Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Các nước giàu sẽ dư 1,2 tỉ liều vaccine Covid-19 vào cuối năm nay

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nước giàu trên thế giới đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc cần phải tái phân phối nguồn cung vaccine Covid-19 dồi dào của họ cho các nước có thu nhập thấp, đặc biệt là sau khi một báo cáo mới của hãng phân tích dữ liệu Airfinity cho thấy họ có thể dư 1,2 tỉ liều vào cuối năm nay.

Một lô vaccine Covid-19 từ chương trình Covax được chuyển đến Bangladesh hồi cuối tháng 5-2021. Cho đến nay, tiến độ phân phối vaccine của Covax cho các nước nghèo chậm trễ rất nhiều so với mục tiêu đặt ra ban đầu do nguồn cung khan hiếm cộng với việc một số nước giàu vẫn giữ số vaccine dư dôi. Ảnh: news.un.org

Báo cáo của hãng Airfinity, có trụ sở tại London (Anh), cho rằng sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, bao gồm tiêm chủng cho 80% dân số trên 12 tuổi và triển khai chương trình tiêm tăng cường, các nước giàu gồm Anh, Mỹ cũng như các cường quốc khác ở Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn dư môt lượng vaccine Covid-19 đáng kể để tái phân phối trên toàn cầu.

Tuy nhiên, cho đến nay, các nước giàu này chỉ mới phân bổ một lượng nhỏ vaccine Covid-19 mà họ đã cam kết dành cho các nước nghèo hơn vì một vài nước trong số họ lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) cho người dân để chạy đua chống lại biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Các tổ chức vận động công bằng y tế lo ngại tốc độ tái phân phối vaccine quá chậm của các nước giàu sẽ khiến đại dịch kéo dài, làm gia tăng rủi ro xuất hiện thêm các biến thể khác. Một số tổ chức cũng đang kêu gọi các chính phủ và các nhà sản xuất vaccine Covid-19 phải minh bạch hơn trong các thỏa thuận mua bán vaccine.

“Cần phải có một sự tính toán khẩn cấp trên toàn cầu. Chúng ta cần chuyển các liều vaccine dư cho những nước đang cần và công khai tất cả các hợp đồng mua bán vaccine”, Fatima Hassan, nhà sáng lập kiêm Giám đốc Sáng kiến công bằng y tế, một tổ chức phi lợi nhuận ở Cape Town, Nam Phi, nói.

Hồi đầu năm nay, một báo cáo đánh giá độc lập về phản ứng quốc tế với Covid-19 hối thúc các nước giàu cung cấp hơn 2 tỉ liều vaccine cho các khu vực nghèo vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, cho đến nay, khối cường quốc công nghiệp G7 và Liên minh châu Âu (EU) chỉ mới giao 15% trong số hơn 1 tỉ liều vaccine mà họ đã cam kết phân bổ lại cho các nước nghèo, hãng phân tích dữ liệu Airfinity cho hay.

Rasmus Bech Hansen, Giám đốc điều hành Airfinity, giải thích rằng sự chậm trễ này thường là do các nước giàu loay hoay cân nhắc nên triển khai chương trình tiêm tăng cường ở trong nước hay là tái phân phối vaccine ra bên ngoài. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy đang có sự lựa chọn sai trái ở các nước giàu vì họ có thể làm cả hai việc này cùng lúc”, Hansen nói.

Ông cho biết sản lượng vaccine Covid-19 trên toàn cầu đang tăng đều đặn và nguy cơ gián đoạn sản xuất ít khả năng xảy ra. Airfinity ước tính sản lượng vaccine Covid-19 toàn cầu có thể vượt 12 tỉ liều vào cuối năm nay, cao hơn con số gần 11 tỉ liều để tiêm đầy đủ 2 mũi cho 70% dân số thế giới.

Các nước phương Tây đang có 500 triệu liều dôi dư có thể tái phân bổ cho các nước nghèo và một phần trong số đó đã được họ hiến tặng. Phân tích của Airfinity cho thấy đến giữa năm 2022, lượng vaccine Covid-19 dôi dư của họ sẽ tăng lên mức 2,2 tỉ liều. Vaccine của Pfizer chiếm khoảng 45% tổng số liều dôi dư có thể tái phân phối, trong lúc đó, tỷ lệ này của vaccine Moderna khoảng gần 25%.

Nhiều nước nghèo đang phụ thuộc vào Covax, một chương trình do nhiều tổ chức bao gồm Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hợp tác triển khai nhằm cung cấp sự tiếp cận vaccine công bằng cho mọi nước. Tuy nhiên, chương trình đang triển khai chậm so với mục tiêu ban đầu. Hồi tháng 8, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, kêu gọi các nước giàu khoan tiêm mũi tăng cường cho đến khi các nước nghèo được tiếp cận nguồn cung vaccine phân phối dồi dào hơn.

Trong khi đó, tại Mỹ, kế hoạch tiêm mũi tăng cường do Nhà Trắng đề xuất đang gây tranh cãi và vấp phải sự phản đối của các quan chức ở Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vì họ cho rằng thiếu bằng chứng khoa học để chứng minh tiêm mũi thứ 3 vào lúc này là điều cần thiết. Giới lãnh đạo y tế ở EU cũng cho biết mũi tăng cường chưa cần thiết vì tác dụng của các mũi tiêm vaccine hiện nay vẫn còn.

“Các nước có thu nhập cao đã đặt mua lượng vaccine cao gấp đôi so với nhu cầu của họ. Đây là lúc để bày tỏ sự đoàn kết với những nước chưa thể tiêm đầy đủ vaccine cho nhân viên y tế tuyến đầu và phần lớn nhóm dân số dễ tổn thương”, Johnson Sirleaf, cựu đồng Chủ tịch Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch (IPPPR), nói.

Rasmus Bech Hansen, Giám đốc điều hành Airfinity, cho rằng cần phải tăng cường nỗ lực phối hợp trên toàn cầu để cho phép những người có vaccine dồi dào bán lại hoặc hiến tặng số vaccine dư dôi. Ông nói: “Đó không chỉ đơn thuần là cuộc thảo luận giữa nước giàu và nước nghèo. Mỹ, Anh và EU có thể ngồi lại để nhất trí một thỏa thuận thúc đẩy việc tái phân phối vaccine dư dôi của họ”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới