lượng thị thực H-2A được cấp đã tăng gấp đôi lên con số 200.000 trong bốn năm qua.

Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, thủ tục để cấp thị thực H-2A cho những lao động mùa vụ trong ngành nông nghiệp rất tốn kém và mất rất nhiều thời gian. Trước khi xin tuyển dụng nhân công theo diện thị thực H-2A, các chủ trang trại Mỹ phải chứng minh rằng họ đã cố gắng thuê lao động trong nước nhưng không thành công.

Quy trình xét duyệt thị thực H-2A ở Bộ Lao động Mỹ cũng rất nhiêu khê và có thể bị ngâm lâu. Năm ngoái, các chủ nông trại của vùng Santa Barbara, bang California chịu thiệt hại 13 triệu đô la Mỹ vì các lao động mùa vụ nước ngoài không đến kịp thời như dự kiến để thu hoạch nông sản.

Đây là lý do khiến công ty của ông Barnard sản xuất 92% sản lượng bơ ở nước ngoài. Do gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công, nhiều chủ nông trại Mỹ đã chuyển chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Nhập khẩu bơ của Mỹ đã tăng gấp đôi trong tám năm qua, trong khi đó, diện tích trồng bơ của Mỹ đã giảm khoảng 25%.

Kể từ năm 1999 đến nay, diện tích trồng cam, bưởi chùm (grapefruit) và măng tây ở Mỹ lần lượt giảm 36%, 61% và 69%.

Kể từ năm 2009 đến nay, Mỹ tăng gần gấp đôi giá trị nhập khẩu cam tươi, tăng gấp ba giá trị nhập khẩu xoài. Thực trạng này gây tổn thương cho việc làm trong các ngành liên quan như vận tải và chế biến thực phẩm. Mỗi lao động làm việc trong các nông trại Mỹ đang hỗ trợ tạo ra từ 2-3 việc làm trong các ngành khác.

Mời xem thêm:

Bộ Nông nghiệp: Phán quyết của Mỹ lên cá da trơn là phi lý
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới