Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nước mua dầu lên kế hoạch thành lập liên minh để chống OPEC

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nước mua dầu lên kế hoạch thành lập liên minh để chống OPEC

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Các nền kinh tế nhập khẩu dầu như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU) có thể thành lập một liên minh mua dầu để gây sức ép, buộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải kiểm soát giá dầu ở mức hợp lý.

Các nước mua dầu lên kế hoạch thành lập liên minh để chống OPEC
Ấn Độ và Trung Quốc đang thảo luận khả năng hợp tác để chống lại sự chi phối của OPEC đối với thị trường dầu châu Á. Ảnh: Youtube

OPEC thao túng thị trường dầu

Bấy lâu nay, OPEC điều khiển giá dầu bằng cách kìm hãm cạnh trạnh trên thị trường. Khi các công ty dầu đá phiến ở Mỹ gia tăng sản lượng, đe dọa thị phần của OPEC, tổ chức này lập tức bơm thật nhiều dầu, khiến sản lượng dư thừa, kéo giá dầu đi xuống. Kết quả là nhiều đối thủ dầu đá phiến bị loại bỏ ra khỏi thị trường do thua lỗ vì chi phí sản xuất cao hơn giá dầu. Khi các đối thủ thấm đòn, OPEC lập tức cắt giảm sản lượng, kích tăng giá dầu.

OPEC và các cường quốc dầu mỏ khác bao gồm Nga, đã hợp lực cắt giảm sản lượng dầu 1,8 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2017, giúp giá dầu phục hồi mạnh mẽ trong năm qua.  Điều này gây sức ép cho các nền kinh tế nhập khẩu dầu như Trung Quốc và Ấn Độ. Trước lúc giá dầu Brent chạm mốc 80 đô la Mỹ/thùng cách đây một tháng, các chuyên gia kinh tế cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước nhập khẩu dầu như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ trì trệ nếu giá dầu tiếp tục tăng cao.

Ngoài ra, quyết định tái trừng phạt Iran gần đây của chính phủ Mỹ và cuộc khủng hoảng kinh tế ở Venezuela, một thành viên chủ chốt của OPEC, càng khiến sản lượng dầu của OPEC bị thu hẹp.

Vậy nên, tại cuộc họp ở Vienna, Áo hôm 22-6, OPEC dẫn đầu là Saudi Arabia và các đồng minh dẫn đầu là Nga, đã nhất trí tăng sản lượng dầu một triệu thùng/ngày để bù đắp cho nguồn cung sụt giảm. Động thái này dường như cũng nhằm bảo vệ thị phần dầu của OPEC đang suy giảm trên thị trường dầu toàn cầu do nguồn cung dầu của Mỹ tăng mạnh.

Trung Quốc, Ấn Độ muốn lập câu lạc bộ mua dầu

Năm 2012, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng đề xuất một tổ chức đối trọng với OPEC nhưng các nền kinh tế nhập khẩu dầu khác bao gồm EU và Mỹ dường như không quan tâm. Giờ đây, ý tưởng thành lập một liên minh chống lại OPEC lại được nhen nhóm.

Trong bối cảnh các mối lo lắng về biến đổi khí hậu ngày càng dâng cao cộng với những nguy cơ tổn thương kinh tế nếu giá dầu hướng đến mốc 100 đô la Mỹ/thùng, các các nước nhập khẩu năng lượng bắt đầu ngồi lại tìm phương án chấm dứt sự phụ thuộc quá lớn vào OPEC.

Hôm 11-6, các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành cuộc họp ở Bắc Kinh, thảo luận kế hoạch thành lập “câu lạc bộ các nước mua dầu” để nâng cao sức mạnh đàm phán mua dầu với OPEC. Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) Wang Yilin và Chủ tịch Tập dầu dầu khí Ấn Độ (IOC) Sanjiv Singh đều có mặt tại cuộc họp.

Cơ quan Năng lượng quốc tế dự báo tiêu thụ dầu thô (tính theo đơn vị triệu thùng/ngày), của Trung Quốc (cột màu gạch) và Ấn Độ (cột màu xanh) sẽ tăng đến đến năm 2040.

Trung Quốc và Ấn Độ tiêu thụ tổng cộng gần 17% sản lượng dầu toàn cầu vào năm ngoái. Nếu câu lạc bộ mua dầu trở thành hiện thực, Bắc Kinh và New Delhi sẽ tập hợp được sức mạnh lớn hơn để đàm phán với OPEC để mua giá dầu với giá tốt đồng thời sẽ có tiếng nói quan trọng hơn trong các vấn đề khác chẳng hạn nhập khẩu nhiều dầu hơn từ Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 4-2018, trong một cuộc họp với Chủ tịch CNPC Wang Yilin và Phó Cục trưởng Cục Quản lý Năng lượng quốc gia Trung Quốc Li Fanrong bên lề Diễn đàn Năng lượng quốc tế ở New Delhi,  Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan đã đề xuất thành lập một liên minh giữa các công ty dầu khí nhà nước của Ấn Độ và Trung Quốc để làm suy yếu sức chi phối của OPEC.

Trả lời báo chí sau cuộc họp, ông Pradhan nói: “Là những nước tiêu thụ dầu, chúng tôi có những mối quan tâm chung. Chúng tôi nhất trí thúc đẩy hợp tác và chúng tôi hy vọng trong tương lai, những nước mua dầu có thể tác động giá dầu”.

Ông cho biết tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận khả năng hợp tác tìm nguồn cung ứng dầu cũng như hợp tác đàm phán để mua dầu của OPEC với giá tốt hơn. Ông nói Ấn Độ và Trung Quốc cũng sẽ tiến hành các cuộc thảo luận tương tự với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước nhập khẩu dầu khác ở châu Á.

OPEC đã thống lĩnh thị trường dầu châu Á trong nhiều thập kỷ. OPEC vận chuyển 15 triệu thùng dầu mỗi ngày sang châu Á, chiếm 60% lượng dầu xuất khẩu của tổ chức này. Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản là những nước châu Á nhập khẩu dầu của OPEC nhiều nhất. Vậy nên, châu Á chịu tác động lớn trước bất kỳ quyết định cắt giảm sản lượng dầu nào của OPEC.

Thách thức lớn đối với OPEC

Hãng tin Bloomberg cho rằng một liên minh mua dầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nếu có thêm sự tham gia của Nhật Bản và EU, có thể tạo ra sức mạnh đàm phán rất lớn. Các nền kinh tế này sản xuất 65% lượng xe ô tô trên thế giới và tiêu thụ khoảng 35% sản lượng dầu toàn cầu. Một liên minh mua dầu như vậy có thể cảnh báo họ sẽ đẩy nhanh tiến trình phổ cập hóa xe điện để giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu nếu OPEC vẫn giữ giá dầu từ mức 60-100 đô la Mỹ/thùng. Nếu OPEC chấp nhận duy trì giá dầu từ 30-50 đô la Mỹ/thùng, liên minh này có thể cam kết từ từ chuyển đổi xe điện.

OPEC sẽ phải trả giá đắt nếu quá lạm dụng sự độc quyền trên thị trường dầu. Một khi các nước nhập khẩu dầu quyết định mở rộng thị trường xe điện bằng cách chính sách trợ giá, tốc độ phổ cập xe điện sẽ tăng nhanh và cho dù, OPEC sau đó chấp nhận kéo giá dầu xuống thì số người sở hữu xe điện vẫn không giảm xuống.

(Theo Seeking Alpha, Bloomberg)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới