Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Các nước tiểu vùng sông Mê-kông đặt mục tiêu bảo vệ môi trường

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Các nước tiểu vùng sông Mê-kông đặt mục tiêu bảo vệ môi trường

Yến Dung

Lãnh đạo năm quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mê-kông tại buổi thảo luận về chủ đề cân bằng mục tiêu phát triển và bảo vệ môi trường tiểu vùng – Ảnh: Quang Nhật

(TBKTSG Online) – Bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển nguồn năng lượng mới là mục tiêu quan trọng mà các thành viên của khu vực tiểu vùng sông Mê-kông (Greater Mekong Subregion – GMS) cùng đặt ra nhằm hướng tới phát triển bền vững.

Chủ đề này đã được lãnh đạo năm quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam cùng đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận chiều trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á diễn ra tại TPHCM hôm 6-6.

Đề cập đến việc làm thế nào để GMS trở thành động lực phát triển của khu vực châu Á, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cho rằng các thành viên cần thể hiện mạnh mẽ và chủ động hơn nữa trong việc thực hiện bốn ưu tiên. Trước hết, đó là việc nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác song phương, đa phương với các đối tác bên ngoài. Tiếp đó, GMS cần nhấn mạnh vai trò bền vững của bảo vệ môi trường, đặc biệt là nguồn tài nguyên nước và phát triển các nguồn năng lượng mới nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh việc tận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ quốc tế, các quốc gia GMS cần xây dựng hành lang pháp lý và tạo điều kiện để khuyến khích nhiều hình thức đầu tư vào khu vực này. Ưu tiên thứ tư là giữa các thành viên GMS phải hợp tác về mặt chính sách tốt hơn nữa, bảo đảm tăng trưởng bền vững, thân thiện với môi trường.

Mở đầu bài nói chuyện của mình bằng việc nhắc đến kỷ niệm 15 năm thành lập Ủy ban sông Mê-kông (MRC), Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nói rằng trong GMS đã có những hoạt động, sáng kiến hợp tác giữa các thành viên với nhau và với các quốc gia tại các khu vực khác, điều này đã góp phần tạo ra những cơ hội về đầu tư, kinh doanh.

Nhìn về phía trước, ông Abhisit cho rằng tiểu vùng có bốn mục tiêu, trong đó quan trọng nhất và mang tính dài hạn chính là đảm bảo sự phát triển bền vững về môi trường, bên cạnh những mục tiêu khác như đóng góp về lương thực và năng lượng cho thế giới, tạo sự kết nối về hạ tầng giữa các thành viên và đầu tư phát triển nguồn nhân lực.

Cùng chia sẻ quan điểm về bảo vệ môi trường, ông U Thein Sein, Thủ tướng Myanmar đề cập đến sức ép về cạn kiệt tài nguyên trong quá trình khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho mục tiêu phát triển của các quốc gia. Ông cho rằng các chính phủ cần thận trọng trong việc triển khai các dự án, chương trình quốc gia để đảm bảo vấn đề sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có hiệu quả và bền vững.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng tiềm năng to lớn của sông Mê-kông thúc đẩy sự hợp tác phát triển hạ tầng giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại… giữa các thành viên tiểu vùng nhưng cũng đặt ra những vấn đề về thu hút đầu tư và quản lý việc khai thác tài nguyên. Mặc dù GMS đã đạt được những thành tựu ban đầu về tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo nhưng trên thực tế, tình trạng nghèo đói của người dân sống ở vùng lưu vực sông vẫn còn chiếm tỷ lệ cao cùng những áp lực lớn như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đang đòi hỏi các thành viên phải tăng cường hợp tác với nhau và với các quốc gia phát triển khác để cùng giải quyết.

Thông điệp mà ông Hun Sen muốn chuyển đến các thành viên khác là tất cả phải cùng hợp tác, chia sẻ với nhau những định hướng phát triển của mỗi quốc gia trong yêu cầu hài hòa, chặt chẽ và đảm bảo tính ổn định, bền vững cho cả tiểu vùng.

Về phía Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, ông nhận định các thành viên GMS đã mở rộng mối quan hệ với nhiều quốc gia ở các khu vực khác và đây cũng là lợi thế của họ trong việc đưa ra những chính sách hợp tác thống nhất và cùng giải quyết các vấn đề theo hướng hợp tác, chia sẻ với nhau.

Thủ tướng Thái Lan Abhisit bổ sung thêm rằng sự hợp tác giữa các thành viên GMS dựa trên nền tảng tài nguyên thiên nhiên và đang thúc đầy mô hình phát triển than thiện với môi trường và đây cũng chính là yếu tố thu hút sự quan tâm của các quốc gia phát triển đầu tư vào tiểu vùng này.

Trước đó, vào tháng 4-2010, Hội nghị Ủy ban sông Mê-kông với 4 thành viên là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam diễn ra ở Hua Hin (Thái Lan) đã xem xét những vấn đề của dòng sông và đưa ra những chương trình giúp cho các quốc gia ven sông phát triển kinh tế theo hướng bền vững và quản lý nguồn nước theo hướng bảo vệ môi trường sinh thái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới