Thứ Tư, 21/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Các nước tăng phòng vệ thương mại hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, ngay cả những hàng hóa mà Việt Nam không dẫn đầu thị trường xuất khẩu.

Thông tin này được ghi nhận tại hội nghị trực tuyến phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại dành cho các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 19-11.

Ảnh minh họa: TL

Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị phòng vệ thương mại ở các nước

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005-2010, mới có 25 vụ việc thì trong giai đoạn 2011-2015 là 52; giai đoạn trước 2016 đến tháng 9-2021 là 109. Giai đoạn trước năm 2005, tổng số vụ việc khoảng 22 vụ. Tổng số vụ việc cho đến nay là 208 vụ.

Đáng chú ý là số lượt vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên, do các nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép, nhôm, thậm chí là tôn…

Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), tính đến tháng 10-2021, trong số các thị trường kiện phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam thì Mỹ chiếm nhiều nhất với 37 vụ kiện (chiếm tỷ lệ 18,1%), kế đến là Ấn Độ với 29 vụ kiện (14,2%) và thứ ba là Thổ Nhĩ Kỳ với 24 vụ (chiếm 11,8%). Nhóm sản phẩm sắt, thép, nhôm, đồng bị kiện nhiều nhất.

Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc phòng vệ thương mại đánh vào hàng xuất khẩu của Việt Nam có nhiều, nhưng một trong những lý do quan trọng là xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh. Nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng rất nhanh, nhiều mặt hàng của Việt Nam tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ.

Theo các diễn giả, ngay cả những hàng hóa mà Việt Nam không dẫn đầu thị trường xuất khẩu cũng bị các nước phòng vệ thương mại.

Trong nước cũng chủ động “phòng vệ”

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu, do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng về thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành.

Dù phòng vệ thương mại là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam nhưng trong những năm gần đây Việt Nam cũng đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thiết lập môi trường cạnh tranh, công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng sản xuất trong nước.

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), nhận định các biện pháp phòng vệ thương mại đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước. Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Đặc biệt, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại trong tiến trình hội nhập, Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư, đề án về phòng vệ thương mại. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã điều tra 23 vụ việc phòng vệ thương mại, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường… để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Thời gian cuối năm, nhiều mặt hàng sẽ được ưu đãi lớn nhằm kích cầu tiêu dùng, năng lực sản xuất sẽ gia tăng, lẩn tránh phòng vệ thương mại để hưởng ưu đãi cũng tăng cao. Do đó, để nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn về phòng vệ thương mại để ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, đảm bảo hàng hóa sản xuất trong nước được cạnh tranh công bằng.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong các vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp thương mại tại Việt Nam thì người tiêu dùng chắc chắn bị ảnh hưởng.

Một vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại không thể không tiến hành điều tra xem có thể áp dụng chống bán phá giá hay không, nếu có đơn kiện doanh nghiệp trong nước và đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, các doanh nghiệp chứng minh được có hành vi bán phá giá, có hành vi trợ cấp đối với hàng hóa được nhập khẩu. Thứ ba, chứng minh được có thiệt hại với ngành sản xuất trong nước. Cuối cùng là chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá với thiệt hại đã xảy ra.

“Chúng tôi không thể vì ảnh hưởng đến người tiêu dùng, hay đến đối tượng nào khác trong xã hội mà từ chối điều tra. Nếu nguyên đơn đã chứng minh được 4 vấn đề nêu trên là phải tiến hành điều tra. Khi điều tra, nếu đúng như các vấn đề đã nêu thì sẽ buộc phải có mức thuế phù hợp”, ông Thái nói.

Tất nhiên, một khi đã đánh thuế với hàng nhập khẩu được xác định bán phá giá thì có tác động đến nhiều phía. Đầu tiên là có lợi với nhà sản xuất trong nước, vì doanh nghiệp được hưởng lợi môi trường cạnh tranh công bằng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng từng được hưởng lợi từ hàng bán phá giá với giá rẻ thì sẽ phải sử dụng hàng đó với mức giá cao hơn.

“Nếu Việt Nam đi theo hướng giá rẻ phục vụ lợi ích người tiêu dùng thì đất nước sẽ không còn doanh nghiệp sản xuất nào nữa. Khi không còn ngành sản xuất nữa thì thị trường nội địa trở thành nơi nước ngoài lũng đoạn”, ông Thái lý giải.

Để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về các biện pháp phòng vệ thương mại, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng vai trò của báo chí truyền thông là rất quan trọng. Hội nghị nhằm thảo luận, tìm hiểu về tổng quan về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; tác động của các hiệp định thương mại tự do đến nền kinh tế Việt Nam; cũng như vai trò của biện pháp phòng vệ thương mại trong việc lập lại môi trường cạnh tranh công bằng bảo vệ lợi ích chính đáng… Qua đó để các cơ quan báo chí truyền thông thông tin tuyên tuyền cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng đủ về công cụ phòng vệ thương mại, cũng như cảnh báo các rủi ro cho các bên liên quan đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới