Chủ Nhật, 6/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các nước mạnh tay xử lý người khai man lịch trình và tình trạng sức khỏe

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nước mạnh tay xử lý người khai man lịch trình và tình trạng sức khỏe

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Singapore và Trung Quốc đang mạnh tay xử lý những người che giấu, khai man thông tin về tình trạng sức khỏe và lịch sử đi lại, gây cản trở cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Một đôi vợ chồng ở Singapore đã bị truy tố ra tòa vì khai man lịch sử đi lại; trong khi đó Trung Quốc đang điều tra một phụ nữ cố tính giấu giếm thông tin về tình trạng sức khỏe.

Mỹ quay cuồng trong cơn lốc mua sắm thực phẩm do nỗi sợ Covid-19

Hàng không thế giới thống thiết kêu gọi giải cứu từ các chính phủ

Các nước mạnh tay xử lý người khai man lịch trình và tình trạng sức khỏe
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ dẫn hành khách Trung Quốc trở về từ nước ngoài đến khu kiểm tra và khai báo y tế gần sân bay Bắc Kinh hôm 17-3. Ảnh: Reuters

Trung Quốc điều tra người phụ nữ che giấu tình trạng sức khỏe

Trung Quốc đang gia tăng kiểm tra và giám sát y tế đối với các du khách quốc tế và những công dân trở về từ nước ngoài, đồng thời cảnh báo những người nói dối về tình trạng sức khỏe và lịch sử đi lại để được nhập cảnh vào nước này.

Trung Quốc đang cảnh giác cao độ với mối đe dọa đến từ những ca nhiễm mới từ bên ngoài sau khi nước này đã chặn đứng đà lây lan dịch bệnh nhờ phát động một cuộc chiến đầy gian nan.

Tại Trung Quốc, những ca nhiễm mới từ nước ngoài trở về, hay còn gọi là “ca nhiễm nhập khẩu”, đã cao hơn số ca nhiễm trong nước trong ngày thứ 5 liên tiếp. Ngày 18-3, Trung Quốc cho biết hôm trước đó, có 13 ca nhiễm mới được xác nhận, gồm 12 ca nhiễm nhập khẩu. Tính đến nay, số ca nhiễm nhập khẩu ở Trung Quốc là 155.

Hôm 16-3, cảnh sát Bắc Kinh thông báo đang điều tra hình sự đối với một phụ nữ 37 tuổi, họ Li với cáo buộc khai man về tình trạng sức khỏe. Li là nhân viên của Công ty công nghệ sinh học Biogen ở bang Massachusetts (Mỹ).

Cô lên chuyến bay của hãng hàng không Air China khởi hành từ Los Angeles về Bắc Kinh hôm 12-3. Một tiếng sau khi máy bay cất cánh, Li nói với một nữ tiếp viên rằng cô cảm thấy mệt. Li khai chỉ bay một mình và không sử dụng bất cứ loại thuốc nào trước khi lên máy bay. Dù thân nhiệt của Li bình thường nhưng nữ tiếp viên vẫn cẩn trọng đưa cô về khu vực cách ly ở đuôi máy bay.

Hai tiếng trước khi máy bay hạ cánh, Li gọi nữ tiếp viên đến để khai lại rằng chồng và con trai của cô đang bay cùng cô và ngồi ở các hàng ghế phía trước. Li cũng cho biết đã sử dụng thuốc hạ sốt trước lúc lên máy bay và xác nhận một đồng nghiệp của cô ở Mỹ đã nhiễm Covid-19.

Sau khi về đến Bắc Kinh, hôm 13-3, Li được xác nhận dương tính với virus corona. 59 người bay cùng cô trên chuyến bay bị cách ly. Li cho biết đã phát hiện các triệu chứng của bệnh Covid-19 bao gồm sốt từ ngày 1-3. Sau khi đến bác sĩ khám, cô chỉ được kê đơn thuốc trị cúm Tamiflu. Cô đã yêu cầu xin xét nghiệm bệnh 3 lần nhưng đều bị từ chối. Đó là lý do cô phải về nước để được xét nghiệm và điều trị.

Cư dân mạng trong nước chỉ trích dữ dội người phụ nữ này và kêu gọi thực thi luật để trừng phạt những hành động ích kỷ và vô trách nhiệm có thể làm hỏng thành quả của cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 của Trung Quốc.

Hôm 16-3, 5 cơ quan trung ương của Trung Quốc gồm Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm soát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành thông tư cảnh báo những người nhập cảnh vào nước này cố tình che giấu các triệu chứng bệnh, làm giả các giấy chứng nhận sức khỏe hoặc khai báo gian dối trong tờ khai y tế có thể bị khép tội cản trở hoạt động kiểm tra y tế và kiểm dịch, có thể sẽ đối mặt mức án tù lên đến 3 năm.

Rất nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài, bao gồm cả những người nghi nhiễm Covid-19, đang vội vã trở về nước vì họ bị từ chối xét nghiệm hoặc không có bảo hiểm y tế ở nước ngoài.

Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 16-3, ông Wang Jun, Vụ trưởng Vụ Chính sách và các vấn đề pháp lý thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nói: “Dịch bệnh Covid-19 đã dần được khống chế ở Trung Quốc nhưng đang lây lan nhanh trên toàn cầu. Vì vậy, điều quan trọng là ngăn chặn những người nhiễm bệnh từ bên ngoài vào Trung Quốc”.

Ông cho biết một số người biết rõ họ có các triệu chứng của bệnh hoặc đã từng đi đến các nước có rủi ro lây nhiễm cao nhưng cố tình che giấu các thông tin quan trọng để tránh bị cách ly. Một số người thậm chí uống thuốc hạ sốt để che giấu các triệu chứng nhằm vượt qua khâu kiểm tra sức khỏe ở sân bay.

Ông Wang Lun kêu gọi mọi người phải trung thực trong quá trình kiểm tra y tế vì những hành động như vậy gây rủi ro lớn cho an toàn sức khỏe cộng đồng.

Chính quyền Bắc Kinh và nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc tuyên bố không điều trị miễn phí cho những bệnh nhận Covid-19 che giấu lịch sử đi lại và các thông tin khác liên quan đến sức khỏe của họ.

Zhi Zhenfeng, chuyên gia pháp lý ở Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với những người khai man gây cản trở công tác phòng chống dịch bệnh, chẳng hạn phạt tiền nặng gấp 5 năm lần mức thu nhập lương hàng năm của họ.

Singapore truy tố cặp vợ chồng khai man lịch sử đi lại

Hu Jun (trái) và vợ Shi Sha rời tòa án ở Singapore hôm 28-2. Ảnh: CNA

Tại Singapore, nhà chức trách cũng xử lý cứng rắn đối với những trường hợp khai báo gian dối trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Hôm 28-2, một đôi vợ chồng Singapore đã bị truy tố ra tòa về tội cung cấp thông tin gian dối cản trở hoạt động truy tìm những người mà họ đã tiếp xúc theo đạo luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Riêng người vợ còn bị truy tố thêm tội vi phạm lệnh cách ly. Người chồng, tên Hu Jun, 38 tuổi, đến từ Vũ Hán, còn vợ anh ta, tên Shi Sha, 36 tuổi, người Trung Quốc sinh sống ở Singapore.

Hu Jun nhập cảnh vào Singapore hôm 22-1 để thăm vợ và được xác nhận nhiễm Covid-19 vào ngày 31-1. Shi Sha là người tiếp xúc gần gũi với Hu Jun nên cô bị áp lệnh cách ly từ ngày 1-2. Hu đã dần bình phục và được xuất viện hôm 19-2.

Khi làm việc với các nhân viên y tế, cặp đôi này đã khai man về hành trình đi lại và các điểm đến của họ trong thời gian từ từ 22 đến 29-1. Tuy nhiên, Bộ Y tế Singapore vẫn xác định được hành trình di chuyển thực sự của họ thông qua các cuộc điều tra chuyên sâu.

Theo cáo trạng, Shi Sha cung cấp thông tin sai về căn hộ nơi cô ta cư trú. Cô cũng bị cáo buộc đã không tuân thủ lệnh cách ly tại căn hộ, khi tự ý ra ngoài thuê khách sạn vào hôm 1-2. Tuy nhiên, khi khai báo với các nhân viên y tế, cô khẳng định không thuê khách sạn.

Đôi vợ chồng này sẽ tiếp tục ra tòa vào ngày 20-3. Nếu bị kết tối, đôi vợ chồng này có thể bị phạt tiền tối đa lên đến 10.000 đô la Singapore (160 triệu đồng) hoặc bị phạt tù tối đa không quá 6 tháng cho mỗi người, theo quy định của đạo luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Hôm 9-3, Viện Công tố Saudi Arabia cho biết sẽ phạt 500.000 rial (133.000 đô la Mỹ) đối với bất kỳ ai không thành thật khai báo các thông tin về sức khỏe và chi tiết lịch sử đi lại ở các điểm nhập cảnh vào nước này. Quyết định này được đưa ra sau khi một đôi vợ chồng ở Saudi Arabia được xác định nhiễm Covid-19. Người vợ bị lây từ người chồng sau khi anh này trở về từ Kuwait.

Tuy nhiên, người chồng đã không khai báo về chuyến thăm của anh ta đến Iran, ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại Trung Đông, trước lúc sang Kuwait để trở về Saudi Arabia, khiến nhà chức trách mất cảnh giác.

Global Times, Channel News Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới